Dịch thuật: Xa mã (tiếp theo)



XA MÃ
(tiếp theo)

          Nói thêm về “nhận” . Nhận không phải là bộ phận tổ thành của chiếc xe, mà là một khối gỗ dùng để ngăn chận sự chuyển động của xe. Xe trước khi chạy lấy cái “nhận” rời khỏi bánh xe, cho nên lúc khởi trình gọi là “phát nhận” 发轫. Dẫn đến nghĩa bắt đầu. Mở đầu cho sự việc cũng gọi là “phát nhận” 发轫.
          Viên là càng xe (xa cống 车槓) dùng khi điều khiển xe, phần sau tiếp liền với trục xe. “Viên” và “chu” là từ đồng nghĩa. Khu biệt mà nói, hai thanh gỗ thẳng kẹp hai bên con vật kéo xe gọi là “viên” , thích hợp dùng cho “đại xa” 大车 (xe do trâu bò kéo); một thanh gỗ cong ở giữa khi điều khiển xe gọi là “chu” , thích hợp dùng cho “tiểu xa” 小车 (xe do ngựa kéo) (1). Cho nên trong Tả truyện - Ẩn Công thập nhất niên 左传 - 隐公十一年 có nói:
          Công Tôn Át dữ Dĩnh Khảo Thúc tranh xa, Dĩnh Khảo Thúc hiệp chu dĩ tẩu.
          公孙阏与颖考叔争车, 颖考叔挟輈以走.
          (Công Tôn Át và Dĩnh Khảo Thúc giành nhau chiếc xe, Dĩnh Khảo Thúc xốc càng xe mà chạy)
          Phía trước của càng xe là một thanh gỗ nằm ngang mắc vào cổ con vật gọi là “ách” . “Ách” và “hành” là từ đồng nghĩa. Khu biệt mà nói, ách dùng cho đại xa, hành dùng cho tiểu xa. Cho nên trong Luận ngữ - Vệ Linh Công 论语 - 卫灵公 có nói:
Tại dư tắc kiến kì ỷ vu hành dã.
在舆则见其倚于衡也
(Khi ngồi trên xe, thì phải dường như thấy mấy chữ “trung tín, đốc kính” khắc tại đòn ngang trước mặt)
          Phía đầu càng xe (xa viên 车辕)  gắn cái chốt để càng xe tiếp liền với ách, gọi là “nghê” . “Nghê” và “ngột” là từ đồng nghĩa. Khu biệt mà nói, nghê dùng cho đại xa, ngột dùng cho tiểu xa. Cho nên trong Luận ngữ - Vi chính 论语 - 为政 có nói:
Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kì hà dĩ hành chi tai?
大车无輗, 小车无軏, 其何以行之哉?
(Như “đại xa” không có nghê, “tiểu xa” không có ngột, thì dựa vào đâu mà chạy?)
          Thời cổ, khi đi xe chuộng bên trái (cho bên trái là tôn quý). Bậc tôn quý bên trái, người điều khiển ở chính giữa, còn một người khác ở bên phải đi cùng. Người đi cùng đó gọi là “tham thừa” 骖乘, cũng gọi là “xa hữu” 车右. Cho nên trong Tả truyện – Tuyên Công nhị niên 左传 - 宣公二年 có nói:
Kì hữu Đề Di Minh tri chi
其右提弥明知之
(Xa hữu là Đề Di Minh phát hiện được âm mưu đó)
          Tình hình binh xa có khác. Chủ soái ở chính giữa tự nắm cờ trống, người đánh xe bên trái, một người khác ở bên phải bảo vệ chủ soái, gọi là “xa hữu”. Nhìn chung, với binh xa thì người đánh xe ở chính giữa, bên trái một giáp sĩ cầm cung, bên phải một giáp sĩ cầm mâu.
          Ngựa đóng vào xe, nếu là 3 con hoặc 4 con thì có sự phân biệt “tham phục” 骖服. Ngựa ở 2 bên gọi là “tham” , ngựa ở giữa gọi là “phục” . Có thuyết cho rằng, bên trái của phục là tham , bên phải là phi . Nói chung, thì “tham” và “phi” là từ đồng nghĩa. Cho nên trong Sở từ - Cửu chương – Quốc thương  楚辞 - 九章 - 国殇có nói:
Tả tham ế hề hữu nhận thương.
左骖殪兮右刃伤
(Ngựa tham bên trái bị chết, ngựa bên phải bị thương)
          Và trong Đằng Vương các tự 滕王阁序 của Vương Bột 王勃 có câu:
Nghiễm tham phi vu thượng lộ
俨骖騑于上路
(Ngước nhìn ngựa tham ngựa phi trên đường lớn)
          Xe ngựa của quý tộc thời cổ còn có một số phụ kiện trang trí.
          Như trên đã nói, trước thời Chiến Quốc, ngựa chuyên dùng để kéo xe. Trong Tả truyện – Chiêu Công nhị thập ngũ niên 左传 - 昭公二十五年 có nói:
Tả sư Triển tương dĩ Công thừa mã nhi quy.
左师展将以公乘马而归
(Tả sư Triển chuẩn bị đưa Chiêu Công ngồi xe trở về)
          Khổng Dĩnh Đạt 孔颖达sớ rằng:
          Thời cổ, đóng trâu vào xe, đóng ngựa vào xe, ngựa dùng để kéo xe, không cưỡi riêng. Đến thời lục quốc mới bắt đầu dùng cưỡi riêng, Tô Tần 苏秦 nói rằng: ‘Xa thiên thặng, kị vạn thất’ 车千乘, 骑万匹 (ngàn cổ xe, vạn ngựa chiến) chính là đó.
          Nhưng sớ của họ Khổng lại dẫn lời của Lưu Huyền 刘炫, cho rằng. Tả sư Triển “muốn cùng với Chiêu Công cưỡi ngựa mà về”, đây là “kị mã chi tiệm” 骑马之渐 (khởi đầu việc dần cưỡi ngựa). Chúng tôi cho rằng, vào thời Xuân Thu có thể có cưỡi ngựa, nhưng là tình huống cá biệt cực kì ít. Đến thời Chiến Quốc, Triệu Vũ Linh Vương 赵武灵王 Hồ phục kị xạ 胡服骑射 (mặc trang phục người Hồ, cưỡi ngựa bắn cung), mới học cách cưỡi ngựa của Hung Nô. Về sau, việc cưỡi ngựa mới dần thịnh hành.     (hết)

Chú của nguyên tác
1- Ở đây là căn cứ theo ghi chép trong sách cổ. Gần đây qua khảo cổ phát quật, biết được rằng xe ngựa mà người thời cổ dùng đa phần là một càng thẳng bằng gỗ. Thời Hán, chủng loại xe ngựa phức tạp hoá, xe có 2 càng, dùng 1 con ngựa là thường. Ở đây không đề cập.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 23/7/2019

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post