Dịch thuật: Thân thế và mộ táng của vợ chồng Chu Thế Trân

THÂN THẾ VÀ MỘ TÁNG CỦA VỢ CHỒNG CHU THẾ TRÂN

          Chu Thế Trân 朱世珍 vốn tên là Chu Ngũ Tứ 朱五四, là một nông dân nghèo khổ. Lúc còn sống chưa từng làm hoàng đế. Tên Chu Thế Trân của ông là do người con là Chu Nguyên Chương 朱元璋 sau khi đến với cuộc khởi nghĩa nông dân, có một thân phận nhất định mới đặt cho. Còn miếu hiệu Nhân Tổ 仁祖 và thuỵ hiệu Thuần Hoàng Đế 淳皇帝 của ông, cùng với danh hiệu Thuần Hoàng Hậu 淳皇后 của người vợ họ Trần là do Chu Nguyên Chương vào ngày xưng đế (ngày mồng 4 tháng Giêng năm Hồng Vũ 洪武 thứ 1 tức năm 1368) khi truy tôn 4 đời đã gia thêm. Mặc dù vợ chồng Chu Thế Trân sau khi mất được liệt vào hàng đế hậu, nhưng sinh tiền có một cuộc sống nghèo khổ vô cùng bi thảm.
          Chu Thế Trân sinh vào năm Chí Nguyên 至元 thứ 16 thời Hốt Tất Liệt 忽必烈 (năm 1279). Nhà tại hẻm Chu Gia 朱家 làng Thông Đức 通德 huyện Cú Dung 句容 (nay là huyện Cú Dung thành phố Nam Kinh) lộ Tập Khánh 集庆. Phụ thân là Chu Sơ Nhất 朱初一, làm nghề đãi vàng thời Nguyên, hàng năm nộp lên phủ quan một số lượng vàng nhất định. Cú Dung vốn không sản xuất vàng, Chu Sơ Nhất cũng không biết đãi vàng, chỉ có thể dùng sản phẩm nông nghiệp đổi thành tiền, sau đó mua vàng giao lên phủ quan, nhưng vàng khó mua, hơn nữa giá cả rất đắt, để tránh quan phủ bức bách thúc giục, khi Chu Thế Trân lên 8 tuổi, Chu Sơ Nhất đã đưa cả nhà vượt sông Hoài, trốn đến gò Tôn Gia 孙家 (nay thuộc huyện Hu Di 盱眙 tỉnh Giang Tô 江苏) phía bắc thành Tứ Châu 泗州 13 dặm. Sau khi Chu Thế Trân trưởng thành đã cưới Trần thị làm vợ. Trần thị là người trấn Tân Luật 津律 huyện Hu Di, phụ thân từng là thân binh dưới tay Trương Thế Kiệt 张世杰, đại tướng của triều Tống. Sau khi đấu tranh kháng Nguyên thất bại, để tránh sự truy bắt của quan phủ, ông đã dời đến ở trấn Tân Luật. Sau khi cha mẹ qua đời, gia cảnh của Chu Thế Trân ngày càng khốn khó. Cuộc sống bức bách, ông đã cùng với người anh đưa cả nhà rời bỏ làng đi khắp nơi mưu sinh. Gia đình của người anh dời đến làng Chung Li Đông 钟离东 ở Hào Châu 濠州 (nay là thôn Triệu Phủ 赵府 phía bắc trấn Trị Minh Quang 治明光 huyện Gia Sơn 嘉山 tỉnh An Huy 安徽). Nhà Chu Thế Trân thì trước sau dời đến huyện Linh Bích 灵壁 và huyện Hồng tỉnh An Huy, sau cũng dời đến làng Chung Li Đông. Năm Chí Nguyên 至元 thứ 3 đời Thuận Đế nhà Nguyên (năm 1337), cả nhà Chu Thế Trân vì sinh kế phải dời đến làng Chung Li Tây 钟离西. Năm sau lại dời đến thôn Cô Trang 孤庄 làng Chung Li Thái Bình 钟离太平. Cả nhà làm ruộng thuê cho địa chủ Lưu Kế Đức 刘继德 trong thôn. Con người Lưu Kế Đức khắc bạc, cho nên cả nhà Chu Thế Trân quanh năm cực khổ, cuộc sống ngày càng túng bấn. Mùa xuân năm Chí Nguyên thứ 4 (năm 1344), vùng Giang Hoài gặp phải nạn hạn hán, lúa khô cháy, ruộng nứt nẻ, tiếp đó lại bị trận ôn dịch và  nạn sâu bọ. Ngày mồng 6 tháng 4 năm đó, Chu Thế Trân 64 tuổi nhân vì nhiễm ôn dịch, không tiền thang thuốc nên đã qua đời. Người vợ họ Trần 59 tuổi cũng vì bệnh đã mất ngày 22 cùng tháng đó.
          Trong trận hạn hán và ôn dịch đó, cũng mất đi con trưởng của chu Thế Trân là Chu Trùng Tứ 朱重四 cùng người con lớn của Trùng Tứ. Tang sự 4 người trong một nhà đành phải do người con thứ 2 là Trùng Lục 重六 và người con nhỏ 17 tuổi là Chu Nguyên Chương 朱元璋 lo liệu.
          Theo ghi chép ở Hoàng lăng bi 皇陵碑 do Chu Nguyên Chương đích thân soạn, Chu Nguyên Chương và người anh từng van xin điền chủ Lưu Kế Đức, mong được bố thí cho khoảnh đất nhỏ làm mộ phần. Lưu Kế Đức không những không cho mà còn “la hét” mắng hai anh em một trận. Người anh của Lưu Kế Đức là Lưu Kế Tổ 刘继祖 thương xót hai anh em, đã cho một khoảnh đất nhỏ, vợ chồng Chu Thế Trân mới được an táng. Nhưng do bởi nhà nghèo, lúc táng “không quan không quách, liệm áo quần rách, chôn nông 3 thước, cúng tế chẳng có món ngon!” chỉ táng sơ sài. Về sau, nhân vì binh hoang mã loạn, mộ Trần thị bị người ta trộm. Khi Chu Nguyên Chương thu thập di cốt, phát hiện xương ngón tay của mẹ thiếu một đốt, tìm mãi tìm được, nhưng lại không dám xác quyết đó là xương đốt tay của mẹ. Đột nhiên Chu Nguyên Chương nhớ đến cách dùng máu để nghiệm cốt, Chu Nguyên Chương cắn ngón tay, để máu nhỏ lên xương, quả nhiên máu thấm vào trong xương. Dùng xương của người khác để nghiệm chứng, “thì máu không thấm”. Vì thế, Chu Nguyên Chương mới thu thập di cốt của mẹ an táng lại.
          Mặc dù mộ táng của vợ chồng Chu Nguyên Cương chỉ là một khoảnh đất cực kì bình thường do Lưu Kế Tổ cho, vả lại sau khi táng cũng không được bình yên vô sự, nhưng sau khi Chu Nguyên Chương lên làm hoàng đế, người ta lại biên chép ra những truyền thuyết thần hoá mộ địa. Như Vương Văn Lộc 王文禄 trong Long Hưng Từ kí 兴龙兴慈记 nói rằng: Chu Nguyên Chương khiêng di thể của cha mẹ đến khoảnh đất mà Lưu Kế Tổ cho, đột nhiên, “mưa gió nổi lên, dây đứt, đất tự đùn lên thành mộ. Mọi người cho là đã táng vào cửu long đầu.” Trong Minh triều tiểu sử 明朝小史 cũng có nói đến “thần táng”.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 23/01/2016

Nguyên tác Trung văn
CHU THẾ TRÂN PHU PHỤ ĐÍCH THÂN THẾ DỮ MỘT TÁNG
朱世珍夫妇的身世与殁葬
Trong quyển
MINH TRIỀU ĐẾ VƯƠNG LĂNG
明朝帝王陵
Tác giả: Hồ Hán Sinh 胡汉生
Bắc Kinh Yên Sơn xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post