Dịch thuật: Chữ "phần" trong Hán ngữ cổ

CHỮ “PHẦN” TRONG HÁN NGỮ CỔ

1- Đê lớn
          Thi kinh – Chu Nam – Nhữ phần 詩經 - 周南 - 汝墳 :
Tuân bỉ Nhữ phần
遵彼汝墳
(Thuận theo bờ đê sông Nhữ kia)
(Bản dịch của Tạ Quang Phát, Kinh Thi tập 1 trang 72)
2- Vùng đất cao ở giữa nước
          Sở từ - Cửu chương – Ai Dĩnh 楚辭 - 九章 - 哀郢:
Đăng đại phần dĩ viễn vọng hề
登大墳以遠望兮
(Lên gò lớn để nhìn ra xa)
3- Phần mộ (nghĩa hậu khởi)
          Trương Hành 張衡 Tư huyền phú 思玄賦:
Đổ Hữu Lê chi bĩ phần
覩有黎之圮墳
(Nhìn thấy phần mộ bị huỷ hoại của Hữu Lê)
(Hữu Lê 有黎tức Chúc Dung thị 祝融氏. Bĩ phần 圮墳 : phần mộ bị huỷ hoại.)
          Đỗ Phủ杜甫 - Biệt Phòng Thái uý mộ別房太尉墓:
Trú mã biệt cô phần
駐馬別孤墳
(Dừng ngựa từ biệt nấm mộ lẻ loi của Phòng Thái Uý)
5- Kinh điển, sách vở thời cổ.
          Tương truyền sách cổ nhất là “tam phần ngũ điển”
          Tả truyện – Chiêu Công thập nhị niên 左傳 - 昭公十二年 :
Thị năng độc tam phần ngũ điển bát sách cửu khâu (1).
是能讀三墳五典八索九丘.
(Có thể đọc tam phần ngũ điển bát sách cửu khâu)
          Cho nên thư tịch thời viễn cổ còn được gọi là “điển phần” 典墳, hoặc “phần tịch” 墳籍 .
          Lục Cơ陸機Văn phú文賦 :
Di tình chí ư điển phần
頤情志於典墳
(Lấy điển phần nuôi dưỡng tính tình và chí hướng)
          (Di tức “dưỡng” .)
          Tiêu Thống 蕭統  - Văn tuyển tự 文選序:
Khái kiến điển phần, bàng xuất tử sử.
概見典墳, 旁出子史.
(Đại khái đều đã thấy ở điển phần, hoặc từ chư tử và các trứ tác lịch sử)
Phân biệt “khâu”  “mộ” “phần” “trủng” :
          Về ý nghĩa phần mộ, 4 chữ này đồng nghĩa. “Khâu” và “mộ” thông dụng và thường đi với nhau. Điều cần phân biệt là, bằng phẳng là mộ, vun cao là khâu. “Phần” cũng là mộ, nhưng là nghĩa hậu khởi. Sự phân biệt giữa “phần” và “mộ” cũng là cao và bằng phẳng, cho nên trong Lễ Kí -  Đàn Cung 禮記 - 檀弓 có nói:
Cổ giả mộ nhi bất phần
古者墓而不墳
(Thời cổ đắp mộ nhưng không vun cao).
          “Trủng” là đại phần. Bài Khúc Giang 曲江 của Đỗ Phủ  杜甫 có câu:
Uyển biên cao trủng ngoạ kì lân
苑邊高冢臥麒麟
(Trước ngôi mộ cao bên vườn, kì lân đá hãy còn nằm)
          “Khâu” là đại trủng, cho nên mộ của Triệu Vũ Linh Vương 趙武靈王 gọi là “Linh khâu” 靈丘, mộ của Ngô Vương Hạp Lư 吳王闔閭 gọi là “Hổ khâu” 虎丘 .

Chú của người dịch
1- Tam phần ngũ điển bát sách cửu khâu 三墳五典八索九丘:
          Đỗ Dự 杜預 chú rằng:
Giai cổ thư danh
皆古书名
(Đều là tên các sách cổ)
          Và trong Thượng thư tự 尚书序 có nói:
          Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế chi thư, vị chi “tam phần”, ngôn đại đạo dã. Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân (Khốc), Đường Nghiêu, Ngu Thuấn chi thư vị chi “ngũ điển”.
          伏羲, 神农, 黄帝之书谓之三坟, 言大道也. 少昊, 顓頊, 高辛 ()唐尧, 虞舜之书谓之 五典.
          (Sách của Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế gọi là “tam phần”, ý nói đạo lớn. Sách của Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân (Khốc), Đường Nghiêu, Ngu Thuấn gọi là “ngũ điển”.
          Trịnh Huyền 郑玄  nói rằng:
          Tam phần ngũ điển chính là “sách của Tam Hoàng Ngũ Đế”, nhân đó, “tam phần” chính là “sách của Tam Hoàng”, “ngũ điển” là nói sách của Ngũ Đế. Còn như “bát sách” và “cửu khâu” là chỉ “bát quái” và “cửu châu chi chí”, có thuyết cho là “hà đồ” “lạc thư”.
          Theo https://baike.baidu.com/item

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 19/11/2017

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 4)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post