Dịch thuật: Nguồn gốc tam thập tam Quán Âm

NGUỒN GỐC TAM THẬP TAM QUÁN ÂM

          Thuận ứng theo nhu cầu của chúng sinh ở thế giới Sa Bà 娑婆, tại thời đại khác nhau, khu vực khác nhau, Quán Âm Bồ Tát sẽ hình thành một số hình tượng cố định. Nổi tiếng nhất là Dương Liễu Quán Âm tay cầm tịnh bình có nhành dương, dùng cam lộ rưới nhuận có thể cứu bệnh cứu khổ cho chúng sinh. Bạch y Quán Âm thân khoác trường bào màu trắng có thể bảo hộ bình an. Hình tượng Quán Âm như thế, không chỉ có 1 hoặc 2, tam thập tam Quán Âm lưu truyền chính là tập kết thân hình Quán Âm này.
          Hoá thân Quán Âm mà  gọi là “Tam thập tam Quán Âm” trong dân gian, đại bộ phận không có kinh điển để dựa theo, mà là nhân các loại sự tích cứu khổ cứu nạn linh nghiệm mà được mọi người yêu quý. Trong A Sa Phọc Sao 阿娑缚抄 có 28 Quán Âm, trong Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Kinh 千光眼观自在菩萨秘密经 có 25 hoá thân hoặc 40 Quán Âm, kinh điển Tây Tạng có 38 hoá thân v.v... cũng đều là những ghi chép về Quán Âm thị hiện.
          Nhu cầu trong xã hội hiện đại là thiên kì bách quái, không tai nạn nào là không có, nếu máy bay gặp nạn, cao ốc phát hoả v.v.. những tai nạn hiện đại, nhân lực đại nguyện của Quán Âm Bồ Tát, có lẽ sẽ xuất hiện biến thân thị hiện  siêu nhân cứu máy bay, cứu hoả, đến lúc đó biến thân của Quán Âm có thể không chỉ là 33.
         Ý nghĩa chân chính của hoá thân Quán Âm không phải ở chỗ rốt cuộc có bao nhiêu biến thân, mà là hiểu được nguyện lực Quán Âm, hiểu được pháp lực vô hạn. Mục đích của Quán Thế Âm là tìm đến chúng sinh, hướng đến chúng sinh thuyết pháp, để chúng sinh hiểu rõ như thế nào giải thoát luân hồi sinh tử, còn thần lực hoá thân chẳng qua là công cụ để hoàn thành sứ mệnh mà thôi.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 19/10/2016
                                                        (19/9 vía Quán Thế Âm xuất gia)

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post