Dịch thuật: Quận quốc tịnh hành, hỗn hợp chính thể (kì 1)

QUẬN QUỐC TỊNH HÀNH   HỖN HỢP CHÍNH THỂ
Chế độ chính trị, quân sự thời Hán sơ
(kì 1)

          Hình thế xã hội thời Hán sơ đan xen phức tạp, Lưu Bang tức vị, đầu tiên bắt tay vào việc kiện toàn chế độ nhà Hán, bao gồm các chế độ như chính trị, kinh tế, quân sự, pháp luật, lễ nghi v.v... Đây là kiến lập bước đi trọng yếu của trật tự thống trị thời Tây Hán. Sử gọi là “Hán thừa Tần chế” 汉承秦猘 (triều Hán theo chế độ triều Tần), kì thực hoàn toàn không giống hết tất cả. Các chế độ thời Hán sơ vừa theo Tần chế, vừa biến cách Tần chế, để thích ứng với nhu cầu xã hội thời đó.
          Về phương diện chính trị, Hán sơ thực hành chế độ quận quốc tịnh hành 郡国并行 (quận quốc đi sóng đôi). Đây là một loại chính thể hỗn hợp kết hợp quận huyện chế và phong quốc chế, khu biệt rõ ràng với triều Tần chỉ tiến hành chế độ quận huyện đơn nhất. Căn cứ vào chế độ hỗn hợp này, vương triều Hán do 3 bộ phận tổ thành, gồm hai cấp tổ chức là cơ cấu hành chính trung ương và quận huyện địa phương, kết hợp cùng với các vương quốc chư hầu. Hoàng đế là người thống trị tối cao. Dưới hoàng đế, cơ cấu hành chính trung ương, thiết lập  Thừa tướng 丞相, Thái uý 太尉, Ngự sử đại phu 御史大夫, tức “tam công” mà người đời Hán thống xưng, nắm giữ  các chức hành chính, quân sự, giám sát. Dưới Tam công lại thiết lập “cửu khanh” chia ra nắm giữ các chức vụ. Tam công cửu khanh trở thành cơ cấu đầu não, phát huy tác dụng trung ương của chức năng quốc gia, đồng thời chịu trách nhiệm trước hoàng đế.
          Thời Hán sơ theo chế độ triều Tần, lấy Thừa tướng làm trưởng quan hành chính tối cao, nhưng tình hình thiết lập có sự biến hoá. Triều Tần nguyên vốn lập Tả, Hữu Thừa tướng, Lưu Bang tức vị, đổi lại chỉ lập Thừa tướng 1 người, do Tiêu Hà 萧何 đảm nhiệm chức này. Cao Tổ 高祖 năm thứ 11 (năm 196 trước công nguyên), Tiêu Hà cùng Lữ Hậu có công mưu sát Hoài Âm Hầu Hàn Tín 淮阴侯韩信, một lần nữa thụ phong, Thừa tướng đổi tên là Tướng quốc 相国. Huệ Đế 惠帝 năm thứ 5 (năm 190 trước công nguyên), sau khi Tướng quốc Tào Tham 曹参mất, lại khôi phục nguyên danh Thừa tướng, đặt Tả Hữu Thừa tướng 2 người, lấy Hữu Thừa tướng làm tôn quý. Văn Đế 文帝 năm thứ 2 (năm 178 trước công nguyên), lại đổi lập Thừa tướng 1 người.
          Thừa tướng phụ tá hoàng đế xử lí chính vụ, trên thực tế quyền lực rất lớn, là một trong những người ra quyết sách chủ yếu của phương châm triều chính. Thời Hán sơ tiêu diệt các dị tộc Vương, Thừa tướng Tiêu Hà không chỉ tham dự quyết sách, mà còn là người chấp hành cụ thể. Thời kì Huệ Đế và Lữ Hậu, vương triều Hán tiến hành rộng rãi phương châm đại chính vô vi nhi trị, người có tác dụng quyết định là Tào Tham, về sau còn có Tả Thừa tướng Trần Bình 陈平. Không chỉ thế, Thừa tướng có quyền tiến cử quan lại, tru sát phạm quan, thụ lí kế bạ quận quốc, cho đến can gián mệnh lệnh của hoàng đế, chống lại chiếu lệnh hoàng đế v.v... Sau khi Huệ Đế qua đời, Lữ Hậu muốn lập mấy người họ Lữ làm Vương, Hữu Thừa tướng Vương Lăng 王陵cự tuyệt trước mặt, chống lại mệnh của Lữ Hậu. Thừa tướng không chỉ quyền trọng, mà còn có địa vị cực tôn quý. Thừa tướng từ thời Hán Vũ Đế về trước, đa phần do công thần khai quốc đảm nhiệm, không ai là không ở vị trí Liệt Hầu. Hoàng đế đối với Thừa tướng, có người thậm chí được ban cho sự đãi ngộ đặc biệt gấp bội. Tiêu Hà lúc nhậm chức Thừa Tướng, Lưu Bang cho phép được “đới kiếm lí thướng điện, nhập triều bất xu” 带剑履上殿入朝不趋 (mang kiếm đi giày lên điện, vào triều không phải bước nhanh) (Sử kí – Tiêu Tướng quốc thế gia 史记 - 萧相国世家). Khi Tiêu Hà bệnh nặng, Hán Huệ Đế đích thân đến thăm, ngay cả việc chọn người kế nhiệm chức Thừa tướng, cũng hỏi ý kiến Tiêu Hà.
          Nhân chính vụ Thừa tướng nhiều và phức tạp, thời Hán sơ thiết lập phủ Thừa tướng, hiệp trợ xử lí các loại chính vụ. Phủ Thừa tướng lập Trưởng sử 长史 2 người, tổng lãnh sự vụ các tào, chức vụ các tào do Duyện thuộc 掾属chủ quản.
          Thái uý 太尉 nắm giữ việc võ, thời Hán sơ không thường lập. Chức Thái uý hoặc lập hoặc phế, đa phần có liên quan đến việc chinh phạt hoặc thời cuộc. Hán Văn Đế 汉文帝 năm thứ 3 (năm 177 trước công nguyên), bãi bỏ chức quan Thái uý, quy thuộc Thừa tướng, chức vụ này do Thừa tướng kiêm nhiệm. Như  tháng 5 năm đó, Hung Nô đem quân xâm chiếm phía bắc (quận thành nay là phía tây bắc Khánh Dương 庆阳 Cam Túc 甘肃), tức do Thừa tướng Quán Anh 灌婴 dẫn quân chống trả, từ đó chức Thái uý  phế bỏ hơn 20 năm. Mãi đến Cảnh Đế 景帝 năm thứ 3 (năm 154 trước công nguyên), phát sinh phản loạn 7 nước, chức hàm Thái uý lại được khôi phục trong khoảng thời gian 4 năm.
          Thái uý tuy nắm giữ việc võ, nhưng không có quyền điều binh. Thái uý thống lĩnh quân đội, phải có phù tiết của hoàng đế mới có thể hành sử chức quyền. Thuộc lại của Thái uý rất ít, hoặc giả cũng không lập quan thuộc.
          Ngự sử đại phu về hành chính là phó của Thừa tướng, hiệp trợ Thừa tướng xử lí sự vụ triều chính, chức trách giám sát bách quan, nêu và đàn hặc những vụ phạm pháp; chủ quản luật lệnh bí tịch, chuyển đạt chế chiếu, cùng thẩm hạch kế bạ v.v...  Quan trật tương đương liệt khanh, nhưng chức trọng quyền lớn, địa vị trên liệt khanh rất xa. Nó được xem là cận thần cấp cao của hoàng đế, thời Hán sơ nhiều đại sự quân quốc, thường do Ngự sử Đại phu tiếp nhận xử lí. Như Hàn Tín đánh Tề, Lưu Bang phái Ngự sử đại phu Quán Anh đem Lang trung kị binh lệ thuộc Hàn Tín, phá Tề Lỗ ở Lịch Hạ 历下, trên thực tế Quán Anh đồng thời cũng có tác dụng giám sát quân Hàn Tín. Lúc Trần Hi 陈豨 mưu phản, Lưu Bang đem quân thân chính, Ngự sử đại phu Triệu Nghiêu 赵尧theo quân dẹp loạn. Lưu Bang về già, Ngự sử đại phu Chu Xương 周昌 phụng mệnh tá thiên (biếm trật) làm Tướng quốc nước Triệu, để bảo toàn Triệu Vương Như Ý 如意 nhằm tránh gặp phải sự bức hại của Lữ Hậu. Ngự sử đại phu không chỉ chấp hành những sứ mệnh đặc thù kể trên, mà còn xử lí những sự vụ triều chính trọng đại. Như đầu thời Cảnh Đế, triều Hán và Hung Nô hoà thân, xử lí vụ này chính là Ngự sử đại phu Thanh Địch 青翟. Về sau, lại là Ngự sử đại phu Triều Thố 晁错đề xuất chính sách tước phiên 削藩 (tước giảm phong địa của vương quốc), đàn hặc vụ án Viên Áng 袁盎 nhận tài vật của Ngô Vương 吴王. Thời Tây Hán, chức quyền của Ngự sử đại phu dần từng bước khuếch đại thanh thế.
          Thuộc quan chủ yếu của Ngự sử đại phu có 2 Thừa , tức Ngự sử thừa 御史丞 và Ngự sử trung thừa 御史中丞. Trong đó, Ngự sử trung thừa còn được gọi là Ngự sử trung chấp pháp 御史中执法, chức vụ chủ yếu là nắm giữ bí tịch đồ thư của Lan đài 兰台, giám sát lại trị quận quốc, tiếp thụ tấu sự của công khanh, nêu ra và đàn hặc những hành vi phạm pháp của công khanh, là quan viên trọng yếu sở thuộc của Ngự sử đại phu. Một số chức trách của Ngự sử đại phu do Ngự sử trung thừa cụ thể chấp hành...
                                                                                     (còn tiếp)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 26/4/2019

Nguyên tác Trung văn
QUẬN QUỐC TỊNH HÀNH   HỖN HỢP CHÍNH THỂ
郡国并行  混合政体
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
秦汉史话
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post