Dịch thuật: Bội nghĩa chi nhẫn (Nhẫn kinh)



背义之忍
古之义士, 虽死不避, 栾布哭彭, 郭亮丧李
                                     (忍经)

BỘI NGHĨA CHI NHẪN
          Cổ chi nghĩa sĩ, tuy tử bất tị, Loan Bố khốc Bành, Quách Lượng táng Lí.
                                                                                              (Nhẫn kinh)

BỘI NGHĨA CHI NHẪN
          Nghĩa sĩ thời cổ, tuy đối mặt với cái chết họ vẫn không né tránh, Loan Bố khóc tế Bành Việt, Quách Lượng mai táng Lí Cố.

Chú của nguyên tác
          Loan Bố 栾布 thời Tây Hán, người đất Lương . Lúc nhỏ giao du với Bành Việt 彭越. Về sau Loan Bố bị người ta bắt làm nô lệ đem bán cho người nước Yên.  Nhà Hán tấn công nước Yên, cướp Loan Bố về lại. Lương Vương Bành Việt chuộc Loan Bố, phong Loan Bố làm Đại phu. Sau, Hán Cao Tổ giết Bành Việt, tru diệt 3 họ. Đem đầu Bành Việt treo dưới thành Lạc Dương 洛阳, đồng thời hạ chiếu sẽ bắt ai thu nhặt đầu của Bành Việt. Đương thời, một mình Loan Bố đến dưới đầu của Bành Việt cúng tế đồng thời khóc lớn. Quan binh bắt Loan Bố, báo cáo lên hoàng đế, chuẩn bị đem giết. Loan Bố nói rằng:
          - Xin cho nói một lời rồi chết.
          Nói rằng:
          - Khi ngài ở vào lúc khốn cùng, nếu Lương Vương ngã về nước Sở, thế thì triều Hán sẽ bị công phá, nếu nghiêng về Hán, nước Sở sẽ bị công phá. Hiện thiên hạ đã yên định, phong không ít Vương, muốn đem con cháu trong thiên hạ truyền lại. Nay ngài nhân vì chỉ một lần cho mời nhưng ông ta không đến bèn giết đi, tôi e rằng các công thần sẽ lo sợ không yên. Hiện Bành Vương đã  chết, tôi sống cũng chẳng bằng chết, các ông giết tôi đi.
          Hoàng đế cảm thấy đây là một nghĩa sĩ, bèn tha, đồng thời giao ông giữ chức Đô uý. Thời Hiếu Văn Đế, Loan Bố giữ chức Tướng quốc nước Yên.
          Lí Cố 李固 thời Đông Hán, tự Tử Kiên 子坚 là người Nam Quận 南郡 ở Hán Trung 汉中. Ông tướng mạo kì vĩ, lúc niên thiếu vô cùng hiếu học. Thời Hán Hoàn Đế giữ chức Thái uý. Đương thời Đại tướng quân Lương Kí 梁冀 chuyên quyền, ngày càng hung bạo. Lí Cố dâng tấu thư xin ức chế ông ta, vì thế Lí Cố bị Lương Kí căm hận. Sau Lương Kí vu Lí Cố câu thông với Lưu Văn 刘文 muốn lập Thanh Hà Vương Lưu Toán 刘蒜 làm hoàng đế, Lí Cố bị bắt giam vào ngục. Nhiều học trò của ông như Vương Điều 王调, Triệu Vĩnh 赵永 đến triều đình kêu oan, thái hậu hạ chiếu xá miễn cho ông. Sau Lương Kí lại vu hại, một lần nữa bắt ông. Lí Cố và Đỗ Kiều 杜乔 cùng bị chết trong ngục. Lương Kí đem thi thể của Lí Cố và Đỗ Kiều bỏ ngoài trời, đồng thời hạ lệnh nếu ai dám đến xem sẽ bắt tội. Học trò của Lí Cố là Quách Lượng 郭亮, chưa đến 20 tuổi, tay trái cầm chương việt, tay phải cầm dùi sắt đến triều đình dâng tấu thư, thỉnh cầu thu nhận thi thể Lí Cố, nhưng không ai thông báo, bèn cùng Đổng Ban 董班 đến khóc truy điệu Lí Cố. Quách Lượng lại cùng với liêu thuộc của Đỗ Kiều trước đây là Dương Khuông 杨匡 dâng tấu thư yêu cầu được thu nhận thi thể của hai người. Thái hậu đồng ý. Họ liền đem thi thể của hai người về mai táng. Mấy người đó với Quách Lượng đều ẩn dật, suốt đời không ra làm quan.

Yếu nghĩa
          Nghĩa sĩ thời cổ vì nghĩa khí, tuy đối mặt với cái chết họ vẫn không né tránh. Loan Bố chịu hậu ân của Bành Việt, sau khi Bành Việt bị giết, ông xông vào chỗ chết khóc Bành Việt; Quách Lượng, học trò của Lí Cố, sau khi Lí Cố bị chết trong ngục, khi Lương Kí đem thi thể Lí Cố ra thị chúng, Quách Lượng dâng tấu thư yêu cầu được thu nhận thi thể Lí Cố. Nghĩa cử của họ được người đời khen ngợi. Những người vong ân bội nghĩa, là hạng người không ai đếm xỉa đến.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 29/6/2017

Nguồn        
ĐẠO ĐỨC KINH
道德经
(Xuân Thu)  Lí Nhĩ 李耳
Bắc Kinh Yên Sơn xuất bản xã
Previous Post Next Post