Dịch thuật: Nguỵ Hiếu Văn Đế cải cách

NGUỴ HIẾU VĂN ĐẾ CẢI CÁCH

          Năm 490, Phùng thái hậu qua đời, cục thế quốc gia ổn định, người cháu của bà là Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành 拓跋宏 nắm giữ đại quyền triều chính, đã thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng.
         Dưới sự dạy bảo của tổ mẫu, Hiếu Văn Đế hiểu tương đối sâu văn hoá Hán tộc. Ông cho rằng, người Tiên Ti 鲜卑 muốn đứng vững ở trung nguyên, cần phải tiếp thụ văn hoá tiên tiến của Hán tộc. Đô thành của Bắc Nguỵ lúc bấy giờ tại Bình Thành 平城 (nay là phía đông bắc huyện Đại Đồng 大同 tỉnh Sơn Tây 山西), về vị trí địa lí ở đây quá thiên về phương bắc, không lợi cho việc Bắc Nguỵ thống trị khu vực trung nguyên, càng không lợi cho việc phát triển về phía nam, thống nhất Trung Quốc.
          Quyết định dời đô về Lạc Dương 洛阳 của Hiếu Văn Đế là một sự kiện lớn, liên quan tới nhiều lợi ích thiết thân của quý tộc Tiên Ti. Quý tộc phái thủ cựu lưu luyến tài sản ruộng đất và cuộc sống xa xỉ ở cựu đô, sợ dời đô sẽ làm tổn hại lợi ích của họ, nên đã ra sức phản đối. Mấy lần dời đô đã gặp ba lần ngăn trở.
          Mùa thu năm 493, Hiếu Văn Đế đích thân thống lĩnh 3 vạn bộ binh, kị binh, tuyên bố nam hạ chinh phạt Nam triều. Đội ngũ đến Lạc Dương, vừa lúc mùa mưa liên miên. Đại thần văn võ đi theo, đối với tình cảnh Thái Vũ Đế Thác Bạt Đào 拓跋焘 nam chinh Lưu Tống bị bại bỏ chạy, hãy còn mới như in. Họ sợ kết quả của lần xuất chinh này cũng giống như trước, tổn sức dân, hao tài vật mà không được gì.
          Đương lúc các đại thần lo lắng, Hiếu Văn Đế đột nhiên hạ lệnh lập tức tiến phát về phương nam. Văn võ đại thần thấy Hiếu Văn Đế muốn nam tiến liền nhất tề quỳ xuống khấu đầu xuống đất, đồng thanh thỉnh cầu dừng nam tiến. Một vị lão vương gia đức cao vọng trọng thay mặt mọi người hướng đến Hiếu Văn Đế trình bày sự nguy hại khi nam tiến. Hiếu Văn Đế thấy mục đích sắp đạt được, liền bảo:
          - Chúng ta nam chinh lần này, hưng sư động chúng, thanh thế to lớn, vô luận thành công hay thất bại, cũng quyết không thể tay không mà trở về. Các khanh đã không bằng lòng đánh trận, vậy thì nghe ta nói, đem quốc đô từ Bình Thành dời đến Lạc Dương, đợi sau này có cơ hội sẽ diệt Nam triều, thống nhất toàn quốc.
          Các đại thần nghe qua vô cùng vui mừng, đồng thanh nói:
          - Chỉ cần bệ hạ dừng nam chinh, chúng thần tán thành dời đô.
          Trong phút chốc, tin dừng nam tiến lan truyền khắp trong quân, mội người hô vang “vạn tuế”. Việc dời đô đến Lạc Dương đã được Hiếu Văn Đế làm như thế.
          Sau khi dời đô, Hiếu Văn Đế thực hành chính sách Hán hoá toàn diện, đây là sự kiện hiếm thấy trong lịch sử. Hiếu Văn Đế cấm chỉ mặc trang phục kiểu người Hồ, nói tiếng Tiên Ti, phế bỏ họ Tiên Ti, nhất loạt đổi sang họ Hán đơn âm, đồng thời ông đi tiên phong đổi họ Thác Bạt 拓跋 thành họ Nguyên , đổi họ tên của mình thành Nguyên Hoành 元宏. Hiếu Văn Đế còn cổ vũ quý tộc Tiên Ti thông hôn với những họ lớn của Hán tộc, và ông cũng đi đầu, tuyển chọn những cô gái thuộc họ lớn của Hán tộc làm phi tử, cưới cho 5 người em trai những cô gái Hán tộc làm thê, công chúa cũng được gã cho những họ lớn của Hán tộc.
          Nhưng, cuộc cải cách của Hiếu Văn Đế chỉ là vĩ thanh của dân tộc Tiên Ti Thác Bạt tại Trung Quốc, bởi vì chẳng bao lâu Bắc Nguỵ bị phân chia thành Đông Nguỵ và Tây Nguỵ, sau lại bị Bắc Tề, Bắc Chu thay thế. Thác Bạt Tiên Ti trong lịch sử ít vang tiếng. Nhưng nhìn từ quan điểm xa rộng của lịch sử, với một loạt những cải cách đó, một mặt khiến tộc Tiên Ti ở lưu vực Hoàng hà và các dân tộc thiểu số khác đã dần dung hợp với Hán tộc; mặt khác đã đặt nền móng cho chế độ thống nhất, trong hỗn loạn đã tìm được đường ra cho lịch sử. 
                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 12/3/2016

Nguyên tác Trung văn
NGUỴ HIẾU VĂN ĐẾ CẢI CÁCH
魏孝文帝改革
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post