Dịch thuật: Nho môn lánh loại - Tuân Tử (tiếp theo)

NHO MÔN LÁNH LOẠI – TUÂN TỬ
(tiếp theo)

THUYẾT TÍNH ÁC
          Quan điểm đại biểu nhất và cũng là nhiều tranh nghị nhất của Tuân Tử phải kể đến thuyết tính ác của ông.
          Thuyết tính ác của Tuân Tử được đề xuất nhằm đối lập với thuyết tính thiện của Mạnh Tử, ông phê bình Mạnh Tử đã không đem bản tính và con người phân chia ra. Theo cách nhìn của Tuân Tử, gọi bản tính là bản năng thiên phú cho con người, là không thể học được, cũng không thể là tạo tác của con người. Ông nêu ví dụ, mắt có thể dùng để nhìn, tai có thể dùng để nghe, thị giác của mắt và thính giác của tai là từ thiên nhiên mà có, không thể học mà đến. Bản tính của con người cũng như thế, Một người khi sinh ra đã có thất tình lục dục, đói thì nghĩ đến ăn no, lạnh thì nghĩ đến mặc ấm, mệt thì muốn nghỉ ngơi, mắt ưa nhìn sắc đẹp, tai thích nghe nhạc hay, miệng thích ăn món ngon, ham muốn của tâm là có được tài lợi, thân thể thích thư thái an nhàn. Tuân Tử cho rằng, những bản tính đó đều là sản sinh từ trong tính tình của con người, tiếp xúc ngoại vật thì tự nhiên như thế, không phải dựa vào sự nỗ lực của con người mới sản sinh ra.
          Nhưng những bản tính đó khiến con người sinh ra ham lợi, nếu thuận theo bản tính này thì sẽ sản sinh sự đấu tranh tranh đoạt. Nhân sinh có cái dục của tai mắt, phóng túng nó sẽ nảy ra sự xúc phạm loạn luân. Nhân sinh có lòng đố kị ghen ghét, nếu thuận theo bản tính đó sẽ tàn hại người khác, mất đi sự trung tín. Nếu để con người thuận theo bản tính mà phóng túng, sẽ giống như con nhím khi chen nhau xù lông ra, tất nhiên sẽ sản sinh việc ác. Cho nên Tuân Tử cho rằng nhân tính là “ác”, mà không phải là “thiện”.

LỄ PHÁP TỊNH DỤNG
          Bản tính của con người đã không tốt đẹp như thế, thế thì nếu thuận theo tự nhiên của nhân tính mà phát triển, tất nhiên sẽ dẫn đến sự phát sinh các loại ác hành, tạo nên xã hội tranh loạn. Làm sao mới có thể tránh được kết quả đó? Tuân Tử đề xuất lễ và pháp. 
          Tuân Tử cho rằng, muốn khiến cho con người từ ác đi đến thiện, thì cần “hoá tính khởi nguỵ” 化性起伪 (1). Ý nghĩa của “nguỵ” chính là “nhân vi” 人为, cũng chính là cải tạo hậu thiên. Ông nêu ví dụ, giả dụ anh em muốn chia tiền tài, nếu thuận theo tính tình thì sẽ nhân vì tham lợi mà muốn được nhiều, như vậy giữa anh em không tránh khỏi phát sinh đánh nhau tranh đoạt. Nhưng nếu làm theo sự giáo hoá theo quy phạm lễ nghĩa, không chỉ giữa anh em sẽ nhường nhịn lẫn nhau, mà giữa những người vốn không quen biết nhau cũng sẽ nhường nhịn. Mạnh Tử giảng “nhân nghĩa” 仁义 chú trọng sự khai quật tâm lí nội tại bất đồng, Tuân Tử cường điệu sự ước thúc của quy phạm ngoại tại, đem trọng điểm đặt vào sự cải tạo và tu sửa đối với nhân tính.
          Nhưng bản tính thiên nhiên của con người là truy cầu lợi dục, còn tác dụng của lễ thì tạo ra sự hạn chế sự truy cầu vô hạn đối với loại lợi dục này. Giữa cả hai không tránh khỏi có sự xung đột. Để đảm bảo sự vận chuyển bình thường của trật tự công cộng, Tuân Tử cho rằng, sự tuân tùng theo lễ không tránh khỏi đề cập đến tính cưỡng chế, tức pháp. Đồng thời, Tuân Tử cũng cường điệu lễ cao hơn pháp. Chỉ nói pháp trị  mà không nói đến lễ trị, bách tính chỉ là sợ hình pháp, một khi có cơ hội sẽ làm loạn. Nhưng nếu mọi người yêu thích lễ nghĩa, thì hành vi của họ tự nhiên sẽ hợp với pháp, thậm chí không dùng đến hình phạt, bách tính cũng tự nhiên làm điều thiện. Nhân vì Tuân Tử cường điệu lễ pháp tịnh dụng, nhân đó ở một ý nghĩa nhất định, ông trở thành người mở đầu cho Pháp gia sự xuất hiện sau này, cũng là người tiên phong khai sáng Nho Pháp hợp lưu đời Hán.   (hết)

Chú của người dịch
1- Hoá tính khởi nguỵ 化性起伪:
          Tính là bản tính tự nhiên của con người.
          Nguỵ là những gì con người làm, là những gì hậu thiên học tập cải tạo, là những gì hậu thiên nỗ lực. Tuân Tử cho rằng, những thứ tốt đẹp của lễ nghi pháp độ là kết quả của “nguỵ”.
          Hoá tính khởi nguỵ化性起伪 là những nỗ lực của con người làm ra, dẫn đến sự phát triển hướng thiện của bản tính tự nhiên ở con người.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 14/3/2020

Nguyên tác Trung văn
NHO MÔN LÁNH LOẠI – TUÂN TỬ
儒门另类 -
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019
Previous Post Next Post