Dịch thuật: Quảng Châu vì sao được gọi là "Dương Thành"

QUẢNG CHÂU VÌ SAO ĐƯỢC GỌI LÀ “DƯƠNG THÀNH”

          Quảng Châu 广州 vốn được xưng là “thành phố hoa viên quốc tế”, nằm gần đường Hồi quy (1), nhiệt độ trung bình hàng năm sai lệch rất ít. Quảng Châu khí hậu bốn mùa khí mát mẻ, trăm hoa đua nở, nhân đó mà có mĩ xưng là “Hoa Thành” 花成, nhưng Quảng Châu còn được mọi người gọi là “Dương Thành” , tên gọi này khiến nhiều người bỏ công tìm hiểu, Quảng Châu với kinh tế mậu dịch lẽ nào còn có chăn nuôi dê?
          Quảng Châu được gọi là “Dương Thành” đã có hơn 2000 năm lịch sử. Tương truyền vào thế kỉ thứ 9 trước công nguyên, Quảng Châu chỉ là một thành ấp nhỏ của Tây Chu, tên gọi là “Sở Đình” 楚庭. Cuối thời Tây Chu, vùng Quảng Châu liên tiếp bị tai hại, đất đai hoang phế, nông dân không có lấy một hạt gạo. Trời cao nghe thấy tiếng oán than của bách tính đầy đường, liền phái 5 vị tiên nhân cưỡi 5 con dê tiên ngũ sắc, đạp 5 đám mây lành xuống cứu. Tiên nhân làm phép, rảy nước cam lộ xuống nhân gian, mỗi con dê ngậm một bông lúa. Sau khi tiên nhân làm mưa đã đem 5 bông lúa ấy tặng cho nhân gian để mọi người vĩnh viễn không còn đói khát. Sau đó, 5 vị tiên nhân cưỡi mây mà đi, 5 con dê hoá thành đá lưu lại bên sườn núi ở Quảng Châu. Từ đó, Quảng Châu mưa thuận gió hoà, nhân dân cơm no áo ấm, trở thành nơi phì nhiêu sung túc của vùng Lĩnh Nam 岭南. Người dân có cuộc sống an lành, không quên ơn huệ của tiên nhân, họ đã xây dựng “Ngũ Tiên Quán” 五仙观 phụng thờ 5 vị tiên nhân, Quảng Châu cũng từ đó có những tên gọi khác là “Dương Thành” 羊城, “Ngũ Dương Thành” 五羊城, “Tuệ Thành” 穗城.
          Kì thực, đằng sau câu chuyện thần thoại này có một lịch sử: vào thời viễn cổ, khoảng 5000 năm trước, vùng Quảng Châu đã có người sinh sống, họ đánh cá làm ruộng. Theo sử sách ghi chép, cuối thời Tây Chu, thiên tai liên miên, chinh hầu không ngớt chinh phạt lẫn nahu, dân chúng vô cùng khổ sở. Nhân đó, bách tính của vùng trung nguyên bắt đầu dời đến phía nam, đó là cuộc thiên di lần đầu tiên với quy mô tương đối lớn trong lịch sử Trung Quốc. Vùng đất Quảng Châu lúc bấy giờ nằm ở khu vực tam giác Châu Giang 珠江, phía nam giáp biển, thêm vào đó lượng mưa dồi dào, khí hậu ôn hoà, đương nhiên là sự lựa chọn hàng đầu của bách tính khi dời xuống phía nam. Nhờ vào nguồn lợi gần biển, lại thêm đất đai phì nhiêu, người dân đến đây đã có một cuộc sống no cơm ấm áo. Thời Tần Hán, kinh tế Quảng Châu phồn vinh, theo đó mậu dịch đối ngoại hưng khởi, nó trở thành điểm khởi đầu của con đường tơ lụa trên biển.
          Về dê mà tiên nhân đã cưỡi, trong Thuyết Văn Giải Tự 说文解字 nói rằng:
Dương, tường dã
, 祥也.
(Dương là tường)
Đến nay vùng Quảng Châu vẫn còn nói câu:
Chủng khương dưỡng dương, bản thiểu lợi trường
种姜养羊, 本少利长
(Trồng gừng nuôi dê, vốn ít lời nhiều)
          Những tư liệu liên quan cho thấy, dê là động vật phương bắc, theo người dân dời xuống phương nam, đến phương nam họ bắt đầu nuôi nhốt. Truyền thuyết thần thoại “Ngũ dương hàm tuệ giáng ân trạch” 五羊衔穗降恩泽 (5 con dê ngậm bông lúa ban xuống ơn huệ) tuy mang sắc thái thần thoại, nhưng từ giác độ khác nó thể hiện được nguyện vọng có một cuộc sống tốt đẹp của mọi người, phản chiếu được tình huống lịch sử lúc bấy giờ.

Chú của người dịch
1- Đường Hồi quy: tức Hồi quy tuyến 回归线. Theo Từ điển Trung Việt của nhà xuất bản Khoa học xã hội, đường Hồi quy cách đường xích đạo của trái đất ở 23 độ 27 phút về phía bắc và 23 độ 27 phút về phía nam.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 11/11/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post