Dịch thuật: Bộ "Mặc Tử" - Hòn đá tảng của Mặc học (kì 1)

BỘ “MẶC TỬ” –  HÒN ĐÁ TẢNG CỦA MẶC HỌC
(kì 1)

          Người sáng lập học phái Mặc gia họ Mặc , tên Địch , người nước Tống (1). Mặc Tử xuất thân thấp kém, khác với Khổng, Lão, tuy học tập Nho thuật, nhưng lại không tán đồng lễ nghi Nho gia, phẫn kích lập nên một môn phái khác, thu nhận đồ đệ dạy học, trở thành phái phản đối Nho gia xuất thân từ Nho môn. Học thuyết của Mặc Tử có thể từ trong bộ Mặc Tử 墨子phản ánh được. Trong tư tưởng của Mặc Tử, vấn đề tương đối có ảnh hưởng đó là 10 chủ trương lớn của ông, tức Kiêm ái 兼爱, Phi công 非攻, Thượng hiền 尚贤, Thượng đồng 尚同, Tiết dụng 节用, Tiết táng 节葬, Tôn thiên 尊天, Minh quỷ 明鬼, Phi mệnh 非命, Phi nhạc 非乐, trong đó Kiêm ái, Thượng hiềnThượng đồng là 3 chủ trương có đầy đủ tính đại biểu, về cơ bản phản ánh được quan điểm chính trị của ông, có ảnh hưởng tương đối to lớn đối với xã hội hậu thế.
          “Kiêm ái” là quan điểm chính trị xã hội quan trọng của Mặc Tử, ý đồ thông qua chủ trương “kiêm tương ái, giao tương lợi” 兼相爱, 交相利cải biến được hiện trạng xã hội nghi kị lừa dối lẫn nhau, cậy mạnh hiếp yếu, ỷ giàu khinh nghèo của xã hội đương thời. Ông không rõ căn nguyên xã hội sản sinh hiện tượng xấu xa đó, mà quy tội về người với người “bất tương ái” 不相爱 (2). Ông chỉ ra rằng:
          Kim nhược quốc chi dữ quốc tương công, gia dữ gia chi tương soán, nhân dữ nhân chi tương tặc, quân thần bất huệ trung, phụ tử bất từ hiếu, huynh đệ bất hoà điệu, thử tắc thiên hạ chi hại dã. (3) (*)
          今若国之与国相攻, 家与家之相篡, 人与人之相贼, 君臣不惠忠, 父子不慈孝, 兄弟不和调, 此则天下之害也. (3) (*)
          (Nay nếu giữa nước với nước công phạt lẫn nhau, nhà với nhà tranh đoạt lẫn nhau, người với người tàn hại lẫn nhau, quân đối với thần không ban ân huệ, thần đối với quân không tận trung, cha đối với con không từ ái, con đối với cha không hiếu thuận, anh em không hoà mục, thì đó là mối hại của thiên hạ vậy.)
          Ở đây, sở dĩ sinh ra hiện tượng đó, căn nguyên tại “dĩ bất tương ái sinh” 以不相爱生 (do không tương ái mà sinh ra). Đã là hại thì phải trừ bỏ đi. Làm sao có thể trừ được “thiên hạ chi hại” này? Mặc Tử yêu cầu mọi người:
          Thị nhân chi quốc, nhược thị kì (**) quốc; thị nhân chi gia, nhược thì kì gia; thị nhân chi thân, nhược thị kì thân. (4)
          视人之国, 若视其 (**) ; 视人之家, 若视其家; 视人之身, 若视其身. (4)
          (Xem nước của người khác như nước mình, xem nhà người khác như nhà mình, xem bản thân người khác như bản thân mình.)
Chỉ cần mọi người đều làm như thế thì “thiên hạ chi nhân giai tương ái” 天下之人皆相爱 (người trong thiên hạ đều yêu thương nhau).
          Quá khứ mọi người không tương ái là do bởi tự tư; nay mọi người cần tương ái, tất nhiên “giao tương lợi”, cũng chính là giúp nhau cùng nhau có lợi. Bởi vì anh yêu thương người khác, người khác cũng yêu thương anh; anh làm lợi cho người khác, người khác cũng làm lợi cho anh. Như vậy có thể thực hiện được “kiêm tương ái, giao tương lợi”. Kiêm ái mà Mặc Tử chủ trương là không có sự phân biệt giai tầng giai cấp và giàu sang nghèo hèn, tuy khó làm thông, nhưng so với chế độ bảo vệ đẳng cấp quý tộc và tư tưởng đối lập giữa quân tử với tiểu nhân (tức kẻ thống trị và kẻ bị thống trị), càng dễ được bách tính bình dân tiếp hoan nghinh và tiếp thụ. Nếu chủ trương kiêm ái và giúp đỡ lẫn nhau chỉ tại giai tầng lao động “nông dân, công nhân và thương nhân”, thì không mất đi là một chủ trương chính trị tốt đẹp, có lợi cho bách tính bình dân. Nhưng nếu mở rộng đến các giai cấp và giai tầng khác nhau, đương nhiên sẽ vĩnh viễn thực hành không thông, chỉ có thể là một nguyện vọng tốt đẹp bất thức thời vụ. Còn như Mạnh Tử thường đề xướng:
          Hữu lực giả tật dĩ trợ nhân, hữu tài sản miễn dĩ phân nhân, hữu đạo giả khuyến dữ giáo nhân (5) (***).
有力者疾以助人, 有财产勉以分人, 有道者劝与教人 (5) (***).
          (Người có sức lực thì nhanh chóng giúp đỡ người khác, người có tài sản thì cố gắng phân tặng người khác, người có đạo đức thì dùng đạo nghĩa khuyên bảo người khác.)
Cũng chỉ được xem là một mĩ đức xã hội, động viên mọi người làm việc thiện.
          “Kiêm ái” là  một loại nguyện vọng muốn thay đổi xã hội đương thời. Mà đương thời đã ở vào tình trạng chế độ đẳng cấp thế khanh thế lộc bị công kích kịch liệt cận kề với sự sụp đổ. Tiến lên một bước đề xuất chủ trương “thượng hiền” và “thượng đồng”, đó là sự phản ánh yêu cầu thực hành cải cách chính trị mãnh liệt của Mặc Tử. (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- Có thuyết cho ông là người nước Lỗ. Thuyết nào đúng thuyết nào sai đến nay vẫn khó mà đoán định.
2- Mặc Tử - Kiêm ái 墨子 - 兼爱  (thượng)
3 – 4- Mặc Tử - Kiêm ái 墨子 - 兼爱  (trung)
5- Mặc Tử - Kiêm ái 墨子 - 兼爱  (hạ)

Chú của người dịch
*- Câu này theo Mặc Tử tân thích 墨子新釋  của Trí Dương xuất bản xã ấn hành năm 2003 (bản phồn thể) như sau:
          Kim nhược quốc chi dữ quốc chi tương công, gia chi dữ gia chi tương soán, nhân chi dữ nhân chi tương tặc, quân thần bất huệ trung, phụ tử bất từ hiếu, huynh đệ bất hoà điệu, thử tắc thiên hạ chi hại dã. (trang 142)
          今若國之與國相攻, 家之與家之相篡, 人之與人之相賊, 君臣不惠忠, 父子不慈孝, 兄弟不和調, 此則天下之害也.
**- Trong nguyên tác, ở đây sau chữ (kì) có chữ (chi), tôi theo Mặc Tử tân thích 墨子新釋  của Trí Dương xuất bản xã ấn hành năm 2003 bỏ chữ .
***- Câu này ở thiên Thượng hiền 尚賢 (hạ), không phải ở thiên Kiêm ái 兼愛(hạ)
          Theo Mặc Tử tân thích 墨子新釋của Trí Dương xuất bản xã ấn hành năm 2003 (bản phồn thể) như sau:
          Hữu lực giả tật dĩ trợ nhân, hữu tài giả miễn dĩ phân nhân, hữu đạo giả khuyến giáo nhân. (trang 88)
          有力者疾以助人, 有財勉以分人, 有道者勸教人.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 05/9/2018

Nguồn
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post