Dịch thuật: Thuỵ và hiệu



THUỴ VÀ HIỆU

          Thuỵ pháp 谥法 là tiêu chuẩn đặt cho thuỵ hiệu 谥号. Thuỵ hiệu là một số chữ cố định, những chữ này được phú cho một hàm nghĩa đặc định, dùng để chỉ mĩ đức, ác đức của người mất. Đại để có thể phân thuỵ hiệu ra làm 3 loại:
1- Biểu dương, ví dụ:
          Kinh vĩ thiên địa viết Văn                 经纬天地曰文
          Uy cường duệ đức viết Vũ                威强睿德曰武
          Thánh văn chu đạt viết Chiêu            圣闻周达曰昭
          Hành nghĩa duyệt dân viết Nguyên   行义悦民曰元
          Bố cương trị kỉ viết Bình                  布纲治纪曰平
          Tịch thổ phục viễn viết Hoàn            辟土服远曰桓
          Ôn nhu hiếu nhạc viết Khang            温柔好乐曰康
          Bố nghĩa hành cương viết Cảnh        布义行刚曰景
          Nhu chất từ dân viết Huệ                   柔质慈民曰惠
          Thánh thiện văn chu viết Tuyên        圣善闻周曰宣
          An dân lập chính viết Thành              安民立政曰成
          Chiếu lâm tứ phương viết Minh         照临四方曰明
          Thánh minh duệ trí viết Hiến             圣明睿知曰献
          Bố đức chấp nghĩa viết Mục              布德执义曰穆
2- Phê bình, ví dụ:
          Loạn nhi bất tổn viết Linh (1)              乱而不损曰灵
          Sát lục vô cô viết Lệ                           杀戮无辜曰厉
          Hiếu nội viễn lễ viết Dạng                  好内远礼曰炀
3- Đồng tình, ví dụ:
          Cung nhân đoản chiết viết Ai             恭仁短折曰哀
          Từ nhân đoản chiết viết Hoài             慈仁短折曰怀
          Tại quốc tao ưu viết Mẫn                   在国遭忧曰愍   

Thuỵ hiệu thời thượng cổ đa phần dùng 1 chữ, nhưng cũng có 2 hoặc 3 chữ, ví dụ:
          Chu Bình Vương                  Tần Mục Công  
Trịnh Công             Tề Hoàn Công  
     Nguỵ An Li Vương  安釐       Triệu Hiếu Thành Vương 孝成
     Trinh Huệ Văn Tử    贞惠文
Thuỵ hiệu đời sau trừ hoàng đế ra, đại đa số dùng 2 chữ, ví dụ:
          Tuyên Thành Hầu (Hoắc Quang)    宣成(霍光)
          Trung Vũ Hầu (Chư Cát Lượng)     忠武(诸葛亮)
          Văn Trung Công (Âu Dương Tu)    文忠(欧阳修)
          Vũ Mục Vương (Nhạc Phi)              武穆    (岳飞)
          Ngoài ra còn có tư thuỵ, đây là thuỵ hiệu của học giả có danh vọng sau khi mất được thân hữu đặt cho, ví dụ Trần Thật 陈寔thời Đông Hán sau khi mất, bà con bạn bè đến viếng có hơn 3 vạn người, đặt cho thuỵ là Văn Phạm Tiên Sinh 文范先生. Đào Uyên Minh 陶渊明 thời Tấn sau khi mất, Nhan Diên Niên 颜延年đã viết bài luỵ (*), đặt cho thuỵ là Tĩnh Tiết Trưng Sĩ 靖节征士. Trương Tái 张载thời Tống sau khi mất, môn nhân đặt cho thuỵ là Minh Thành Phu Tử 明诚夫子.  
          Hoàng đế phong kiến trước thuỵ hiệu còn có miếu hiệu 庙号. Từ đời Hán trở đi, vị hoàng đế đầu tiên của mỗi triều đại nhìn chung xưng là Thái Tổ 太祖, Cao Tổ 高祖hoặc Thế Tổ 世祖, các vị tự quân nối sau xưng là Thái Tông 太宗, Thế Tông 世宗... (2). Đơn cử như: toàn hiệu của Hán Cao Tổ 汉高祖là Thái Tổ Cao Hoàng Đế 太祖高皇帝. Toàn hiệu của Hán Văn Đế 汉文帝là Thái Tông Hiếu Văn Hoàng Đế 太宗孝文皇帝 (3). Toàn hiệu của Hán Vũ Đế 汉武帝là Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế 世宗孝武皇帝. Toàn hiệu của Nguỵ Văn Đế 魏文帝là Thế Tổ Văn Hoàng Đế 世祖文皇帝. Toàn hiệu của Tuỳ Văn Đế 隋文帝là Cao Tổ Văn Hoàng Đế 高祖文皇帝 v.v...
          Từ thời Đường trở đi, hoàng đế còn có tôn hiệu, đây là hiệu được phụng dâng lúc còn sống (4). Ví dụ năm Khai Nguyên 开元 thứ 27 (năm 739), Đường Huyền Tông 唐玄宗nhận tôn hiệu là Khai Nguyên Thánh Văn Thần Vũ Hoàng Đế 开元圣文神武皇帝; năm Càn Đức 乾德 nguyên niên (năm 963), Tống Thái Tổ 宋太祖 nhận tôn hiệu là Ứng Thiên Quảng Vận Nhân Thánh Văn Vũ Chí Đức Hoàng Đế 应天广运仁圣文武至德皇帝. Tôn hiệu có thể được dâng mấy lần, đều là những từ tôn sùng ca ngợi, trên thực tế là a dua tâng bốc (5). Cũng có hoàng đế sau khi mất được dâng tôn hiệu, ví dụ Đường Cao Tông 唐高宗sau khi mất, đến năm Thiên Bảo 天宝 thứ 13 (năm 754) được dâng tôn hiệu là Thần Nghiêu Đại Thánh Đại Quang Hiếu Hoàng Đế 神尧大圣大光孝皇帝. Tôn hiệu mà sau khi mất dâng lên cũng có thể gọi là thuỵ hiệu, như vậy, số chữ của thuỵ hiệu tăng nhiều. Từ thời Đường trở về trước, đối với vị hoàng đế đã mất giản xưng thuỵ hiệu (như Hán Vũ Đế 汉武帝, Tuỳ Dạng Đế 隋炀帝), không xưng miếu hiệu; từ thời Đường trở về sau do bởi thuỵ hiệu dài, không tiện xưng hô, cho nên đổi xưng miếu hiệu (như Đường Huyền Tông 唐玄宗, Tống Thái Tổ 宋太祖) ...    (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- “Linh” là thuỵ hiệu của hôn quân vô đạo, gọi là “loạn nhi bất tổn” 乱而不损 chỉ là cách nói mang tính ẩn huý. Tấn Linh Công bất quân 晋灵公不君, cho nên thuỵ là Linh Công 灵公.
2- Tự quân cũng có vị được xưng Thế Tổ, Thái Tổ, ở đây có nguyên nhân khác nên không trình bày.
          Còn thời Hán không phải mỗi vị hoàng đế đều có miếu hiệu, phải “có công” “có đức” mới được xưng là “Tổ” “Tông”. Thời Nam Bắc Triều lạm xưng “Tông”, đến thời Đường không có vị hoàng đế nào mà không là “Tông”.
3- Từ Hán Huệ Đế 汉惠帝trở đi, nhất luật gia thêm chữ “Hiếu” , coi như là
một bộ phận của thuỵ hiệu.
4- Tôn hiệu khởi nguồn từ đời Đường Võ Hậu Trung Tông .武后中宗 Xem Tư Mã Quang 司马光 “Tư Mã Văn Chính tập” 司马文正集 26, “Thỉnh bất thụ tôn hiệu tráp tử” 请不受尊号劄子.
5- Đế hậu cũng có tôn hiệu, sau xưng là huy hiệu徽号. Ví dụ đời Thanh, Đồng Trị 同治tôn mẹ đẻ của mình Na Lạp Thị 那拉氏 là Thánh Mẫu Hoàng Thái Hậu 圣母皇太后, dâng huy hiệu là Từ Hi 慈禧. Mỗi khi gặp khánh điển, huy hiệu có thể gia thêm, cho nên huy hiệu của Na Lạp Thị kéo dài đến 16 chữ.

Chú của người dịch
*- Luỵ : cũng gọi là “luỵ từ” 诔辞 “luỵ văn” 诔文, tức bài văn thuật lại sự tích  hành trạng lúc sinh tiền của người mất, biểu thị sự đau buồn thương xót.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 14/02/2019

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post