Dịch thuật: Khổng Tử chu du liệt quốc

KHỔNG TỬ CHU DU LIỆT QUỐC

          Khổng Tử 孔子có tên là Khổng Khâu 孔丘, là tư tưởng gia, giáo dục gia và chính trị gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, và cũng là người sáng lập học thuyết Nho gia, được người đời sau tôn là Khổng Thánh nhân 孔圣人, Chí Thánh 至圣, Chí Thánh tiên sư 至圣先师, Vạn thế sư biểu 万世师表. Tư tưởng Nho gia mà Khổng Tử khai sáng đã sản sinh ảnh hưởng sâu xa đối với Trung Quốc và các nước như Việt Nam, bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản.
          Khổng Tử (năm 551 -  năm 479 trước công nguyên), danh Khâu , tự Trọng Ni 仲尼, người nước Lỗ thời Xuân Thu. Phụ thân mất sớm, lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng Khổng Tử cần mẫn hiếu học, không xấu hổ khi học hỏi người dưới. Khổng Tử học sử ở Bột Cẩu Đàm Tử 荸苟郯子, học nhạc ở Trường Hoằng 苌弘, học đàn ở Sư Tương 师襄, học vấn của ngài được tích luỹ dần lên.
          Đến năm 30 tuổi, Khổng Tử đã thành một học vấn gia nổi tiếng, nhiều người mộ danh tiếng của Khổng Tử, lũ lượt đến bái Khổng Tử làm thầy. Thế là Khổng Tử bắt đầu sự nghiệp tư học, thu nhận rộng rãi đệ tử. Tương truyền, đệ tử của Khổng Tử có đến 3000 người, đệ tử hiền năng có 72 người.
          Đương thời, giữa các nước chư hầu chiến tranh không dứt, chế độ lễ nhạc mà triều Chu những năm đầu chế định ra đã bị phá hoại. Đối với hiện trạng đó, Khổng Tử đề xuất khôi phục Chu lễ, thực hành chủ trương “nhân”. Khổng Tử nhiệt tâm với chính trị, lo nước thương dân, nhậm chức làm Tư khấu nước Lỗ, chính tích của ngài nổi bật.
          Thế lực nước Lỗ dần mạnh lên, khiến nước Tề lo lắng. Về sau, nước Tề tặng quốc quân nước Lỗ nữ nhạc, làm cho quân thần nước Lỗ bỏ phế chính sự. Lỗ Định Công 鲁定公trúng kế, chìm đắm trong nữ nhạc, 3 ngày không lên triều.
          Khổng Tử nhiều lần khuyên can Lỗ Định Công, nhưng Định Công không nghe, Khổng Tử đành từ quan, dẫn mấy chục đệ tử xuất du liệt quốc, tuyên dương chủ trương chính trị của mình.
          Từ năm 497 trước công nguyên đến năm 484 trước công nguyên, Khổng Tử du lịch bên ngoài 14 năm, trước sau đi qua các nước Vệ, Trần, Tào, Tống, Trịnh, Thái ... phạm vi đại để bao gồm Sơn Đông 山东, Hà Nam 河南và phía bắc An Huy 安徽ngày nay.
          Lúc bấy giờ, Khổng Tử nổi tiếng bác học đa tài, các nước mà ngài đến, ngài thường cùng quốc quân, đại phu của nước đó bàn luận hỏi đáp. Kẻ thống trị các nước có người hỏi như thế nào là “vi chính” 为政, như thế nào là “phục dân” 服民, có người hỏi “quân lữ chi sự” 军旅之事, Khổng Tử đều trả lời.
          Khổng Tử ra sức tuyên dương nhân nghĩa, đức chính, nhấn mạnh trật tự lễ chế, nhưng chủ trương và lí luận của ngài các nước đều không tiếp nhận.
          Khoảng thời gian Khổng Tử chu du liệt quốc, có lúc gặp phải kẻ đương quyền khinh miệt, hiểu lầm và nhạo báng, có lúc gặp phải khốn khó, đói khát. Ban đầu Khổng Tử đến nước Vệ, Vệ Linh Công hoài nghi Khổng tử là gian tế, sai người giám sát; sau Khổng Tử đến nước Tống, đại phu nước Tống đố kị tài năng của ngài, lập kế hãm hại; Khổng Tử đào thoát đến giữa nước Trần, nước Thái, cùng các đệ tử hết lương thực 7 ngày, đành phải ăn rau rừng đỡ đói.
          Sau mấy năm bôn ba, Khổng Tử chưa thể thực hiện chí hướng chính trị của mình, nên phải quay về cố quốc. Lúc bấy giờ, Khổng Tử đã 68 tuổi.
          Về già Khổng Tử đem hết tinh lực tập trung biên đính sách vở. Để ổn định trật tự chính trị, Khổng Tử căn cứ sử kí của nước Lỗ, biên soạn bộ Xuân Thu春秋, sử thư nước Lỗ.
          Bộ Xuân Thu ghi chép những sự kiện trọng đại phát sinh trong lịch sử  nước Lỗ bắt đầu từ năm 722 trước công nguyên (Lỗ Ẩn Công nguyên niên) đến năm 481 trước công nguyên (Lỗ Ai Công năm thứ 14), đây là bộ sử thư theo thể biên niên sớm nhất của Trung Quốc.
          Ngoài ra, Khổng Tử còn tu đính các điển tịch: Thi , Thư , Lễ , Nhạc , Dịch . Khoảng giữa thời Tây Hán, 5 bộ sách nêu trên cùng với bộ Xuân Thu hợp xưng là “lục thư”.
          Sau khi Khổng Tử qua đời, đệ tử đem những ngôn hành của Khổng Tử cùng với những lời đối thoại giữa Khổng Tử với đệ tử chỉnh lí thanh bộ Luận ngữ 论语, lưu truyền hậu thế.
          Đời sau, học thuyết tư tưởng của Khổng Tử dần phát triển hình thành học thuyết Nho giáo, đối với Trung Quốc thậm chí đối với thế giới đã sản sinh ảnh hưởng to lớn sâu xa.

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 23/4/2018

Nguyên tác Trung văn
KHỔNG TỬ CHU DU LIỆT QUỐC
孔子周游列国
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015
Previous Post Next Post