Dịch thuật: Ngũ kinh, Thập tam kinh, Tứ thư

NGŨ KINH, THẬP TAM KINH, TỨ THƯ

          Người triều Hán tôn trọng trứ tác cổ điển của Nho gia gọi là “kinh thư” 经书, ý nghĩa của chữ “kinh” là đạo thường, dùng cho đến hiện nay. Kì thực, nguyên ý của “kinh” là sợi chỉ, gọi là “kinh thư” chính là sách đóng theo kiểu buộc chỉ. Thời cổ ghi chép sự việc trên thẻ giản (trúc giản 竹简), nhiều việc chỉ một thẻ giản ghi không hết, nên đã viết lên nhiều thẻ giản, sợi chỉ để nối những thẻ giản đó lại với nhau chính là “kinh”. Có thể thấy, “kinh” chẳng qua là sách mà đương thời số trang tương đối nhiều lại thường lật qua lại để đọc, hoàn toàn không có ý nghĩa sâu xa nào khác.
          Danh xưng “Lục kinh”, đầu tiên phát hiện trong Trang Tử 庄子. Trang Tử庄子Lễ Kí – Kinh giải thiên礼记 - 经解篇 đều lấy Thi , Thư , Lễ , Nhạc , Xuân Thu 春秋, Dịch làm “Lục kinh”. Ban Cố 班固 trong Hán thư – Nghệ văn chí 汉书 - 艺文志 xưng là “Lục nghệ”. Nhưng do bởi Nhạc kinh 乐经 thất tán, chỉ tồn thiên Nhạc kí 乐记, cho nhập vào Lễ kinh 礼经, thế là có danh mục “Ngũ kinh”. Đến thời Đường, bộ Xuân Thu 春秋 dựa theo Tả truyện 左传, Công Dương truyện 公羊传, Cốc Lương truyện 穀梁传 phân thành 3 loại, Lễ kinh 礼经 cũng phân ra Chu lễ 周礼, Nghi lễ 仪礼, Đới lễ 戴礼 (Lễ kí 礼记) 3 loại, lập “tam truyện”, hiệu xưng của “tam lễ”, phối hợp với Dịch , Thư , Thi xưng là “Cửu kinh”. Đến thời Tống, cộng thêm 4 loại là Nhĩ nhã 尔雅, Hiếu kinh 孝经, Luận ngữ 论语, Mạnh Tử 孟子 , gọi là “Thập tam kinh”. Tống Nho Chu Hi 朱熹 lấy ra 2 thiên Đại học 大学 Trung dung 中庸 trong Lễ kí 礼记  in thành bản độc lập, hợp cùng Luận ngữ 论语 Mạnh Tử 孟子 xưng là “Tứ thư”, đồng thời chú giải kĩ lưỡng, trở thành bộ phận tối tinh mĩ cổ điển của Nho gia, thế là khoa cử khảo thí, tất phải căn cứ vào “Tứ thư” mà ra đề, và Luận , Mạnh , Học , Dung là sách cần phải đọc của học sinh tiểu học.
          Ban Cố 班固trong Nghệ văn chí 艺文志 đem Nho gia liệt vào chư tử, xem lục kinh là lục nghệ, liệt vào trước chư tử, dụng ý cho rằng “Lục kinh” là quan thư cổ đại, không phải là trứ tác riêng của Nho gia, hơn nữa Lục kinh là nguồn gốc học thuật sâu xa của bách gia chư tử, thiên Nghệ văn chí 艺文志 của Ban Cố nói rất rõ ràng. Chẳng qua Ban Cố đem Luận ngữ 论语, Hiếu kinh 孝经, đưa vào cuối Lục nghệ, tức biểu thị có sự tôn trọng đặc biệt đối với trứ tác của bản thân Khổng môn.  Tóm lại, Dịch , Thi , Thư , Xuân Thu 春秋, Lễ kí 礼记, nếu nói theo Kinh học gia phái cổ văn, thì không phải là trứ tác riêng của Khổng thị, quan điểm này nhìn chung được các học giả có kiến thức thừa nhận.
          Chương Học Thành 章学诚 (tự Thực Trai 实斋) đời Thanh trong Văn sử thông nghĩa 文史通义 đã chỉ rõ “Lục kinh giai sử dã” 六经皆史也 (Lục kinh đều là sử cả). Người xưa đã nói Thượng thư 尚书 là sử kí ngôn, Xuân Thu 春秋 là sử kỉ sự, còn như “Tam lễ” ghi chép về quan chế lễ nghi thời cổ, thì rõ ràng là thuộc sử chế độ; Quốc phong 国风 trong Thi kinh 诗经 là sử phong tục; Nhã , Tụng thì bao hàm nhiều truyền thuyết cố sự về sự biến đổi xã hội, Dịch kinh 易经 là sách về bốc phệ, có thể xem là tài liệu về sử tôn giáo, sử tư  tưởng, trong đó văn tự loại như ở quẻ xăm cũng bao hàm cố sự truyền thuyết, cho nên toàn bộ đều là sử liệu.
          Hiện nay kinh thư bản thông hành hoàn bị nhất là Thập tam kinh chú sớ 十三经注疏 do Nguyễn Nguyên 阮元 triều Thanh khắc, số quyển rất nhiều. Trừ chính văn có chuyên in chú sớ, còn có Thập tam kinh bạch văn 十三经白文 của Thương vụ quán, rất tiện cho việc đọc.
         
                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 16/9/2019

Nguyên tác
NGŨ KINH, THẬP TAM KINH, TỨ THƯ
五经, 十三经, 四书
Trong quyển
QUỐC HỌC THƯỜNG THỨC
国学常识
Tác giả: Tào Bá Hàn 曹伯韩
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post