Dịch thuật: Thứ dân đời Chu

THỨ DÂN ĐỜI CHU

          Ở đời Chu, có một vấn đề rất quan trọng, đó là mối quan hệ giữa nô lệ với nông nghiệp như thế nào? Nói một cách khác, địa vị của đại đa số nông dân như thế nào? Về phương diện này, ghi chép rất tàn khuyết, hiện tại những gì có thể nói được thì hơn một nửa là suy luận. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, triều Chu mới đầu khai quốc, vô số tộc trưởng chiến thắng chia ra từng nhóm thống lĩnh con em mình đến vùng tân thực dân địa, chiếm cứ thành ấp, phân chia ruộng đất, làm Hầu, Bá, Đại phu. Trong số ruộng đất chiếm được, họ bảo lưu một bộ phận nhỏ, trực tiếp sai người quản lí, thu nhập hoàn toàn quy về họ, loại ruộng đó gọi là “công điền” 公田. Kì dư đại bộ phận ruộng đất khác, vẫn giao cho nông phu vốn ở nơi đó canh tác, nhưng buộc họ phải cung phụng thóc lúa, vải vóc và làm lao dịch; quyền canh tác vẫn có thể truyền lại cho con cháu nhưng không thể chuyển nhượng hoặc bán cho người khác. Loại ruộng đó gọi là “tư điền” 私田. Đại bộ phận công điền là do nông phu canh tác tư điền kiêm luôn nghĩa vụ canh tác công điền. Họ “công sự tất nhiên hậu cảm trị tư sự” 公事毕然后敢治私事 (việc công xong hết sau đó mới dám làm việc tư). Nhưng cũng có một bộ phận “công điền” là do nô lệ cày cấy. Cho nên trong minh văn “Đại Khắc đỉnh” 大克鼎 (1) thời Tây Chu có nói Chu Vương ban thưởng 7 khu ruộng, trong đó có 1 khu chú rõ “dĩ quyết thần thiếp” 以厥臣妾 (còn có cả nô lệ  ở đất đó) (2). Nhưng do đó có thể thấy chế độ nô lệ phụ điền ở thời Tây Chu không phổ biến lắm. Nông phu canh tác tư điền đều được gọi là “thứ nhân” 庶人. Địa vị của họ cao hơn nô lệ một chút; nhưng cuộc sống của họ không thấy khá hơn nô lệ. Việc trưng thu thóc lúa, vải vóc đương nhiên có định ngạch, nhưng không hề nhẹ; cuối đời Chu thu thuế 1/10 vẫn là lí tưởng mà khó tiếp cận. Ngoài thu thuế ra, gặp lúc nhà quý tộc có hỉ sự như cưới hỏi họ vẫn phải cung ứng đặc biệt. Còn việc lao dịch lại càng không có hạn định. Bình thường lúc nông nhàn, đại bộ phận vẫn bị quý nhân sai khiến. Nếu quý nhân xây dựng cung thất, xây dựng lầu tạ, tu sửa miếu mạo thành quách, họ có thể bị điều động làm khổ sai dưới làn roi bất cứ lúc nào; gặp lúc quý nhân đánh nhau, họ cũng phải cung ứng quân nhu, đồng thời hiến cả sinh mệnh. Gặp năm mất mùa đói kém, họ càng không giống như nô lệ là có chỗ dựa, hơn một nửa là “lão nhược chuyển hồ câu hác, tráng giả tán nhi chi tứ phương” 老弱转乎沟壑壮者散而之四方 (những người già yếu, bỏ thây nơi hốc núi, còn trai tráng thì tan tác tứ phương).
          Bài dân ca Thất nguyệt 七月 thời Tây Chu truyền lại đã miêu tả một cách tường tận cuộc sống của nông dân ở đất Bân (nay là huyện Bân Thiểm Tây 陕西). Căn cứ vào bài này, có thể hình dung cuộc sống thường ngày của nông dân như sau:
          Tháng giêng đem nông cụ ra tu sửa.
          Tháng 2 bắt đầu gieo trồng, vợ con mang cơm ra đồng cho họ ăn, viên quan đốc canh “điền tuấn” 田畯 (viên quan quản nô lệ cày cấy) cũng cười ha hả đến. Đồng thời con gái của họ cũng mang giỏ ra bờ ruộng hái lá dâu.
          Tháng 8 họ bắt đầu thu hoạch, đồng thời phụ nữ bận việc ươm tơ, ươm tơ xong đem nhuộm đen nhuộm vàng, lại còn nhuộm đỏ sáng tươi để dệt y thường cho công tử.
          Tháng 10 thu hoạch lúa, đồng thời ủ rượu để mùa xuân năm sau dâng lên mừng thọ quý nhân. Nông phu thu gom mùa màng xong, liền đến nhà quý nhân làm việc, ban ngày hái cỏ mao, ban đên bện dây thừng. Tháng này cúng tế thần, tụ tập ăn uống, giết dê lớn dê nhỏ, mọi người đến nhà quý nhân dâng rượu, chúc hô vạn tuế.
          Tháng 11 săn bắn, tìm bắt hồ li để lấy da làm áo cho quý nhân.
          Tháng 12 nông phu tụ tập lại để huấn luyện quân sự. Tháng này đem heo đã nuôi béo dâng cho quý nhân, lại đục lấy băng đem trữ cất để dự bị cho mùa xuân mùa hè năm sau quý nhân dùng. ... (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Đại Khắc đỉnh 大克鼎: còn gọi là “Thiện phu Khắc đỉnh” 膳夫克鼎, đỉnh bằng đồng do một đại quý tộc tên Khắc ở vãn kì thời Tây Chu (thời Hiếu Vương 孝王) cho đúc để tế tự tổ phụ. Đỉnh được phát hiện vào năm Quang Tự 光绪 thứ 16 (năm 1890) tại thôn Nhậm , trấn Pháp Môn 法门, huyện Phù Phong 扶风, tỉnh Thiểm Tây 陕西.
2- Thần thiếp 臣妾: từ xưng hô đối với nô lệ thời cổ, nô lệ nam gọi là “thần” , nô lệ nữ gọi là “thiếp” . Về sau phiếm chỉ người có địa vị thấp so đối tượng đang nói.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 21/8/2019

Nguyên tác
THỨ DÂN
Trong quyển
 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG
中国史纲
Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post