Dịch thuật: Trăm năm biết có duyên gì hay không (182) ("Truyện Kiều")


TRĂM NĂM BIẾT CÓ DUYÊN GÌ HAY KHÔNG (182)
          “Trăm năm” ở câu 182 này và mấy câu 355 / 452 / 1331 / 1964 lấy ý từ thành ngữ “Bách niên giai lão” 百年偕老.
          Từ “giai lão” 偕老 xuất xứ từ “Kinh Thi”, ý nghĩa là vợ chồng cùng sống với nhau đến già.
Chấp tử chi thủ
Dữ tử giai lão
執子之手
與子偕老
(Nắm tay nàng
Hẹn cùng sống với nhau đến già)
                                                             (Bội phong – Kích cổ 邶風 - 擊鼓)
Quân tử giai lão
君子偕老
(Cùng chồng sống với nhau đến già)
                          (Dung phong – Quân tử giai lão 庸風 - 君子偕老)
Cập nhĩ giai lão
及爾偕老
(Hẹn cùng chàng sống với nhau đến già)
                                                                      (Vệ phong – Manh - 風氓)
Nghi ngôn ẩm tửu
Dữ tử giai lão
宜言飲酒
與子偕老
(Cùng nhau uống rượu
Hẹn cùng chàng sống với nhau đến già)
                                             (Trịnh phong – Nữ viết kê minh 鄭風 - 女曰雞鳴)
Về sau, người ta thêm từ “bách niên” 百年hoặc “bạch đầu” 白頭偕老 tạo nên thành ngữ  “Bách niên giai lão” 百年偕老, “Bạch đầu giai lão” 白頭偕老dùng để chúc tụng cô dâu chú rể trong hôn lễ.

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không
(“Truyện Kiều” 181 – 182)
Rằng: “Trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi”
(“Truyện Kiều” 355 – 356)
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương
(“Truyện Kiều” 451 – 452)
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông
(“Truyện Kiều” 1331 – 1332)
Xót vì cầm đã bén dây
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta
(“Truyện Kiều” 1963 – 1964)
Trăm năm: Chỉ trọn một đời người. Td: Trăm năm trong cõi người ta, 1, 182, 355, 452, 510, 556, 880, 1331, 1964, 3186.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
Thi: Bách niên giai lão
: 百年偕老
(Kinh Thi: Cùng nhau già trăm năm)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Theo ý riêng, từ “trăm năm” ở các câu 182 / 355 / 452 / 1331 / 1964, khác với “trăm năm” ở những câu khác. “Trăm năm” ở những câu này không đơn thuần mang ý nghĩa trọn một đời người mà là hàm ý đánh dấu việc nên vợ nên chồng, “bách niên giai lão”.
Theo “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 452 là:
Trăm năm tạc một chữ đồng TÀNG xương
Câu 1332:
Phải dò cho đến ngọn nguồn NGÁC sông
Câu 1963:
CHÚT vì cầm đã BÁM dây
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 23/01/2020
Previous Post Next Post