Dịch thuật: Người đọc nhiều sách nhất thời cổ Trung Quốc là ai (tiếp theo)

NGƯỜI ĐỌC NHIỀU SÁCH NHẤT THỜI CỔ TRUNG QUỐC LÀ AI
(tiếp theo)

          Năm 1698, hoàng đế Khang Hi tuần thị Thịnh Kinh 盛京 (nay là Thẩm Dương 瀋陽), Trần Mộng Lôi dâng thơ lên, hợp ý hoàng đế nên được ngợi khen, liền cho triệu về lại kinh sư. Năm sau, được nhậm mệnh Thi thần, hầu hạ việc học cho hoàng tử thứ 3 là Thành Thân Vương Dận Chỉ 誠親王胤祉, người mà Khang Hi rất yêu quý. Trần Mộng Lôi làm tròn chức trách, rất được lòng Dận Chỉ. Khang Hi cũng rất hài lòng về công việc của ông, ban cho ông nhà ở, đồng thời đích thân viết cặp đối tặng:
Tùng cao chi diệp mậu
Hạc lão vũ mao tân
松高枝葉茂
鶴老羽毛新
Tùng càng cao, cành lá càng tươi tốt
Hạc càng già, lông cánh càng thêm đẹp
          Trần Mộng Lôi vô cùng cảm động, bèn đem thư trai của mình đổi tên thành “Tùng Hạc sơn phòng” 松鶴山房, tự xưng là “Tùng Hạc Lão Nhân” 松鶴老人. Lúc bấy giờ ông cảm nhận loại sách “tường ư chính điển, vị cập trùng ngư thảo mộc chi vi” 詳於政典, 未及蟲魚草木之微 (kĩ về chế độ điển chương, nhưng chưa đề cập đến các loại trùng ngư thảo mộc), “đản tư từ tảo, vị cập thiên đức ngũ đạo chi đại” 但資詞藻, 未及天德五道之大 (chỉ biết làm đẹp câu chữ, chứ chưa nghĩ đến cái lớn lao của thiên đức ngũ đạo). Vì thế ông quyết tâm biên soạn một bộ loại thư với quy mô to lớn “đại tiểu nhất quán, thượng hạ cổ kim, loại biệt bộ phận, hữu cương hữu kỉ, lặc thành nhất thư” 大小一貫, 上下古今, 類別部分, 有綱有紀, 勒成一書 (lớn nhỏ nhất quán, trên dưới xưa nay, phân thành bộ phận, có cương có kỉ, soạn thành bộ sách), để mà “đại quang thánh triều chi trị” 大光聖朝之治 (làm sáng tỏ sự thịnh trị của thánh triều).
          Ý tưởng này đã được sự ủng hộ to lớn của Dận Chỉ, đặc biệt cấp cho tàng thư “Hiệp Nhất Đường” 協一堂, lại mua cho ông “một căn lầu” phía bắc thành, còn thuê người giúp ông sao chép. Nhìn chung Dận Chỉ đã cung cấp cho Trần Mộng Lôi điều kiện và môi trường thuận lợi để ông làm việc.
          Trần Mộng Lôi chuyên tâm nhất trí, bắt đầu công trình vĩ đại, ông căn cứ vào tàng thư ở “Hiệp Nhất Đường” và kinh, sử, tử, tập được lưu giữ ở nhà riêng của mình hơn 15.000 quyển, tiến hành phân loại biên tập, trải qua 5 năm lao động gian khổ “mắt xem tay kiểm, không kể đêm ngày”, đến tháng 5 năm Khang Hi thứ 44 (năm 1705), bộ loại thư đồ sộ Cổ kim đồ thư tập thành hoàn thành. Toàn sách 10.000 quyển, mục lục 40 quyển, với hơn 160.000.000 chữ. Toàn sách phân làm 6 biên: lịch tượng, phương dư, minh luận, bác vật, lí học, kinh tế, mỗi biên phân làm một số điển, tổng cộng 36 điển, mỗi điển lại phân làm một số bộ, tổng cộng 6109 bộ.
          Nhưng Trần Mộng Lôi số khổ lại gặp phải ách nạn một lần nữa, hoạ nổi lên từ việc đấu tranh nội bộ của hoàng tộc. Năm 1722, Khang Hi giá băng, người con thứ 4 là Dận Chân 胤禛 (tức Ung Chính 雍正) kế vị, lập tức ra tay tàn bạo sát hại anh em mình. Người con thứ 3 Dận Chỉ dưới sự giúp đỡ của Trần Mộng Lôi, bác học đa tài, là trợ thủ đắc lực của Khang Hi. Khi Khang Hi chinh phạt Cát Nhĩ Đan 葛爾丹, Dận Chân lãnh đại doanh tương hồng kì 鑲紅旗. Năm 21 tuổi được phong làm Thành Quận Vương 誠郡王, 32 tuổi được tấn phong Thành Thân Vương 誠親王, bị Ung Chính căm ghét. Sau khi Ung Chính đăng cơ bèn ra tay, trước tiên lệnh cho Dận Chỉ trông giữ lăng mộ phụ thân là Cảnh lăng 景陵. Năm 1730, Ung Chính lại đoạt lấy tước vị của Dận Chỉ, đồng thời cho giam vào ngục, hai năm sau Dận Chỉ ôm hận mà qua đời trong ngục.
          Cổng thành bị cháy, hoạ lửa lan đến ao cá. Thân phận làm thầy của Dận Chi, Trần Mộng Lôi đương nhiên cũng không thoát khỏi ách nạn. Tháng 1 năm 1723, Trần Mộng Lôi và hai người con một lần nữa bị đày đến Hắc Long Giang 黑龍江. Lúc bấy giờ ông đã là ông lão 72 tuổi, nhưng ông vẫn ngoan cường chịu 18 năm gian khổ nơi biên tái, nếm trải hết nỗi thống khổ chốn nhân gian, cuối cùng vào năm 1741 ông qua đời, hưởng thọ 91 tuổi.
          Để thanh trừ ảnh hưởng của Trần Mộng Lôi trong xã hội, Ung Chính hạ lệnh Thượng thư bộ Hộ Tưởng Đình Tích 蔣廷錫 biên hiệu lại bộ Cổ kim đồ thư tập thành, xoá bỏ tên Trần Mộng Lôi, thay vào đó là Tưởng Đình Tích. Trần Mộng Lôi một đời bị hai lần xoá bỏ tên, đối xử bất công, khiến người đời thương xót không thôi, đau buồn cho ông một đời gặp phải nhiều tai nạn.
          Tên của Trần Mộng Lôi bị xoá bỏ hoàn toàn là do mệnh lệnh của Ung Chính, riêng Tưởng Đình Tích trước sau chưa hề tự cho mình là “chủ biên”, trong một đời trứ tác có thái độ chính trực đối với bộ sách này khiến người ta tán thưởng. Năm Ung Chính thứ 4 (năm 1726), trứ tác đồ sộ này lần đầu tiên được in 64 bộ bằng cách xếp chữ đồng rời, được gọi là Khâm định cổ kim đồ thư tập thành 欽定古今圖書集成. Do bởi in với số lượng ít, nhìn chung độc giả căn bản không cách nào thấy được. Mãi đến cuối triều Thanh, mới bắt đầu xuất hiện bản in chụp và bản in ti pô.
          Nhưng lịch sử không thể soán cải, trong khoảng thời gian mấy trăm năm thành sách đến nay, mọi người luôn cho rằng tác giả của bộ Cổ kim đồ thư tập thành là Trần Mộng Lôi. Văn nhân học giả đề cập Trần Mộng Lôi không ai là không tôn kính.
          Sau khi Cổ kim đồ thư tập thành xuất bản, đã nhận được sự đánh giá cao của các giới. Trương Đình Ngọc 張庭廷玉 đời Thanh nói rằng:
          - Từ lúc có thư khế đến nay, một quyển mà quán xuyến cả cổ kim, bao la vạn tượng, chưa có quyển nào như “Cổ kim đồ thư tập thành” của triều ta.
          Học giả nước ngoài cũng tán thưởng cho đó là “Khang Hi bách khoa toàn thư”. Ngay cả Ung Chính, người có thiên kiến chính trị với Trần Mộng Lôi, cũng khen bộ sách này là “quán xuyên cổ kim, hối hợp kinh sử” 貫穿古今, 匯合經史, “sơn xuyên thảo mộc, bách công chế tạo, hải tây bí  pháp” 山川草木, 百工製造, 海西祕法không gì là không có. Khang Hữu Vi 康有為 rất tôn sùng, cho rằng “hết thảy người học không thể thiếu sách công cụ này”.
          Cổ kim đồ thư tập thành được xưng là “Cổ đại bách khoa toàn thư” 古代百科全書, nó cùng với Vĩnh Lạc đại điển 永樂大典, Tứ khố toàn thư 四庫全書 được xem là 3 bộ cự tác của hoàng gia cổ đại Trung Quốc.
          So với Cổ kim đồ thư tập thành, bộ Vĩnh Lạc đại điển thành sách vào triều Minh thuộc loại thư 類書, nhưng đã bị tiêu huỷ do bởi chiến loạn liên quân 8 nước, hiện tồn chưa đến 4/100; còn bộ Tứ khố toàn thư thành sách vào khoảng thời Càn Long nhà Thanh thuộc tùng thư 叢書; bộ Cổ kim đồ thư tập thành thành sách vào khoảng thời Ung Chính nhà Thanh, do có thư viện nhà nước đến nay bảo tồn tốt bản in nội phủ Ung Chính bản, trở thành bộ loại thư với quy mô lớn nhất hiện tồn và cũng được bảo quản hoàn chỉnh nhất. Được xem là “đứng đầu loại thư”, Cổ kim đồ thư tập thành cũng là bộ kì tác trên thế giới mà không bộ nào sánh bằng.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 08/5/2017

Nguồn
ĐẠI THANH VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH NA TA BÍ SỬ THÚ VĂN
大清王朝的那些秘史趣聞
Tác giả: Lưu Kế Hưng 劉繼興
Tinh Quán xuất bản hữu hạn công ti, 2016
Previous Post Next Post