Dịch thuật: Tại sao người xưa gọi phú ông là "Đào Chu Công"

TẠI SAO NGƯỜI XƯA GỌI PHÚ ÔNG LÀ “ĐÀO CHU CÔNG”

          Thời cổ gọi phú ông là “Đào Chu Công” 陶朱公. “Đào” là địa danh, “Chu Công” 朱公 là tên của Phạm Lãi 范蠡 sau khi thoái ẩn. Như mọi người đều biết, Phạm Lãi là nhân vật then chốt lúc Ngô Việt tranh bá cuối thời Xuân Thu, là chính trị gia nổi tiếng. Tại sao gọi phú ông là “Đào Chu Công”, đương thời ngoài “Đào Chu Công” ra, còn có đại thương nhân nào khác nữa không?
          Phạm Lãi là đệ nhất mưu thần giúp Câu Tiễn 勾践 diệt Ngô phục quốc, bái làm Thượng tướng quân. Về sau, Phạm Lãi nhận thức được Câu Tiễn là một người có thể cùng chung hoạn nạn, nhưng không thể cùng an lạc, thế là vội thoái lui, mạnh dạn từ quan mà đi. Đầu tiên ông đến nước Tề, đổi tên là Xi Di Tử Bì 鸱夷子皮. Nhưng người nước Tề biết tài năng phẩm đức của ông, mời ông làm Tể tướng. Do bởi ông đã hạ quyết tâm thoái lui quy ẩn, nên chẳng bao lâu ông lại từ quan mà đi. Về sau đến đất Đào , trung tâm thương nghiệp đương thời định cư, tự xưng là “Chu Công” 朱公, mọi người gọi ông là “Đào Chu Công” 陶朱公. Tại đây ông kinh doanh thương nghiệp, lại theo nghề nông nghiệp chăn nuôi. Dựa vào tài năng kinh doanh phi phàm của mình, trong khoảng thời gian 19 năm có ba lần kiếm hơn ngàn vàng. Nhưng ông trượng nghĩa sơ tài, nhân đó có mĩ danh là “phú nhi hành kì đức” 富而行其德, trở thành điển hình của thương nghiệp Trung Quốc mấy ngàn năm nay.
          Xuân Thu Chiến Quốc là thời kì dung hợp dân tộc và thương nghiệp đại phát. Đại thương nhân đương thời còn có Lã Bất Vi 吕不韦, trong sử chép rằng “vãng lai phiến tiện mại quý, gia luỹ thiên kim” 往来贩贱卖贵, 家累千金 (đi lại mua rẻ bán đắt, trong nhà có đến hàng ngàn lượng vàng), kết bạn với công tử lưu vong của Tần là Dị Nhân 异人, đồng thời giúp tiền bạc để ông về nước lên ngôi, từ đó thành công thực hiện sự chuyển biến mang tính lịch sử cá nhân từ thương nhân theo làm chính trị. Đoan Mộc Tử Cống 端木子贡 là đại biểu của Nho thương, ông là học trò của Khổng Tử, là nguồn kinh tế chủ yếu để Khổng Tử có thể chu du các nước. Tử Cống từng đảm nhậm chức Tể tướng ở hai nước Tề và Vệ, là người giàu đứng đầu trong Khổng môn. Khổng Tử gọi ông là “hồ liễn chi khí” 瑚琏之器, hậu thế dùng câu “Đoan Mộc di phong” 端木遗风 để tán mĩ Nho thương. Ngoài ra còn có đại thương nhân Bạch Khuê 白圭 nổi danh về trí tuệ. Trong Hán thư 汉书 gọi ông là tị tổ lí luận về sản xuất mậu dịch thương nghiệp, tức “thiên hạ ngôn trị sinh giả tổ” 天下言治生者祖 (thiên hạ cho ông là ông tổ của những người biết kinh doanh gia nghiệp, mưu sinh kế). Ông là mưu lược gia kinh tế và lí tài gia nổi tiếng thời Tiên Tần, những lí luận kinh thương như “nhân khí ngã thủ” 人弃我取 (người vứt bỏ ta lấy), “tri tiến tri thủ” 知进知守 (biết tiến biết giữ) ... đến nay vẫn có ý nghĩa chỉ đạo.

Chú của người dịch
1- Hồ liễn chi khí 瑚琏之器:
          Hồ liễn là một loại tế khí trong tông miếu dùng để đựng thử tắc. “Hồ liễn chi khí” dùng để chỉ người có tài năng đặc biệt, có thể gánh vác việc lớn. Điển xuất từ thiên Công Dã Tràng 公冶長 trong Luận ngữ 論語:
          Tử Cống vấn viết: “Tứ dã hà như?” Tử viết: “Nhữ khí dã”. Viết: “Hà khí dã”. Viết: “Hồ liễn dã.”
          子貢問曰: “賜也何如?” 子曰:女器也”. : “何器也?”. : “瑚璉也”.
          (Tử Cống hỏi: “ Con Tứ này thì như thế nào?” Khổng Tử đáp rằng: “Anh như một món đồ dùng”. Tử Cống lại hỏi: “Đồ gì vậy? “Là cái hồ liễn”.)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 14/5/2020

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post