Dịch thuật: Tô Tần (tiếp theo)

TÔ TẦN
(tiếp theo)

          Lúc bầy giờ Yên Văn Công 燕文公vừa mới qua đời, Dị Vương易王 lên ngôi, Tề Tuyên Vương 齐宣王 thừa cơ công chiếm 10 thành của nước Yên. Sau khi Tô Tần vào Yên, Dị Vương cho rằng năm xưa phụ thân ủng hộ Tô Tần đến Triệu, đồng thời du thuyết các nước hợp tung đối phó với Tần, cuối cùng sự việc không thành, nay ngược lại khiến nước Yên mất đi 10 thành, nên để Tô Tần đến Tề đòi lại 10 thành.  Tô Tần một lần nữa đến Tề, thuyết phục Tề Tuyên Vương trả lại 10 thành. Sau khi về lại Yên, Tô Tần lại thành khẩn hướng đến Dị Vương bộc bạch tấm lòng tận lực tận tâm của mình đối với nước Yên, dần trở thành tâm phúc của Dị Vương.
          Chẳng bao lâu, Tô Tần tư thông với phu nhân của Yên Văn Công đang thủ tiết. Dị Vương biết được, chưa khép tội, nhưng Tô Tần trong lòng bất an, sợ sớm muộn gì cũng bị giết, nên thỉnh cầu đến Tề hoạt động phản gián. Để đề phòng nước Tề tấn công nước Yên, lập công cho nước Yên, Dị Vương đáp ứng. Tô Tần liền giả trang đắc tội với Yên Vương, trốn sang nước Tề.
          Mấy năm sau, Tô Tần được Tề Tuyên Vương bái làm khách khanh. Tuyên Vương bệnh và qua đời, Mẫn Vương 湣王 lên ngôi. Tô Tần khuyên Mẫn Vương hậu táng Tuyên Vương, lại cho xây cất cung thất cao lớn và hoa viên hoa lệ, làm tiêu hao tài lực của nước Tề. Mẫn Vương nhân đó càng tín nhiệm Tô Tần. Đại thần nước Tề ghen ghét Tô Tần, từng mua chuộc thích khách giết ông ta. Thích khách tại hiện trường đào tẩu, Mẫn Vương ra lệnh truy bắt thích khách.
          Năm 293 trước công nguyên, nhằm làm tiêu hao lực lượng nước Tề, Tô Tần khuyên Tề Mẫn Vương xuất binh tấn công nước Tống, khiến nước Tề nhân đó mà bận rộn đối phó với Tống, Sở mà không có thời giờ nhòm ngó đến nước Yên. Vì để báo mối thù năm nào (nước Tề từng thừa lúc nước Yên loạn đã cử binh tấn công nước Yên), nước Yên đã chuẩn bị tấn công nước Tề. Tề Mẫn Vương lúc bấy giờ lại cho Tô Tần một lòng tận trung với Tề. Năm 289 trước công nguyên bái Tô Tần làm Tướng quốc.
          Năm sau, Tướng quốc nước Tần là Nguỵ Nhiễm 魏冉 đến Tề, kiến nghị Tần Tề liên hiệp, mỗi nước tự xưng đế, lấy Tần Chiêu Vương 秦昭王 làm Tây Đế, Tề Mẫn Vương làm Đông Đế, hẹn hai nước cùng khởi binh diệt Triệu, phân chia đất đai của Triệu. Tô Tần cực lực khuyên Tề Mẫn Vương thủ tiêu đế hiệu, liên hiệp với các nước để chống lại Tần. Tề Mẫn Vương nghe theo. Chẳng  bao lâu, Tần Chiêu Vương cũng bị bức thủ tiêu đế hiệu, Tần Tề liên hiệp bị phá vỡ. Tiếp đó, Tô Tần lại cùng Tướng quốc nước Triệu là Lí Đoái 李兑, thuyết phục 5 nước  Triệu, Sở, Nguỵ, Hàn, Tề liên hiệp công Tần, bức nước Tần đem một bộ phận đất đai đã chiếm trả về lại cho hai nước Triệu, Nguỵ.
          Năm 284 trước công nguyên, Yên Chiêu Vương 燕昭王 sai Đại tướng Nhạc Nghị 乐毅 dẫn binh, liên hiệp với Tần, Triệu, Nguỵ, Hàn tấn công nước Tề. Lúc bấy giờ, Tề Mẫn Vương mới phát giác Tô Tần hoạt động phản gián cho Yên Vương, nên vô cùng tức giận, đem Tô Tần cho xe ngựa phanh thây.
          Tô Tần là Tung hoành gia nổi tiếng thời Chiến Quốc, viết rất nhiều thư từ mang tính chính luận. Trong Hán Thư – Nghệ Văn Chí汉书 - 艺文志 từng trứ lục 31 thiên Tần Tử 秦子 , đáng tiếc đã mất từ lâu. Trong Chiến Quốc Sách战国策 còn tồn 16 thiên du thuyết từ và thư tín của ông.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 07/01/2017

Nguyên tác Trung văn
TÔ TẦN
苏秦
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post