Dịch thuật: Thuỷ đức chi thuỷ Sự thống thượng pháp (kì 1)

THUỶ ĐỨC CHI THUỶ   SỰ THỐNG THƯỢNG PHÁP
Cải cách chế độ và hình phạt của triều Tần
(kì 1)

          Quốc gia phong kiến theo chủ nghĩa chuyên chế trung ương  tập quyền do Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 khai sáng là sự chuyên chính của giai cấp địa chủ mởi nổi dậy lấy hoàng đế làm đại biểu. Hoàng quyền là sự thể hiện tập trung của chuyên chính giai cấp. Cường hoá hoàng quyền đối với vương triều Tần vừa mới từ phong kiến cát cứ hướng đến thống nhất, bất luận là tranh thủ sự quy phục của dân tâm sáu nước hay củng cố chế độ tập quyền trung ương phong kiến vừa mới xác lập cũng đều là tất yếu. Lúc toàn quốc thống nhất mới thống nhất, Tần Thuỷ Hoàng lần đầu tiên thực hiện học thuyết của Trâu Diễn 邹衍, suy luận thuyết “ngũ đức thuỷ chung” 五德始终, chính thức lợi dụng nó làm biện pháp cường hoá hoàng quyền.
          “Ngũ đức thuỷ chung” là học thuyết do Âm dương gia Trâu Diễn thời Chiến Quốc sáng lập. “Ngũ hành” mà học thuyết đó căn cứ có khởi nguyên từ rất sớm, không phải là phát minh mới của Trâu Diễn. “Ngũ hành” chỉ 5 loại nguyên tố vật chất là kim, mộc, thổ, thuỷ, hoả, từng được dùng để thuyết minh sự cấu thành sự vật phức tạp rối rắm trong vũ trụ, có nhân tố của chủ nghĩa duy vật chất phác. Trâu Diễn lợi dụng nguyên lí ngũ hành tương khắc, tức thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, cuối cùng rồi quay trở lại từ đầu, gán ghép cho lịch sử chính trị xã hội, sáng lập thuyết “ngũ đức thuỷ chung”. Căn cứ học thuyết này, “ngũ đức” tức ngũ hành chi đức, chỉ kim đức, mộc đức, thổ đức, thuỷ đức, hoả đức, cho rằng đế vương cổ đại hưng vượng lên, tất ở vào một đức trong đó, trời còn hiển hiện điềm cát tường để mọi người được biết. Lịch sử dựa vào thuận tự của ngũ hành tương khắc, cuối cùng rồi quay trở lại từ đầu, trở thành hiện tượng thay đổi triều đại. Thời đại Chiến Quốc “thất hùng” dùng vũ lực cạnh tranh, học thuyết này là công cụ để chư hầu xưng hùng, tranh đoạt dư luận thiên hạ, rất được sự tin tưởng của một số chư hầu quốc quân. Đặc biệt là sau thời Chiến Quốc, địa vị của chư hầu quốc từng bước thăng cấp, có tình thế thôn tính thiên hạ, thay thế triều Chu, nhân đó học thuyết này được tôn sùng. Về sau, học thuyết của Trâu Diễn được phương sĩ nước Tề nước Yên lợi dụng, kết hợp với thuật thần tiên trở thành thể hỗn hợp, lưu hành thời kì Tần Hán.
          Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, có người rêu rao thuyết “ngũ đức thuỷ chung”, lên tiếng rằng Hoàng Đế 黄帝 được thổ đức, “thiên” tiên hiển hiện hoàng long địa dẫn 黄龙地螾làm phù hiệu, về sắc chuộng sắc vàng. Hạ Vũ 夏禹 được mộc đức, thay thổ đức của Hoàng Đế, “thiên” hiển hiện cây cỏ tươi tốt, lấy mùa thu mùa đông không héo úa làm phù thuỵ, về sắc chuộng sắc xanh. Thương Thang 商汤 được kim đức, thay mộc đức của triều Hạ, lại có bạc từ trong núi chảy ra làm điềm trinh tường, về sắc chuộng màu trắng. Chu Văn Vương 周文王 được hoả đức, thay thế kim đức của triều Thương, lấy xích điểu là phù ứng, về sắc chuộng màu đỏ. Nay Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, thay thế triều Chu, đó là thuỷ đức khắc hoả đức. Sớm từ năm 540 trước, Tần Văn Công 秦文公 đi săn đến vùng sông Khiên sông Vị (nay là phía đông huyện Bảo Kê 宝鸡 Thiểm Tây 陕西) từng có được hắc long, đó là phù thuỵ của thuỷ đức (1). Rõ ràng, giữa người và “thiên” có thể cảm ứng tương thông. “Thiên” chiếu theo nguyên lí ngũ hành tương khắc, quyết định sự thay thế triều đại, chi phối sự hưng phế của đế vương, cho nên triều Tần thay triều Chu là kết quả hợp với “thiên số”. Tần Thuỷ Hoàng lên ngôi hoàng đế, cũng là ý “thiên ý”. Việc do “thiên” đội cho mũ miện so với việc Tần Thuỷ Hoàng tự phong “hoàng đế” càng tăng thêm tính quyền uy thần thánh. Thế nên, hoàng quyền chuyên chế thế tục bị thần hoá; Tần thay thế địa vị lịch sử của triều Chu, cũng đã được “chính thống” hoá. Lúc ban đầu kiến lập vương triều Tần, học thuyết này đối với việc ủng hộ sự thống nhất, tranh thủ được sự quy phụ của dân tâm 6 nước, không nghi ngờ gì đó là sự tuyên truyền dư luận cực tốt. Tuy “ngũ đức chuyển di” của nó, nội hàm tư tưởng thiên mệnh vô thường, trái ngược với dục vọng “đế vị truyền đến vô cùng” mà Tần Thuỷ Hoàng hi vọng, nhưng hiện thực càng cần phải mượn “thiên” thần hoá hoàng quyền trợ giúp.
          Nhân đó, Tần Thuỷ Hoàng căn cứ vào học thuyết của Trâu Diễn, xác nhận triều Tần là khởi đầu của “thuỷ đức”, đồng thời dựa theo “thuỷ đức” mà tiến hành cải cách chế độ. Ví dụ như, cải chính sóc, lấy tháng kiến Hợi làm đầu, tức lấy tháng 10 của mùa đông làm tháng đầu của một năm, tiếp thụ bách quan triều hạ. Về sắc chuộng sắc đen, y phục, cờ xí đều dùng sắc đen. Về số lấy “lục” làm kỉ, phù , pháp quan 法冠 đều 6 thốn, thùng xe 6 xích, đóng ngựa 6 con, 6 xích là 1 bộ. Đổi tên Hà (tức Hoàng hà 黄河) là “Đức thuỷ” 德水v.v... Đó là thuyết “ngũ đức” từ khi sáng lập đến thời điểm đó, lần đầu tiên được thực hành.
          Tần Thuỷ Hoàng tôn thuyết “ngũ đức” còn có một ý nghĩa khác, tức lấy “thuỷ đức” thượng pháp làm căn cứ, tiến hành rộng rãi chế độ hình pháp nghiêm khắc. Căn cứ thuyết “ngũ đức”, Tần là khởi đầu của “thuỷ đức”, “thuỷ chủ âm, âm hình sát” 水主阴, 阴刑杀 (Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪), nhân đó mà chuộng pháp nghiêm hình, trở thành nội dung chủ yếu của “thuỷ đức” cải chế. Điều đó không chỉ phù hợp truyền thống chuộng pháp của nhà Tần, mà còn cực nhất trí với tư tưởng pháp trị của Tần Thuỷ Hoàng. Tư Mã Thiên nói  Tần:
          Cương nghị lệ thâm, sự giai quyết vu pháp, khắc tước vô nhân ân hoà nghĩa, nhiên hậu hợp ngũ đức chi số.
          刚毅戾深, 事皆决于法, 刻削毋仁恩和义, 然后合五德之数
     (Cứng rắn tàn bạo, mọi việc giải quyết theo pháp luật, khắc bạc không nhân đức, hoà ái, ơn nghĩa, để hợp với số của ngũ đức)
                           (Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪)
Hoàn toàn phản ánh cụ thể Tần Thuỷ Hoàng mượn thuyết “ngũ đức” thực hành chuộng pháp, lấy nghiêm hình tuấn pháp cường hoá hoàng quyền, củng cố chế độ trung ương tập quyền.....  (còn tiếp)
  
Chú của nguyên tác
1- Nội dung có liên quan đến thuyết “ngũ đức thuỷ chung” 五德始终, xem thêm ở “Lã Thị Xuân Thu - Ứng đồng thiên” 吕氏春秋 - 应同篇, “Sử kí - Phong thiện thư” 史记 - 封禅书.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 07/10/2019

Nguyên tác Trung văn
THUỶ ĐỨC CHI THUỶ   SỰ THỐNG THƯỢNG PHÁP
水德之始  事统上法
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
秦汉史话
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post