Dịch thuật: Truyền thuyết Kê Quan sơn

TRUYỀN THUYẾT KÊ QUAN SƠN

          Phía trước cổng chính của tị thử sơn trang Thừa Đức 承德 có một bức tường màu đỏ. Truyền thuyết kể rằng, mọi người lấy chân giậm giậm trước bức tường, sau đó áp tai vào tường sẽ có thể nghe mấy tiếng “chích, chích, chích” vang lên từ trong bức tường. Sớm tối vào những lúc yên tĩnh, tiếng kêu này càng rõ hơn, cách mười mấy bước cũng có thể nghe được. Bức tường đỏ này sao lại có thể phát ra tiếng gà kêu như thế? Người địa phương nói rằng đó là tiếng kêu của kim kê ở Kê Quan sơn 鸡冠山. Kê Quan sơn cách tị thử sơn trang 20 cây số về phía nam. Từ xa mà nhìn, núi này giống như thân của kim kê, trên đỉnh có 5 trụ đá thô sắc đỏ, đứng so le nhau, cấu thành tư thế hùng tráng của chiếc mào gà.
          Nói đến Kê Quan sơn, liên quan đến một truyền thuyết thần kì:
          200 năm trước, dưới chân Kê Quan sơn có một lão hán, mỗi tối ông đều nghe tiếng gà kêu “chích chích”, nhưng đến sáng lại không thấy gà xuất hiện. Lão hán cảm thấy rất kì lạ, một buổi tối nọ dưới  ánh trăng, ông theo tiếng kêu lần đi tìm, đột nhiên trước một hang động nhỏ, ông phát hiện một con gà mẹ với sắc lông vàng óng đang dẫn đàn con vui vẻ đi tìm thức ăn. Lão hán nhìn thấy bầy gà đáng yêu, vô cùng vui mừng. Ông cũng không làm kinh động chúng, hàng ngày ông bớt chút gạo đem đến trước động cho gà ăn. Ngày tháng qua đi, bầy gà và lão hán trở thành bạn thân. Ngày nọ, có một người khách đến ở nhà lão hán. Đương lúc bấy giờ triều đình hạ lệnh, cần người đến Nhiệt hà 热河tu sửa hành cung cho hoàng đế. Lão hán trước khi đi đã nhờ người khách nọ cho bầy gà ăn, đồng thời căn dặn không làm kinh động chúng. Nào ngờ người khách nọ là một kẻ tiểu nhân tham lam vô độ. Khi cho gà ăn, y phát hiện bầy gà đó không phải là là bình thường mà là một bầy kim kê. Y nhìn thấy cái lợi trước mắt, lòng tham trổi dậy quên sạch những lời lão hán đã căn dặn. Một buổi tối nọ, y lén núp bên cạnh sơn động, khi gà mẹ dẫn đàn con ra khỏi động kiếm ăn, y nhảy đến chỗ gà mẹ. Đàn gà con kinh sợ vội chạy vào trong động, chỉ có gà mẹ không kịp vào, đã lấy hết sức chạy một hơi đến bức tường đỏ phía trước cổng chính ở của hành cung Nhiệt Hà. Lão hán đang xây tường, bỗng nhiên thấy gà mẹ kinh hãi bay đến, biết rằng nó nhất định gặp phải việc bất hạnh, bèn lập tức bảo vệ gà mẹ.
          Từ đó, kim kê ở trong bức tường đỏ kêu “chích chích chích”, hô ứng với tiếng đập gạch xây tường của lão hán. Hiện nay nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến du lãm tị thử sơn trang, luôn muốn được nghe tiếng kêu của kim kê trong bức tường đỏ, giống như hồi âm tại Thiên đàn 天坛ở Bắc Kinh, tiếng kêu đó đã làm tăng thêm sắc thái thần bí của li cung này.
          Còn như thạch động ở Kê Quan sơn, mọi người gọi nó là “Kim Kê oa” 金鸡窝. Trong sơn cốc phía nam và phía đông bắc của Kê Quan sơn, mỗi nơi có một trụ sắc đỏ nhạt cao hơn 60m, mọi người nói rằng đó là chân của gà.  Thân to lớn, mồng đỏ tươi, 2 chân thắng và chắc chắn, hình tượng kim kê triển hiện linh hoạt trước mặt mọi người. Mỗi khi trăng sáng từ trên cao chiếu xuống, bóng của Kê Quan sơn hiện rõ lên đồng ruộng sơn trang cách 20 dặm dưới núi, tạo thành bức tranh hùng vĩ tráng quan “kê quan quải nguyệt tam thiên trượng” 鸡冠挂月三千丈, mang lại sức tưởng tượng phong phú của con người.
         
                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 10/8/2017

Nguyên tác Trung văn
KÊ QUAN SƠN ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
鸡冠山的传说
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post