Dịch thuật: Vịnh điền gia (Nhiếp Di Trung)


咏田家
二月卖新丝
五月粜新谷 (1)
医得眼前疮 (2)
剜却心头肉 (3)
我愿君王心
化作光明烛
不照绮罗筵 (4)
只照逃亡屋 (5)
                                                                     (聂夷中)

VỊNH ĐIỀN GIA
Nhị nguyệt mại tân ti
Ngũ nguyệt thiếu tân cốc (1)
Y đắc nhãn tiền sang (2)
Oan khước tâm đầu nhục (3)
Ngã nguyện quân vương tâm
Hoá tác quang minh chúc
Bất chiếu ỷ la diên (4)
Chỉ chiếu đào vong ốc (5)
                                                                          (Nhiếp Di Trung)

Chú thích
1- Thiếu : bán thóc
2- Nhãn tiền sang 眼前疮: chỉ khó khăn trước mắt, nỗi thống khổ trước mắt.
3- Oan khước 剜却: khoét bỏ, dùng dao khoét bỏ đi.
          Tâm đầu nhục 心头肉: bộ phận quan trọng trong thân thể, ở đây chỉ thành quả lao động mà nhờ đó để sinh tồn.
4- Ỷ la 绮罗: tơ lụa sang trọng. Ở đây chỉ những người mặc lụa là sang trọng.
          Diên : yến tiệc.
5- Đào vong ốc 逃亡屋: nhà cửa bỏ trống của những nông dân nghèo khổ không có cách gì để sinh sống phải bỏ nhà lưu lạc tha phương.

VỊNH ĐIỀN GIA
Tháng hai tằm chưa kéo kén mà đã đem cầm cố tơ trước
Tháng năm lúa chưa chín mà đã đem bán lúa non
Tuy chữa được vết thương trước mắt
 Nhưng lại khoét mất thịt trong tim
Mong tấm lòng của quân vương
Hoá thành ngọn đuốc sáng
Đừng soi chiếu nơi chiếu tiệc sang trọng
Mà hãy soi chiếu nơi gian nhà trống của nông dân nghèo khổ.
Phân tích
          Vịnh điền gia là tác phẩm đại biểu của Nhiếp Di Trung, và cũng là giai phẩm trong những sáng tác thi ca cuối đời Đường. Trong thơ vận dụng tỉ dụ sinh động về hình tượng và thủ pháp biểu hiện so sánh rõ ràng, phẫn nộ tố cáo khổ nạn nặng nề mang lại cho nông dân vào cuối đời Đường, biểu đạt sự đồng tình sâu sắc của thi nhân đối với quảng đại nông dân.
          Bốn câu đầu là đoạn thứ nhất, chủ yếu miêu tả nỗi thống khổ, đau như khoét thịt trong tim đối với nông dân do sự bóc lột tàn khốc đã mang đến cho họ. Mở đầu, tác giả đã vạch trần sự việc “quái dị” điển hình ở nông thôn trong xã hội phong kiến: “Nhị nguyệt mại tân ti, ngũ nguyệt thiếu tân cốc” miêu tả tình cảnh bi thảm của nông dân bị bức phải vay mượn lúc giáp hạt. Tháng 2 chưa nuôi tằm, tháng 5 lúa hãy còn non, thế mà vì sinh kế cực khổ như lửa cháy trước mắt, nông dân nghèo khổ không thể không lấy tơ, lấy lúa non để cầm đợ với giá cho vay nặng lãi. “Tháng 2” “tháng 5” cực ngôn thời gian quá sớm, thời gian sớm như thế đã phải gánh lấy nợ Diêm Vương, đủ để nói lên nông dân đã đến mức đường cùng, đến bước đường xương khô tuỷ cạn. “Mại” và “thiếu” là chỉ có ra mà không có vào, phản ánh sâu sắc cảnh huyết lệ chua cay và nỗi thống khổ không gì sánh bằng của nông dân.
          Hai câu “Y đắc nhãn tiền sang, oan khước tâm đầu nhục” đã vận dụng thủ pháp tỉ dụ, vạch trần một cách hình tượng bản chất bóc lột tàn khốc của việc cho vay nặng lãi. “Nhãn tiền sang” đương nhiên là để ví cấp nạn trước mắt, “tâm đầu nhục” là để ví tơ thóc như sinh mệnh của nhà nông, nhưng hiệu quả kinh người của những tỉ dụ này quyết không phải là khái niệm hoá khả năng biểu thuật một phần vạn của câu “chỉ lo được trước mắt chứ không lo được tương lai”. Khoét bỏ “tâm đầu nhục” có quan hệ tới tính mạng để trị vết thương độc trước mắt là việc bất đắc dĩ, hậu quả của nó càng không thể tưởng tượng nổi. Vết thương cũ chưa lành đã chịu vết thương mới, cái nghèo khó làm bạn đi đến chỗ tử vong, đây chính là sự khái quát cao độ và sự  miêu tả sinh động về tình cảnh tuyệt vọng của quảng đại nông dân lúc bấy giờ. Xưa nay chưa từng nghe “oát nhục bổ sang” 挖肉补疮 (khoét thịt vá vết thương), nhưng tác giả viết như thế là hết mực tận tình, vừa sâu sắc vừa điển hình, nhân đó mà trở thành danh cú được xưa nay truyền tụng.
          Bốn câu sau là đoạn thứ hai, chủ yếu trực tiếp bày tỏ tấm lòng của thi nhân, biểu đạt niềm hi vọng và cách nghĩ của tác giả đối với việc giải quyết những mâu thuẫn xã hội đang trở nên kịch liệt, đối với vị “quân chủ” mang ngụ ý châm biếm, biểu đạt nguyện vọng thay đổi hiện thực, phù hợp với đề xuất của những người nêu lên tinh thần “duy ca sinh dân bệnh, nguyện đắc thiên tử tri” 惟歌民生病, 愿得天子知 (chỉ nói đến bệnh của dân, nguyện được thiên tử biết đến) (Bạch Cư Dị - Kí Đường sinh 白居易 - 寄唐生). Thi nhân đã kí thác hi vọng giải quyết mâu thuẫn vào “quân vương”, điều này phản ánh tác giả trong một mức độ nhất định còn tồn tại tính hạn chế về thời đại và giai cấp, nhưng, mặt khác đã vạch trần lợi ích cá nhân mà đại biểu là “quân vương” -  kẻ thống trị tối cao. “Ngọn đuốc” của “quân vương” chỉ soi chiếu địa chủ thân hào, quyền quan đạt quý, mà không soi chiếu đến gian nhà trống trải của nông dân đã lưu lạc tha hương, tức phản ánh một cách khách quan trước giờ chỉ đại biểu cho lợi ích của bọn phú hào mà không thương xót đến nỗi đau của dân, ý nghĩ bất mãn tại ngôn ngoại, kì diệu ở chỗ vận dụng phản bút vạch trần sự hôn dung của hoàng đế, thế đạo bất công. “Ỷ la diên” và “đào vong ốc” cấu thành một cặp đối xứng rõ nét, phản ánh hiện thực xã hội về sự phân hoá hai cực với sự đối lập giai cấp gay gắt, tăng cường tính phê phán. Nó ám chỉ được một cách hình tượng nguyên nhân phá sản việc nhà nông bán lúa non, và từ “hai chữ “đào vong” đã điểm xuất kết quả tất nhiên là : 
          Đạn kì địa chi xuất, kiệt kì lư chi nhập, hào hô nhi chuyển tỉ, cơ khát nhi đốn bặc (1).
          殚其地之出, 竭其庐之入, 号呼而转徙, 饥渴而顿踣.
          (Lấy những gì đất đai sản xuất ra được đem nộp hết, lấy những gì trong nhà thu nhập được đem nộp hết (vậy mà tô thuế cũng không nộp đủ), đành than khóc kéo nhau bỏ đi, vừa đói vừa khát ngã quỵ trên đường)
Phi tử tắc tỉ nhĩ
非死则徙尔
(Nếu không chết thì cũng đã bỏ đi nơi khác)
                            (Liễu Tông Nguyên – Bộ xà giả thuyết 柳宗元 - 捕蛇者说)
Thể hiện sự đồng tình của tác giả đối với nhà nông, đồng thời tràn đầy sự châm biếm gay gắt việc “quân vương” không thương xót lê dân, khiến người đọc có thể thông qua hiện thực xã hội hắc ám, ngẫm ra được tên tội đồ chân chính của mâu thuẫn xã hội.
          Sở dĩ bài thơ được mọi người truyền tụng, trừ hiện thực hắc ám của xã hội phong kiến mà nó tái hiện lại mang tính chân thực và khái quát cao độ, phản ánh được cuộc sống thống khổ của nông dân, mang tính tư tưởng cao độ, nó còn có được kỉ xảo biểu hiện cao siêu.
          Đầu tiên, tỉ dụ hình tượng khái quát cao độ, khiến dung lượng của thi ca càng lớn, đối với hậu quả bi thảm mà nông dân bị bức vay nặng lãi, thi nhân không nói một cách minh bạch, mà dùng “oan khước tâm đầu nhục” nhằm “y đắc nhãn tiền sang” để tỉ dụ. Khoét thịt để vá vết thương, hoàn toàn không phải là kế sách trị độc căn bản, nó chỉ tạo nên cục diện mới trầm trọng hơn. Như vậy “khoét thịt để vá vết thương” để tỉ dụ nông dân lấy việc vay nặng lãi để cứu việc khẩn cấp như lửa cháy trước mắt là cực kì hình tượng và cũng có sức khái quát cao độ. Ví dụ này, một mặt khiến hình tượng thi ca có tính khả cảm, mặt khác cũng vạch ra được bản chất của vấn đề một cách sâu sắc, khiến hình thức hữu hạn dung nạp được nội dung xã hội sâu xa rộng lớn vô hạn.
          Thứ đến việc vận dụng thủ pháp so sánh rõ ràng đem sự sai biệt giai cấp giàu nghèo trong xã hội phong kiến miêu tả rõ nét như vẽ. “Bất chiếu ỷ la diên, chỉ chiếu đào vong ốc”, vốn là lời mong mỏi đối với “quân vương”, nhưng trong đó lại bao hàm ý vị so sánh song trùng. Từ giác độ “quân vương” mà nói, ân trạch không đều, chỉ biết đến nhà giàu, mà không thương xót người nghèo. Sự so sánh này, đã đem lập trường giai cấp của “quân vương” triển hiện một cách rõ ràng trước mặt độc giả: nhìn từ giác độ hiện thực xã hội, một mặt là quần áo hoa lệ yến tiệc sang trọng của bọn hào môn quyền quý, một mặt là nông dân không có cái ăn cái mặc, nghèo khổ phá sản phải lưu lạc tha phương. Sự so sánh này đã đem ác quả nghiêm trọng việc địa chủ cho vay nặng lãi bóc lột nông dân hiển hiện ra. Sự so sánh hình tượng như thế cũng đã đem tình cảm yêu ghét rõ ràng của tác giả tô đậm một cách lâm li sâu sắc.
          Ngoài ra, ngôn ngữ bài thơ chất phác thông tục, tình cảm cũng chân thành cảm động, thể hiện tài vận dụng ngôn ngữ khéo léo, công lực tiết chế tình cảm  của Nhiếp Di Trung.  Hồ Chấn Hanh 胡震亨khi luận về Đường thi, cho rằng con người Nhiếp Di Trung “gột bỏ cực sạch cực tỉnh, bất giác tự thành nhất thể”, còn “thơ của Nhiếp Di Trung càng liên quan đến việc giáo hoá” (Đường âm quý giám 唐音癸鉴), từ bài thơ này có thể thấy được. Sở dĩ được như thế là  nó cùng với sự tinh luyện chất phác của ngôn ngữ và sự điển hình trong việc chọn đề tài tạo cảnh đã có mối quan hệ không thể tách rời.

Vài nét về tác giả
          Nhiếp Di Trung 聂夷中 (năm 837 – khoảng năm 884): thi nhân đời Đường, tự Thản Chi 坦之, người Hà Đông 河东 (nay là Vĩnh Tế 永济 Sơn Tây 山西), có thuyết cho là người Hà Nam 河南 (nay là Lạc Dương 洛阳Nam 河南). Ông xuất thân nghèo khó, đậu Tiến sĩ năm Hàm Thông 咸通 thứ 12 (năm 871). Một thời gian dài ở Trường An 长安, sau giữ chức Huyện uý ở Hoa Âm 华阴, con đường làm quan của ông không được đắc ý, cuối đời không biết ông ở đâu. Thơ ông đa phần là ngũ ngôn, sở trường về nhạc phủ, nội dung phản ánh hiện thực, đa phần nói lên cuộc sống thống khổ của nông dân, vạch trần sự xa xỉ của giai cấp thống trị phong kiến, ngôn ngữ chất phác không trau chuốt, rất cảm động lòng người. Trong Toàn Đường thi 全唐诗thu thập hơn 30 bài thơ của ông.

Chú của người dịch
1- Câu này trong nguyên tác là:
          Đạn kì địa chi xuất, kiệt kì lư chi nhập,  hô hào nhi chuyển tỉ, cơ khát nhi đốn bặc (1).
          殚其地之出, 竭其庐之入, 呼号而转徙, 饥渴而顿踣.
Và:
Phi tử nhi tỉ nhĩ
非死而徙尔
          Ở trên tôi theo bộ Cổ văn của Lưu Dự Am – Lã Cảnh Đoan, bản dịch của Hoàng Khôi (tập 3).

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 07/01/2018


Previous Post Next Post