Dịch thuật: Triệu Cao (Tể tướng Trung Quốc)

TRIỆU CAO

          Triệu Cao 赵高 (? – năm 207 trước công nguyên), Tể tướng thời Tần Nhị Thế 秦二世. Gian tướng triều Tần, người sáng lập thể tiểu triện và là một trong những đại gia về thư pháp sớm nhất của Trung Quốc. Nhân vì muốn tự lập làm vương, đã bị Tử Anh 子婴 lập kế tru sát.

          Triệu Cao nguyên là quý tộc nước Triệu, trình độ văn hoá rất cao lại thông hiểu ngục pháp, giỏi về thư pháp. Nhân vì phụ thân mắc tội nên bị liên luỵ, phạt vào cung Triệu Vương làm hoạn quan. Năm 222 trước công nguyên, nước Triệu bị nước Tần công diệt, Triệu Cao bị bắt đưa về Tần, sai làm hoạn quan trong cung của Tần Vương Doanh Chính 秦王嬴政, sung tạp sai. Con người Triệu Cao giảo hoạt, giỏi xét lời nói,  quan sát sắc mặt của người khác, thấy Tần Vương sủng ái thiếu tử Hồ Hợi 胡亥, liền ra sức tiếp cận Hồ Hợi, tìm cách làm vừa lòng những sở thích của Hồ Hợi, bèn được Tần Thuỷ Hoàng phái làm thầy dạy trong cung của Hồ Hợi, dạy Hồ Hợi pháp luật và thư pháp, trở thành tâm phúc của Hồ Hợi, đồng thời giành được sự cảm mến và tín nhiệm của Tần Thuỷ Hoàng, được bổ nhiệm làm Trung xa phủ lệnh 中车府令 (quản xa mã của hoàng đế), kiêm cả Phù tỉ lệnh 符玺令 (bảo quản ấn tỉ của hoàng đế). Có lúc còn nhận mệnh khởi thảo văn thư, xử lí công văn, trở thành thư kí bên cạnh Tần Thuỷ Hoàng.
          Triệu Cao một khi đã đắc ý liền làm xằng làm bậy. Tần Thuỷ Hoàng biết bèn bắt giao cho tướng quân Mông Nghị 蒙毅 thẩm vấn. Mông Nghị chấp pháp công minh, theo pháp luật xử trảm. Tần Thuỷ Hoàng lại cho rằng Triệu Cao thường ngày cần mẫn nên đã xá miễn, vẫn để nhậm chức bên cạnh.
         Năm 210 trước công nguyên, Tần Thuỷ Hoàng đi xuống phía nam tuần du, tuỳ hành có Lí Tư, Hồ Hợi và Triệu Cao. Trên đường trở về, Tần Thuỷ Hoàng bị bệnh, đến Sa Khâu 沙丘, bệnh tình chuyển nguy. Tần Thuỷ Hoàng tự biết mình không qua khỏi, vội lệnh cho Lí Tư và Triệu Cao khởi thảo chiếu thư, đồng thời đem chiếu thư và quốc tỉ hoả tốc giao cho trưởng tử Phù Tô 扶苏, giục Phù Tô ngay lập tức về Hàm Dương 咸阳 chủ trì tang lễ.
          Đương thời, Phù Tô bị Tần Thuỷ Hoàng phái đến nhậm chức Giám quân 监军 trong quân của hai anh em Mông Điềm 蒙恬 Mông Nghị 蒙毅 ở Thượng Quận 上郡 (nay là vùng Hà Sáo 河套 Nội Mông Cổ 内蒙古). Tần Thuỷ Hoàng chưa kịp viết xong chiếu thư đã mất. Triệu Cao sợ Phù Tô kế vị, trọng dụng Mông Điềm, Mông Nghị sẽ bất lợi cho mình, bèn giữ chiếu thư lại, cùng Hồ Hợi mưu tính soán đoạt đế vị. Ông ta lại vừa uy hiếp vừa quyến dụ, để Lí Tư cùng hợp mưu, giả tạo di chiếu, đóng quốc tỉ, chỉ trích Phù Tô bên ngoài không lập được công, lại còn oán hận phụ hoàng, lệnh cho Phù Tô và Mông Điềm tự sát. Con người Phù Tô trung hậu, không phân biệt được chiếu thư chân giả đã tự sát thân vong. Đối với chiếu thư đó, Mông Điềm lại rất hoài nghi, không chịu tự sát nên bị giam vào đại lao.
          Triệu Cao bí mật không phát tang, đặt thi thể Tần Thuỷ Hoàng trong xe, đóng cửa xe, kéo rèm xe lại, khiến bách quan tưởng là Tần Thuỷ Hoàng hãy còn sống, hàng ngày vẫn tấu sự bên ngoài xe. Triệu Cao lại lệnh cho một thái giám có tiếng nói gần giống với tiếng nói của Tần Thuỷ Hoàng ở trong xe, mạo xưng là Tần Thuỷ Hoàng, diễn qua loa với bách quan. Và như vậy, đại đội nhân mã đã hộ vệ xe chở thi thể Tần Thuỷ Hoàng về Hàm Dương. Do bởi thời tiết nóng bức, thi thể Tần thuỷ Hoàng bốc mùi, Triệu Cao liền lệnh cho đem lại một lô cá ướp, trên các xe tuỳ hành đều đặt 1 thạch nhằm để trộn lẫn mùi hôi thối. Sau khi về đến Hàm Dương, Triệu Cao, Lí Tư mới tuyên cáo với thiên hạ tin Tần Thuỷ Hoàng qua đời, lại giả tạo di chiếu lập Hồ Hợi làm đế, sử gọi đó là “Tần Nhị Thế”. Triệu Cao tự nhậm chức Lang trung lệnh 郎中令, nắm giữ hoàng cung, chỉ huy cấm quân, bắt đầu thao túng triều chính.
          Đầu tiên để phòng ngừa việc soán đoạt đế vị, Triệu Cao xúi Hồ Hợi thêu dệt tội danh, cho giết hết hai mấy người con trai và con gái của Tần Thuỷ Hoàng, rồi lại giết anh em Mông Điềm và nhiều đại thần. Năm sau, lại lấy tội danh mưu phản chém ngang lưng Lí Tư, sau đó tự nhậm chức Trung Thừa tướng 中丞相 (1), một mình nắm giữ triều chính, đồng thời thi hành bạo chính nghiêm trọng hơn trước, cuối cùng vào tháng 7 âm lịch năm 209 trước công nguyên đã kích khởi cuộc đại khởi nghĩa nông dân của Trần Thắng 陈胜, Ngô Quảng 吴广. Sau khi Trần Thắng, Ngô Quảng hi sinh, quân khởi nghĩa do Hạng Vũ 项羽, Lưu Bang 刘邦 lãnh đạo tiếp tục phản Tần.
          Năm 207 trước công nguyên, trong trận đại chiến tại Cự Lộc 巨鹿 (nay là huyện Cự Lộc巨鹿 tỉnh Hà Bắc 河北), chủ lực quân Tần bị Hạng Vũ đánh tan, trong thành Hàm Dương nhân tâm lo sợ. Đối với Hồ Hợi, Triệu Cao phong toả tin tức, nói rằng thiên hạ thái bình vô sự, chỉ để Hồ Hợi rượu chè trai gái trong cung, mọi tấu chương đều do Triệu Cao thay mặt phê đáp. Triệu Cao sợ trong số đại thần có người tiết lộ chân tướng với Nhị Thế nên một ngày nọ dẫn đến triều đường một con hươu, nói với Hồ Hợi rằng:
          - Thần có được một con ngựa, đặc biệt hiến dâng bệ hạ.
          Hồ Hợi bảo rằng:
          - Thừa tướng, đây rõ ràng là con hươu, sao lại là con ngựa được?
          Triệu Cao nghiêm sắc mặt nói rằng:
          - Là ngựa đó! Việc này có thể để mọi người đến chứng nhận.
          Có mấy đại thần trung hậu cứ như thực chỉ ra đó là con hươu, mấy ngày sau bị Triệu Cao hại chết. Từ đó, trong triều không có người nào dám tấu báo sự tình với Hồ Hợi.
          Chẳng bao lâu, đại quân Lưu Bang công phá Vũ Quan 武关 (nay là phía đông nam huyện Đan Phụng 丹凤 tỉnh Thiểm Tây 陕西), tiến gần đến Hàm Dương. Triệu Cao nhìn thấy triều Tần sắp sụp đổ, liền ngầm sai người đi đàm phán với Lưu Bang, chuẩn bị chia đều nước Tần với Lưu Bang, một mặt lập kế hoạch giết chết Hồ Hợi để lên thay thế. Trước tiên Triệu Cao gạt Hồ Hợi rời khỏi hoàng cung, đến ở li cung gọi là Vọng Di cung 望夷宫 gần sông Kinh , sau đó vào tháng 8 năm 207 trước công nguyên, lệnh cho rể của mình là Hàm Dương lệnh Diêm Lạc (Nhạc?) 阎乐dẫn quân tiến vào Vọng Di cung, bức Nhị Thế tự vẫn. Triệu Cao nguyên muốn tự hành xưng vương, nhưng, nhìn thấy tông thất nhà Tần còn nhiều, nhân tâm trong triều ngoài nội không phục, đành tạm thời lập con của Phù Tô là Tử Anh 子婴, nhưng lại tuyên bố nói rằng, Tần thôn tính xong 6 nước mới xưng hoàng đế, hiện tại thiên hạ phản loạn, 6 nước lần lượt tự lập khôi phục địa vị cũ, Tần vẫn chỉ có địa bàn trước đó, Tử Anh không thể xưng hoàng đế nữa, chỉ có thể xưng là Tần Vương. Đồng thời Triệu Cao ngầm trù tính giết Tử Anh, phái người đi đàm phán với Lưu Bang, chuẩn bị phân chia thiên hạ, tự lập làm vương. Tử Anh biết được Triệu Cao đang âm mưu sắp đặt, bèn theo sự sắp đặt của Triệu Cao đến ở trai cung, đóng cửa không ra, ngầm thương lượng cùng thân tín, trước tiên cần phải ra tay trừ khử Triệu Cao.
          Chẳng bao lâu, Triệu Cao mấy lần phái người mời Tử Anh đến Tổ miếu làm lễ đăng cơ, Tử Anh đều lấy cớ thân thể không khoẻ không chịu đi. Triệu Cao sốt ruột, đích thân dẫn tuỳ tùng đến, hoạn quan giữ cửa ngăn lại, nói rằng:
         - Công tử hiện đang nằm nghỉ bên trong, có dặn không cho bất kì người nào đến quấy rầy.
          Triệu Cao đành phải một mình tiến vào bên trong, quả nhiên thấy Tử Anh đang tựa gối nằm trên giường. Triệu cao nói rằng:
          - Hôm nay là ngày tốt để vương đăng cơ, vương sao mà không thể đi?
          Tử Anh không trả lời, chỉ hô rằng:
          - Tả hữu ra bái kiến Thừa tướng!
          Hai tên thân tín của Tử Anh từ sau màn nhảy ra, chụp lấy hai tay Triệu Cao. Một tên hoạn quan tâm phúc đâm Triệu Cao một nhát ngã lăn ra đất. Tiếp đó, Tử Anh triệu tông thất đại thần đến, nêu những tội của Triệu Cao, lệnh đem thi thể Triệu Cao kéo ra cho xe xé xác, lại ra lệnh giết chết 3 tộc của Triệu cao và Diêm Lạc (Nhạc?) cùng vây cánh đồng đảng, sau đó lên ngôi xưng vương.
          Hành vi của Triệu Cao, mở đầu cho cho việc chuyên quyền loạn chính trong lịch sử hoạn quan ở Trung Quốc, nảy sinh ảnh hưởng vô cùng ác liệt đối với hậu thế, trải qua các đời đều chê trách, thoá mạ. Nhưng, về thư pháp, Triệu Cao lại là người có trình độ, cùng Lí Tư sáng chế ra thể tiểu triện. Đào Tông Nghi 陶宗仪triều Minh trong Thư sử hội yếu 书史会要cũng xếp Triệu Cao vào một trong những danh gia thư pháp.

Chú của người dịch
1- Trung Thừa tướng 中丞相:
          Trong Sử kí – Lí Tư liệt truyện 史记 - 李斯列传 có nói, sau khi Lí Tư chết, Nhị Thế bái Triệu Cao làm Trung Thừa tướng 中丞相. Triệu Cao là hoạn quan, có thể ra vào cung cấm, cho nên có danh xưng như thế. Nhưng trong Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 秦始皇本纪 lại nói Triệu Cao làm Thừa tướng 丞相. Quan danh chính thức đương thời, có hay không có chữ “trung” hãy còn là nghi vấn.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 16/12/2018

Nguyên tác Trung văn
TRIỆU CAO
赵高
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post