Dịch thuật: Mĩ đức truyền thống (kì 2)

MĨ ĐỨC TRUYỀN THỐNG
(kì 2)

          Học thuyết đạo đức Trung Quốc đề xuất nhiều quy phạm đạo đức, nó có mối quan hệ mật thiết với những điều mà Khổng Tử đề xướng. Những quy phạm đạo đức này đã dược giảng hơn hai ngàn năm, ngày nay vẫn còn được tiếp tục. Hiện nay mặc dù lịch sử không còn tương đồng với thời Khổng Tử, nhưng chúng ta vẫn cần đề xướng tự trọng tự tôn; chỉ có tự trọng mới có thể được người khác tôn trọng. Nhưng vẫn có người không chịu nói về tự trọng, chỉ biết tư dục, thậm chí bước lên con đường phạm tội. Ngày nay vẫn còn cần phải giảng về kiệm phác, bất luận kinh tế phát triển như thế nào, mỗi người cũng đều cần phải biết trân quý tư liệu sinh hoạt và tư liệu sản xuất, không được hình thành phong khí lãng phí xa xỉ, điều này ở bất cứ thời đại nào cũng không thể bỏ đi được. Đương nhiên, chúng ta hôm nay nói về quy phạm đạo đức, cũng cần bổ sung thêm nội dung mới cho phù hợp với thời đại, không thể lấy toàn bộ những gì Khổng Tử đã nói, nhưng cũng không thể gạt bỏ toàn bộ. Việc bảo lưu đồng thời phát dương tinh hoa, thanh lí đồng thời bỏ đi những gì cặn bã, đến nay vẫn là một nhiệm vụ trọng yếu.
          Khổng Tử và Nho học đều đem phẩm cách đạo đức làm người đặt ở địa vị trọng yếu, cho rằng cá nhân xử lí sự tình không thể vi phạm nguyên tắc đạo nghĩa. Khổng Tử nói rằng:
Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã. Bần dữ tiện, thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất khứ dã. Quân tử khủ nhân, ô hồ thành danh? Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân , tháo thứ tất vu thị, điên bái tất vu thị.
富与贵, 是人之所欲, 不以其道得之, 不处也. 贫与贱, 是人之所恶也, 不以其道得之, 不去也. 君子去仁, 恶乎成名? 君子无终食之间违仁, 造次必于是, 颠沛必于是.
(Giàu và sang là thứ mà ai cũng muốn, nhưng chẳng phải đạo mà có được, thì người quân tử không màng tới. Nghèo và hèn là thứ mà ai cũng ghét, nhưng chẳng lỗi đạo mà bị, thì người quân tử cũng chẳng bỏ. Người quân tử mà bỏ đức nhân thì sao gọi là quân tử? Người quân tử ngay trong bữa ăn cũng không làm
Trái điều nhân, lúc vội vàng cũng ở đó (điều nhân), lúc khốn cùng cũng ở đó)
                                                   (Luận ngữ - Lí Nhân 论语 - 里仁)
          Khổng Tử cho rằng, đối với người mà nói, bất luận trong tình huống nào cũng đều không thể quên đạo nghĩa, nhất là lúc cùng khổ lưu lạc càng không thể vất bỏ đạo nghĩa. Truy cầu giàu sang là đặc tính chung của con người, nhưng cần phải có hạn chế, hạn chế này chính là đạo nghĩa. Giàu sang mà hợp với đạo nghĩa thì có thể lấy, nếu không hợp với đạo nghĩa thì nhất quyết không màng. Con người vì đạo nghĩa mà sống, không phải vì giàu sang mà sống, như vậy mới có giá trị nhân sinh. Chính từ ý nghĩa này, Khổng Tử mới nói:
Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi.
君子喻于义, 小人喻于利
(Quân tử hiểu rõ về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về điều lợi)
                                                   (Luận ngữ - Lí Nhân 论语 - 里仁)
          Theo bản ý của Khổng Tử, nghĩa lợi thống nhất có thể lấy, chỉ có lợi mà không có nghĩa thì người quân tử không làm. Kì thực Khổng Tử không hề phản đối đất nước giàu có và bách tính giàu có. Khổng Tử đến nước Vệ, nói rằng:
Thứ hĩ tai!
庶矣哉!
(Người đông thay!)
Nhiễm Hữu 冉有 đánh xe cho Khổng Tử mới hỏi rằng:
Người đã đông rồi, tiếp theo là làm gì nữa?
Khổng tử đáp:
Phú chi
富之
(Làm cho dân giàu lên)
Nhiễm Hữu lại hỏi:
Bách tính đã giàu có rồi, tiếp theo là phải làm gì?
Khổng Tử đáp:
Giáo chi
教之
(Giáo dục họ, để họ có tri thức văn hoá)
(xem Luận ngữ - Tử Lộ 论语 - 子路)
          Theo những phân tích ở trên, có thể thấy “nhân” mà Khổng Tử đề xuất thực tế là tổng xưng các loại mĩ đức, cũng tức là tiêu chuẩn giá trị con người. Tiêu chuẩn giá trị này, có lúc Khổng Tử gọi là “đạo”. Khổng Tử từng nói rằng:
Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân.
人能弘道, 非道弘人
(Con người có thể làm cho đạo rộng lớn, chứ đạo không thể làm cho con người rộng lớn được)
(Luận ngữ - Vệ Linh Công论语 - 卫灵公)
Nói rõ con người là chủ thể, con người có năng lực nhận biết và hoằng dương chân lí. Chỉ có như thế, con người mới xem “đạo” mà mình truy cầu là mục đích tồn tại của tự thân, còn “đạo” không phải là thứ dễ dàng có thể được con người nhận biết, chỉ có chăm chăm học tập và tìm tòi, mới có thể phát hiện và thể nghiệm chân lí. Từ ý nghĩa này mà nói, “đạo” còn quý hơn sinh mệnh con người. Sinh mệnh con người có hạn, còn đạo thì lại vĩnh hằng. Vì thế Khổng Tử than rằng:
Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ.
朝闻道, 夕死可矣.
(Sáng nghe được đạo, chiều có chết cũng không ân hận)
(Luận ngữ - Lí Nhân 论语 - 里仁)
          Con người phát hiện hoặc thể nghiệm chân lí mới có thể gọi là người nhân. Người nhân vượt qua bản năng con người, là người có lí tưởng cao thượng, có sự tu dưỡng đạo đức thâm hậu. Con người như thế, khi lí tưởng và sinh mệnh phát sinh xung đột, cả hai không thể kiêm gồm, thì anh ta không do dự hi sinh sinh mệnh cá nhân, giữ nguyên tắc đạo nghĩa. Đối với vấn đề này, Khổng Tử có nói một câu mang tính triết lí:
Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân (1), hữu sát thân dĩ thành nhân.
志士仁人, 无求生以害仁 (1), 有杀身以成仁.
(Kẻ sĩ có chí, người có lòng nhân, không cầu sống nhưng hại tới điều nhân, mà có thể hi sinh mạng sống của mình để hoàn thành điều nhân)
(Luận ngữ - Vệ Linh Công论语 - 卫灵公)
          Trong diễn biến lịch sử lâu dài, sinh tử quan như thế dần tạo nên tín niệm cộng đồng của “chí sĩ nhân nhân” của dân tộc Trung Hoa, là động lực tinh thành để dân tộc không ngừng tiến lên và phát triển.
          Với giáo dục đạo đức của Trung Quốc, Khổng Tử là người có công khai sáng. Về sau nhiều nhà tư tưởng, nhà giáo dục đều nhận thức được rằng, muốn tiến lên văn minh cần phải nâng cao đạo đức và trí tuệ của nhân dân. Gần đây, nhà giáo dục nổi tiếng Thái Nguyên Bồi 蔡元培 từng nói rằng:
          Đức dục là gốc của nhân cách, nếu không có đức, thì tuy thể phách trí tuệ phát triển cũng chỉ thích hợp trợ giúp cho điều ác, chẳng có ích lợi gì.
                         (Thái Nguyên Bồi niên phổ蔡元培 年谱, trang 36)
Dân tộc Trung Hoa có mĩ đức truyền thống riêng của mình, như khí tiết dân tộc, tôn sư kính lão, cứu giúp người tàn tật neo đơn, di phong dịch tục ... Kế thừa truyền thống mĩ đức, đó là công trình xây dựng văn minh tinh thần trọng yếu.
          Dân tộc Trung Hoa sở dĩ khác với người Hi Lạp cổ, người Ấn Độ và các dân tộc khác trên thế giới, điều đó có mối liên quan rất lớn đến tố chất tâm lí hình thành từ mấy ngàn năm nay. Trong “tố chất tâm lí cộng đồng”, có vấn đề khí tiết dân tộc. Trong lịch sử nhân loại, dân tộc Trung Hoa đã nhiều lần phục hưng, sản sinh nhiều anh hùng dân tộc, có liên quan đến khí tiết dân tộc. Khí tiết dân tộc mà chúng ta nói đến, chính là bảo vệ sự  tôn nghiêm và giữ vững chính khí độc lập. Đặc biệt như “hạo nhiên chi khí” 浩然之气 mà Mạnh Tử 孟子 đề xướng, đối với sự kiên trì khí tiết của nhiều anh hùng dân tộc đời sau có tác dụng khích lệ rất lớn. Văn Thiên Tường 文天祥, anh hùng dân tộc thời Nam Tống mặc dù giam trong ngục nhưng trước sau luôn bất khuất. Nhạc Phi 岳飞 anh dũng kháng Kim ... đều biểu hiện khí khái anh hùng và cao phong lượng tiết của dân tộc Trung Hoa.  (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Trong nguyên tác, ở đây là chữ . Tôi theo Tứ thư (ngôn văn đối chiếu) của Hương Cảng Quảng Trí thư cục xuất bản sữa thành .

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 09/7/2016

Nguồn
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post