Dịch thuật:Những cách xưng hô kì lạ của triều Đại Tống (kì 1)

NHỮNG CÁCH XƯNG HÔ KÌ LẠ CỦA TRIỀU ĐẠI TỐNG
Kì 1
ANH EM CON CÁI ĐỀU GỌI LÀ “CA”

          Cách xưng hô giữa người thời hiện đại với nhau rất là đa dạng, ví dụ như phụ thân, đa số người gọi là “ba ba” 爸爸, nhưng người Quảng Đông 广东lại gọi là “lão đậu” 老豆, cũng có khi hợp thời thượng một chút học theo phương tây gọi là “đa địa” 爹地 ..... Nhưng có thể tin rằng: người đương đại nghe hiểu, từng từ đều rõ ràng. Nhưng nếu bạn ở vào đời Tống, tuy mọi người đều nói tiếng Trung Quốc, về khẩu âm bạn cũng hiểu, nhưng rất có thể bạn sẽ bị váng đầu.
          Nói một cách đơn giản, cách xưng hô giữa người một nhà của triều Đại Tống có chút lộn xộn, có thể bạn sẽ không phân biệt được vai vế. Nếu không phải là người cùng một nhà, đôi khi sẽ quá mức khách sáo, khiến bạn cảm thấy không được thoải mái. Không tin ư? Bạn thử nhé.
          Để đảm bảo sự thể nghiệm chân thực, ấn tượng sâu sắc, lần này chúng ta đích thân ở vào hoàn cảnh. Hiện hãy tưởng tượng một chút, bạn là người đời Tống, còn như thân phận ư? Bạn sẽ làm một vị hoàng đế -  vị hoàng đế thứ 2 của triều Nam Tống, Tống Hiếu Tông Triệu Thận 宋孝宗赵昚. Thế nào? Như thế không chân thực sao? Nhân vì thân phận quá đặc biệt ư? Không sao, hoàng đế Đại Tống cũng là người bình thường, hoàng gia và bách tính nhân gia như nhau, xưng hô qua lại chẳng có gì là khác nhau quá lớn.
          Nhắc một chút, bạn là hoàng đế lúc lên ngôi, lão hoàng đế Tống Cao Tông Triệu Cấu 宋高宗赵构 – cũng chính là dưỡng phụ của bạn hãy còn sống, ông ta chủ động đem hoàng vị giao cho bạn. Đồng thời, bạn hãy còn có một người anh em, cũng là hoàng thất tông thân mà Triệu Cấu thu nhận nuôi dưỡng, đó là Triệu Cừ 赵璩. Triệu Cừ nhỏ tuổi hơn bạn, sẽ gọi bạn là “đại ca” 大哥. Coi như bạn đã là hoàng đế, anh ta sẽ đến chúc mừng, trong chỗ riêng tư cũng vẫn gọi bạn là “đại ca” 大哥, khiến bạn cảm thấy trong lòng nóng ran. Nhưng hôm đó bạn nghe nói đến lão hoàng đế, cũng chính là dưỡng phụ của bạn, nay đã là Thái thượng hoàng, bạn vội đến vấn an, lại mang theo cả tác phẩm thư pháp mà mới viết xong. Vừa gặp mặt, lão hoàng thượng vô cùng vui mừng, mở miệng liền gọi: “
          - Đại ca, ngồi đi! Còn mang thứ gì đến vậy? Ồ! Thì ra mặc bảo của con, tốt lắm, tốt lắm. Đại ca dạo này bút lực tiến bộ không ít đó.
          Bạn vừa mới nghe qua liền cảm thấy mông lung, thế nào là “đại ca” 大哥chẳng phải là “đại nhi tử” 大儿子sao? Gọi như vậy chẳng phải là lẫn lộn vai vế sao? Ông già này chẳng phải là hồ đồ sao? Nhưng không cần đợi bạn hiểu, lão hoàng đế tiếp đó lại nói:
          - Ta hiện tại sống rất nhàn hạ, đó gọi là không làm hoàng đế thì thân nhẹ nhàng. Đại ca, ta nói con cũng cần phải học “lão đa” 老爹 ta, sớm đem hoàng vị nhường đi, cũng sẽ hưởng thụ được cuộc sống!
          “Học lão đa ta? Dám chắc, ông già này chẳng hồ đồ đâu!” Trong lòng bạn nghĩ như thế, nhưng vẫn có chút ngờ vực, “sao lại là ‘lão đa’ mà lại còn là ‘đại ca”. Đó là người nào đối với người nào đây. Sau đó, bạn hỏi thăm nội thần bên cạnh mới rõ, hoá ra giữa anh em người của triều Tống đều gọi là “ca” , phụ thân đối với con cũng gọi là “ca” , hàng thứ mấy sẽ là “.... ca”.
          Bạn sẽ ngờ vực “gọi như thế quả là giản đơn, dường như có chỗ nào đó không thoả đáng”. Nội thần nhìn thấy bạn có chút hồ đồ, vội giải thích tỉ mỉ:
          - Quan gia, lấy lão nhân gia Thái thượng hoàng ra mà nói nhé, lão quan gia xếp hàng thứ 9, phụ thân của ông ta, chính là hoàng đế Tống Huy Tông 宋徽宗 đã mất, cũng gọi ông ấy là “cửu ca” 九哥; anh của ông ấy hoàng đế Tống Khâm Tông 宋钦宗 đã mất là anh cả, nhưng cũng gọi ông ấy là “cửu ca” 九哥 .....
          Hoá ra là như thế. Coi như có chút minh bạch – giữa anh em hay là con cái, nhất loạt gọi “ca” là đúng; còn như với phụ thân, bình thường gọi “đa” không sai, đối với con cái có thể tự xưng là “lão đa” 老爹. Nhưng bạn đột nhiên nghĩ đến một việc, hỏi nhỏ nội thần bên cạnh:
          - Ngươi lúc nãy gọi ta là gì?
          - Quan ... quan gia! Mọi người lúc bình thường chỉ cần không lên triều, chẳng phải là gọi ngài như thế sao? Lẽ nào lần này có gì sai?
          Nội thần lo sợ, tưởng rằng bạn sẽ cho anh ta chiếc dép, không ngờ bạn lại hỏi tiếp:
          - Quan gia, sao lại gọi là quan gia?
          - Tam Hoàng thống trị thiên hạ, Ngũ Đế trị lí thiên hạ, cho nên gọi là quan gia ..... (1)
          Nội thần nhỏ nhẹ đáp lời, không biết điều đó đối với bản thân mình là phúc hay hoạ đây .... 
(Chú: Trường hợp không chính thức mọi người đều xưng hoàng đế là “quan gia” 官家, thế thì hoàng hậu sẽ gọi như thế nào? Gọi là “thánh nhân” 圣人)
                                                                            (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Tam Hoàng thống trị thiên hạ, Ngũ Đế trị lí thiên hạ, tức:
Tam Hoàng quan thiên hạ, Ngũ Đế gia thiên hạ.
三皇官天下, 五帝家天下
          Câu này xuất xứ từ Vạn cơ luận 万机论 của Tưởng Tế 蒋济 thời Đông Hán:
          Tam hoàng quan thiên hạ, Ngũ đế gia thiên hạ, hoàng đế kiêm Tam, Ngũ chi đức, cố viết quan gia.
三皇官天下, 五帝家天下, 皇帝兼三, 五之德, 故曰官家
          (Tam Hoàng thống trị thiên hạ, Ngũ Đế trị lí thiên hạ, hoàng đế kiếm đức của Tam Hoàng Ngũ Đế nên gọi là quan gia)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 19/3/2020

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI TỐNG
活在大宋
Tác giả: Lưu Thự Cương 刘曙刚
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018


Previous Post Next Post