Dịch thuật: "Lê dân" và "bách tính" thời cổ có phải đều chỉ bình dân

“LÊ DÂN” VÀ “BÁCH TÍNH” THỜI CỔ CÓ PHẢI ĐỀU CHỈ BÌNH DÂN

          Trong tác phẩm văn học thường dùng “lê dân bách tính” 黎民百姓 để chỉ bình dân phổ thông, “lê dân” 黎民 và “bách tính” 百姓 có phải đều chỉ bình dân?
          Muốn truy nguyên lai lịch từ “lê dân”, chúng ta phải bắt đầu từ Viêm Đế 炎帝 và Hoàng Đế 黄帝. Tương truyền vào thời hai vị Đế này, ngoài Trung Quốc ra còn có các bộ lạc Đông Di 东夷, Tây Nhung 西戎, Nam Man 南蛮, Bắc Địch 北狄. Theo truyền thuyết, ở Nam Man có một liên minh bộ lạc lớn mạnh nhất lấy mãnh thú làm totem. Liên minh này do 9 bộ lạc tổ thành, tên là “Cửu Lê tộc” 九黎族, đứng đầu là Xi Vưu 蚩尤. Về sau, Xi Vưu nhìn thấy lưu vực Hoàng hà đất đai phì nhiêu tươi tốt bèn đưa mọi người đến tranh đoạt.
          Đương thời, bộ lạc của Viêm Đế sống ở nơi này. Để bảo vệ đất đai vườn tược của mình, Viêm Đế triển khai đại chiến với bộ lạc Xi Vưu. Viêm Đế chiến bại. Sau khi Viêm Đế thất bại đã nhờ vào bộ lạc của Hoàng Đế ở phía tây, tổ thành liên minh Viêm Hoàng. Thế là, để tranh đoạt khu vực trung nguyên, bộ lạc Viêm Hoàng một lần nữa kịch chiến với bộ lạc Xi Vưu. Hoàng Đế không những đánh bại bộ lạc Cửu Lê, mà còn lấy được thủ cấp của Xi Vưu. Sau khi chiến bại, người của Cửu Lê tộc trở thành tù nhân cấp thấp, bị người của bộ lạc Viêm Hoàng gọi là “lê dân”. Đương nhiên, cách gọi này hàm ý miệt thị xem thường.
          Trong bộ lạc Viêm Hoàng thực hành một loại chế độ, chỉ người có địa vị thân phận mới được quyền mang tính thị 姓氏. Nói chung, người mang tính 姓 là phụ nữ, người mang thị là đàn ông, ví như nói Hiên Viên thị 轩辕氏, Thần Nông thị 神农氏 (1). Theo Thuyết văn giải tự 说文解字, Hiên Viên theo tính của mẹ, còn con của ông ta, thì tính thị do Hoàng Đế (tức Hiên Viên - ND) chỉ định. Sự chuyển biến này, đã phản ánh sự thực lịch sử quá độ từ thị tộc mẫu hệ sang thị tộc phụ hệ. Thời kì của hai vị Viêm Đế và Hoàng Đế, khu vực trung nguyên đã hình thành liên minh bộ lạc do họ đứng đầu. Liên minh này ước chừng có khoảng 100 thị tộc, mỗi thị tộc đều có tính thị riêng. Cho nên tập đoàn thống trị này trở thành “bách tính”. Từ đó có thể biết, lúc bắt đầu của “bách tính” là hợp xưng các thủ lĩnh thị tộc trong bộ lạc, thân phận cao quý, không phải là bình dân.
          Theo ghi chép trong Thượng thư 尚书, thời Đế Thuấn từng cưỡng bức “lê dân” lao động vất vả là để cung phụng “bách tính”. Trong Thượng thư – Nghiêu điển 尚书 - 尧典 có nói:

Bình chương bách tính, bách tính chiêu minh. (2)
平章百姓, 百姓昭明
          Các học giả đời sau giải thích rằng “bách tính chính là chỉ bách quan”. Trịnh Huyền 郑玄đời Hán chú rằng:
Bách tính, quân thần chi phụ tử huynh đệ.
百姓, 君臣之父子兄弟.
(Bách tính là cha con anh em của vua tôi)
          Có thể thấy vào thời cổ, trong một thời gian tương đối dài, chỉ có vương công quý tộc mới có “tính”, bình dân áo vải không có tư cách để có “tính”.
          Theo sự biến động của xã hội, các triều đại thay nhau, “lê dân” đã hưng vượng lên, “bách tính” đã sa sút, nhân đó mà sự khu biệt này đã không còn rõ ràng. Thời Chiến Quốc, quý tộc bị suy yếu triệt để, “lê dân bách tính” cũng trở thành từ gọi chung đại chúng nhân dân.

Chú của người dịch
1- Hiên Viên 轩辕: tức Hoàng Đế 黄帝, vị thủ lĩnh liên minh bộ lạc của Hoa Hạ thời cổ. Theo truyền thuyết, Hiên Viên là con của Thiếu Điển 少典và bà Phụ Bảo 附宝, vốn tính là Công Tôn 公孙, sau đổi sang tính Cơ , cho nên cũng gọi là Cơ Hiên Viên 姬轩辕, vì cư trú ở gò Hiên Viên 轩辕 nên có hiệu là Hiên Viên thị轩辕氏.
          Thần Nông 神农: tức Viêm Đế, là thủ lĩnh của bộ lạc tính Khương 姜 thời thượng cổ Trung Quốc, có hiệu là Thần Nông thị 神农氏, Khôi Ngỗi thị 魁隗氏, Liên Sơn thị 连山氏, Liệt Sơn thị 列山氏.

2- Trong Thượng thư – Nghiêu điển 尚书 - 尧典 ghi rằng:
          Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc. Cửu tộc kí mục, bình chương bách tính. Bách tính chiêu minh, hiệp hoà vạn bang.
          克明俊德, 以亲九族. 九族既睦, 平章百姓. 百姓昭明, 协和万邦.
          Tỏ rõ đức lớn: Thân với chín tộc, chín tộc lại hoà mục; hoà vui trăm họ, trăm họ được sáng, hoà hợp với muôn nước ...
          - Chín tộc: Chín đời trong họ: Cao Tổ, Tằng Tổ, Tổ, Phụ, Thân, Tử, Tôn, Tằng tôn, Huyền tôn.
          - Trăm họ: Dân trong một nước.
                          (Bản dịch và chú thích của Trần Lê Sáng, Phạm Kỳ Nam)
          Tỏ rõ được đức lớn, để thân với người chín tộc. Chín tộc thuận rồi, rạng đều trăm họ. Trăm họ đã rỡ sáng, hoà hợp muôn nước...
          - Chín tộc: kể trong họ nội, từ người ngang hàng với ông tổ năm đời (cao tổ) của mình, cho đến kẻ ngang hàng với cháu năm đời của mình (huyền tôn), tất cả là chín bậc. Người ở trong chín bậc ấy gọi là trong chín tộc.
          - Trăm họ: dân trong một nước.
                                  (Bản dịch và chú thích của Nhượng Tống)

                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 20/10/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post