Dịch thuật: Định ngày nạp thái vu quy (651) ("Truyện Kiều")


ĐỊNH NGÀY NẠP THÁI VU QUY (651)
          Nạp thái 纳采: là một trong sáu lễ giá thú truyền thống của Trung Quốc, gồm: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kì và thân nghinh.
          Nạp thái tục gọi “nghị hôn” 议婚 hoặc “thuyết môi” 说媒, nhờ người làm mai đến nhà gái để bàn hôn sự. Khi người làm mai đến nhà gái, thường mang theo một con chim nhạn sống làm lễ vật, tượng trưng cho sự trung trinh bất nhị.
          Vu quy 于歸: Cô gái về nhà chồng. Điển xuất từ bài Đào yêu 桃夭phần Chu Nam 周南trong Kinh thi. Bài Đào yêu gồm 3 chương, mỗi chương 4 câu, câu thứ 3 ở mỗi chương đều là: Chi tử vu quy 之子于歸 (cô gái ấy đi về nhà chồng).

Định ngày nạp thái vu quy
Tiền lưng đã có, việc gì chẳng xong
(“Truyện Kiều” 651 – 652)
Đủ điều nạp thái vu quy
Đã khi chung chạ, lại khi đứng ngồi
(“Truyện Kiều” 957 – 958)
Cung nga thể nữ nối sau
Rằng: “Vâng lệnh chỉ rước chầu vu qui”
(“Truyện Kiều” 2263 – 2264)
Tuy rằng vui chữ vu qui
Vui này đã cất sầu kia được nào!
(“Truyện Kiều” 2843 – 2844)
Vu qui: Chỉ người con gái về nhà chồng; lễ rước dâu.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 652 :
Tiền lưng đã SẴN, việc gì chẳng xong
Câu 957:                       Cung nga THÁI nữ nối sau
Câu 2843 – 2844:                DẪU rằng vui THÚ vu qui
Vui này đã GÁC sầu kia được nào!
                                                (Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 651 - 652 là:
Định THỜI nạp thái vu quy
Tiền lưng đã THẤY, việc gì chẳng xong
Câu 2843:                         DẪU rằng vui chữ vu quy
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 10/5/2020
Previous Post Next Post