Dịch thuật: Giả Đảo khổ ngâm

GIẢ ĐẢO KHỔ NGÂM

          Giả Đảo 贾岛 là thi nhân thời Trung Đường, nổi tiếng là “khổ ngâm” 苦吟.
          Giả Đảo lúc nhỏ nhà rất nghèo, ông đã xuất gia làm hoà thượng. Hoàn cảnh thanh tĩnh trong chùa và sách vở phong phú khiến Giả Đảo vô cùng yêu thích, nhờ đó mà dần nổi tiếng.
          Mỗi lần Giả Đảo làm một bài thơ đều dành rất nhiều thời gian, tranh thủ để cho mỗi chữ đều đặc biệt xác đáng và truyền thần. Truyền thuyết kể rằng, với 2 câu:
Độc hành đàm để ảnh
Sổ tức thụ biên thân
独行潭底影
数息树边身
(Một mình đi, bóng rọi xuống đáy đầm
Mấy lần dừng lại nghỉ chân bên gốc cây)
Ông đã mất thời gian 3 năm.
          Có một lần, Giả Đảo đang cưỡi lừa, bỗng nhiên nghĩ đến một bài thơ, trong đó có 2 câu:
Điểu túc trì biên thụ
Tăng xao nguyệt hạ môn
鸟宿池边树
僧敲月下门
(Chim nghỉ trên cây bên ao
Nhà sư gõ cửa dưới trăng)
Ban đầu ông dùng chữ “thôi” , sau lại nghĩ đến chữ “xao”, trong nhất thời không biết dùng chữ nào thoả đáng.
          Thế là ông vừa cưỡi lừa, vừa lầm rầm đọc, đầu lắc lư tay múa may, hoàn toàn xuất thần nhập vai. Lúc bấy giờ, xe ngựa của Kinh triệu doãn Hàn Dũ 韩愈cũng vừa đi tới, mọi người đều tránh sang hai bên, chỉ có con lừa nhỏ của Giả Đảo vẫn ở giữa đường cứ tiến tới. Đang đi, Giả Đảo đụng phải đội nghi trượng, nha dịch liền bắt ông đưa tới trước mặt Hàn Dũ.
          Hàn Dũ hỏi tại sao không tránh đường, Giả Đảo đáp rằng:
          - Tôi đang làm một bài thơ, nhưng không biết phải dùng chữ nào cho hay.
          Hàn Dũ cảm thấy hứng thú, bảo Giả Đảo đọc lên nghe thử. Giả Đảo theo lời, đọc bài thơ cho Hàn Dũ nghe. Hàn Dũ nghe xong suy nghĩ một lát rồi bảo:
          - Đương nhiên là chữ “xao” thoả đáng hơn.
          Nói xong liền bảo Giả Đảo lên xe cùng đi. Về sau hai người trở thành đôi bạn thân thiết.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 24/02/2018

Nguyên tác Trung văn
GIẢ ĐẢO KHỔ NGÂM
贾岛苦吟
Trong quyển
BÁCH GIA TÍNH
百家姓
Biên soạn: Triệu Dương 赵阳
Cát Lâm Đại học xuất bản xã, 2005 
Previous Post Next Post