Dịch thuật: Quan chế địa phương

QUAN CHẾ ĐỊA PHƯƠNG

          Đơn vị hành chính thời Xuân Thu có ấp huyện. Vị trưởng quan của ấp huyện, Lỗ và Vệ gọi là Tể , Tấn gọi là Đại phu 大夫, Sở gọi là Lệnh doãn 令尹. Thời Chiến Quốc có quận có huyện. Trưởng quan của quận là Thú , chủ yếu nắm giữ quân sự; trưởng quan của huyện là Lệnh , chủ yếu nắm giữ dân chính. Về sau quận lĩnh cả huyện, hình thành đơn vị hành chính địa phương quận huyện 2 hai cấp.
         Thời Tần Hán, huyện có vạn hộ trở lên, vị trưởng quan gọi là Lệnh ; huyện chưa đến vạn hộ, trưởng quan gọi là Trưởng . Huyện thừa 县丞giúp việc hành chính của huyện, Huyện uý 县尉lo việc trị an. Thời Tuỳ Đường, vị trưởng quan của huyện gọi chung là Lệnh. Thời Tống, phái quan viên trung ương đến nắm giữ việc hành chính của huyện gọi là “Tri X X huyện sự” X X县事, gọi tắt là Tri huyện 知县. Thời Minh Thanh vẫn theo cách gọi Tri huyện, thời Nguyên thì gọi là Huyện doãn 县尹. Huyện của các đời có các tào duyện sử 曹掾史, mỗi bộ phận nắm giữ những chức trách khác nhau.
          Thời Tần Hán, đơn vị hành chính trên cấp huyện là quận. Vị trưởng quan hành chính của quận, thời Tần gọi là Quận thú 郡守, nắm giữ quân sự là Uý , coi việc giám sát là Giám ngự sử 监御史, gọi tắt là Giám . Quận thừa 郡丞là vị phó quan giúp Quận thú. Thời Hán, Quận thú đổi gọi là Thái thú 太守, về sau nhân kiêm lĩnh luôn quân sự, cho nên có danh xưng Quận tướng 郡将. Thuộc quan của quận ngoài các tào 曹曹 ra còn có đốc bưu 督邮, chủ bạ 主簿... Đốc bưu giám sát công tội thiện ác của lại quan huyện thuộc, đồng thời đốc trị cường hào gian ác ở địa phương. Chủ bạ chủ quản văn thư bạ tịch 文书簿籍 (1). Thời Hán, ngang với quận còn có “quốc”, đây là phong địa của con em hoàng đế, quan lại được thiết lập mô phỏng trung ương. Sau loạn 7 nước Ngô Sở đã tước giảm, do trung ương phái Tướng xuống để xử lí hành chính (2). Tướng và Thái thú tương đương, đều là chức quan nhị thiên thạch 二千石 (2000 thạch) (3), cho nên thời Hán thường dùng “nhị thiên thạch” 二千石 là từ xưng thay cho “quận quốc Thú Tướng” 郡国守相.
          Thời Hán Vũ Đế, cả nước chia làm mười mấy giám sát khu, gọi là châu hoặc bộ , mỗi châu đặt 1 Thứ sử 刺史 (sau hoặc gọi là Mục ) giám sát quận quốc sở thuộc. Châu tại kinh sư đặt Tư lệ hiệu uý 司隶校尉cũng gần như Thứ sử. Thứ sử có các thuộc quan như Biệt giá tùng sự sử 别驾从事史, Trị trung tùng sự sử 治中从事史. Biệt giá theo Thứ sử xuất tuần, Trị trung “chủ chúng tào văn thư” (4). Thời Đông Hán chiến tranh liên miên, Thứ sử hoặc Châu mục đều nắm giữ binh quyền. Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, Thứ sử đa phần mang xưng hiệu Tướng quân, đồng thời được phép thành lập quân phủ, tự thiết lập liêu thuộc, quyền thế rất lớn (5). Như vậy, Thứ sử có 2 nhóm thuộc quan, một nhóm là Biệt giá, Trị trung thuộc  hệ thống giám sát, một nhóm khác là Trưởng sử, Tư mã, Tham quân thuộc hệ thống quân sự.
          Thời Tuỳ Đường, đơn vị hành chính trên huyện là châu hoặc quận, xưng trưởng quan của châu là Thứ sử 刺史, xưng trưởng quan của quận là Thái thú 太守 (6). Trên thực tế, Thứ sử ngang như Thái thú. Người xưa gọi Thứ sử hoặc Thái thú là Sứ quân 使君, Liễu Tông Nguyên 柳宗元 đã viết cho Vĩnh Châu Thứ sử Vi Công 永州刺史韦公 bài Vĩnh Châu Vi Sứ quân tân đường kí 永州韦使君新堂记, cuối bài nói rằng “biên dĩ vi nhị thiên thạch khải pháp” 编以为二千石楷法, (biên chép vào sách, lấy làm chuẩn mực của Thứ sử) “nhị thiên thạch” ở đây dùng theo cách xưng hô quận quốc Thú Tướng thời Hán, kì thực là chỉ Thứ sử trưởng quan hành chính của châu lúc bấy giờ. Thứ sử đã trở thành trưởng quan hành chính, thế thì xưng hiệu hai nhóm thuộc quan của Thứ sử đời trước cũng được tham khảo để dùng làm quan hiệu trong hệ thống hành chính (7). Hiểu được điểm này mới rõ Tư mã châu quận thời Tuỳ Đường kì thực không nắm giữ việc võ.   
                                                                                        (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- Đốc bưu 督邮chức quyền rất nặng, sau thời Đường bắt đầu phế bỏ. Thời cổ, quan thự nhìn chung đều đặt Chủ bạ 主簿. Sau thời Tống, Chủ bạ của huyện và Thừa uý 丞尉đồng là trợ lí của Huyện lệnh (Tri huyện).
2- Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều đổi gọi là Nội sử 内史.
3- Chế độ thời Hán lấy bổng lộc nhiều ít làm tiêu chí đẳng cấp chức quan, nguyệt bổng của quan nhị thiên thạch là 120 hộc.
4- Đỗ Hựu 杜佑 trong Thông điển 通典quyển 32, mục Chức quan 职官 14 nói rằng:
          Trị trung tùng sự sử nhất nhân, cư trung trị sự, chủ chúng tào văn thư, Hán chế dã.
          治中从事史一人, 居中治事, 主众曹文书, 汉制也.
          (Trị trung tùng sự sử một người, cư trung trị sự, chủ quản văn thư các tào, đó là chế độ thời Hán)
5- Không gia thêm xưng hiệu Tướng quân thì gọi là Đơn xa Thứ sử 单车刺史, đa phần do “thứ tính” 庶姓 (những người khác họ với thiên tử hoặc chư hầu) đảm nhậm. Và, thời Tấn, quận thú cũng đa phần gia thêm xưng hiệu Tướng quân.
6- Châu ở thủ đô hoặc bồi đô xưng là phủ, quan có Doãn , Thiếu doãn 少尹.
7- Cựu Đường thư – Cao Tông kỉ 旧唐书 - 高宗纪 chép tháng 7 năm Trinh Quan 贞观thứ 23 (năm 649) đổi Trị trung 治中của các châu thành Tư mã 司马, đổi Biệt giá 别驾 thành Trưởng sử 长史.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 12/11/2018

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post