Dịch thuật: Tiểu truyện Từ Chí Ma

TIỂU TRUYỆN TỪ CHÍ MA

          Từ Chí Ma 徐志摩, thi nhân nổi tiếng của Trung Quốc hiện đại. Ông sinh ngày 15 tháng 1 năm 1897 trong một gia đình phú thương ở trấn Hiệp Thạch 硖石 huyện Hải Ninh 海宁 tỉnh Giang Tô 江苏. Ngày 19 tháng 11 năm 1931, Từ Chí Ma đáp máy bay từ Nam Kinh đi Bắc Bình, máy bay gặp phải sự cố ông đã gặp nạn.
          Từ Chí Ma vốn tên là Chương Tự 章垿, tự Dửu Sâm 槱森, bút danh Thi Triết 诗哲, Nam Hồ 南湖. Năm lên 5 tuổi bắt đầu học, từ nhỏ được bà nội và mẹ hết sức cưng chiều cùng với một hoàn cảnh sống khá giả, đã tạo cho ông một tính cách phiêu dật phóng túng khoáng đạt sau này và tư tưởng bình dân chủ nghĩa cũng đã có ảnh hưởng nhất định.
          Năm 1915, Từ Chí Ma tốt nghiệp tại phủ Hàng Châu, cũng trong năm đó ông thi vào Học viện Tẩm Tín Hội 浸信会 (1) Thượng Hải. Năm 1916 vào Đại học Bắc Dương 北洋 ở Thiên Tân, năm sau học tại Đại học Bắc Kinh. Mùa hè năm 1918, ông đến nước Mĩ du học, đầu tiên học tại khoa Lịch sử của Đại học Khắc Lạp Khắc 克拉克 (2), sau theo học Thạc sĩ khoa Kinh tế Đại học Ca Luân Tỉ Á 哥伦比亚 (3). Trong thời gian này, Từ Chí Ma tiếp nhận tư tưởng chủ nghĩa nhân đạo và dân chủ giai cấp tư sản. Mùa thu năm 1920, ông đến nước Anh, theo học tại Học viện chính trị kinh tế học của Đại học Luân Đôn, sau chuyển đến học tại Đại học Kiếm Kiều 剑桥 (4).
          Năm 1921, Từ Chí Ma bắt đầu sáng tác thi ca, chịu ảnh hưởng xã hội quý tộc nước Anh và chủ nghĩa duy mĩ cùng tư tưởng nghệ thuật chí thượng một cách sâu đậm, trở thành thi nhân mô phỏng theo phái duy mĩ của nước Anh. Tác phẩm thời kì đầu theo đuổi sự giải phóng cá tính giai cấp tư sản cùng tìm hiểu triết lí nhân sinh. Năm 1922 ông li hôn bà Trương Ấu Nghi 张幼仪 (5). Tháng 19 năm đó ông về nước, công tác tại thư viện Tùng Pha 松坡 ở Bắc Kinh. Rồi nhậm chức giáo sư của Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Bình Dân. Năm 1923 cùng Hồ Thích 胡适 thành lập Tân Nguyệt xã 新月社, năm 1924 thi nhân Ấn Độ là Thái Qua Nhĩ 泰戈尔 (6) sang thăm Trung Hoa, ông đảm nhiệm phiên dịch, rồi theo Thái Qua Nhĩ đi Châu Âu. Sau khi về nước ông biên tập tờ “Thần báo” 晨报, trong thời gian này ông sáng tác và đăng nhiều thơ văn, rất có ảnh hưởng. Năm 1925, tự bỏ tiền xuất bản tập thơ đầu tiên Chí Ma đích thi 志摩的诗, tác phẩm đã biểu hiện sự quan tâm và đồng tình của ông đối với vận mệnh của bách tính bình dân, đối với lí tưởng, ái tình, khát vọng và ca tụng tự do. Về nghệ thuật biểu hiện cái đẹp nhu mì, nét đặc sắc thanh lệ. Các bài tản văn như Thái sơn nhật xuất 泰山日出, Mạn Thù Phỉ Nhĩ 曼殊斐尔 phong cách phiêu dật, mới lạ. Năm 1925, Từ Chí Ma đi Liên xô, sau khi về nước ông nêu chất nghi và phê bình cách mạng tháng 10 Nga. Ngày 1 tháng 4 năm 1926 ông sáng lập và chủ nhiệm tờ “Thần báo – Thi tuấn” 晨报 - 诗镌. Thời gian này, về nghệ thuật của những tác phẩm được đăng càng đi đến chỗ thành thục, nhưng cũng có nét tiêu cực sau khi lí tưởng cuộc sống bị đổ vỡ. Cũng trong năm này ông kết hôn với Lục Tiểu Mạn 陆小曼. Năm sau xuống phương nam, trước sau giảng dạy tại Đại học Quang Hoa Thượng Hải, Đại học Đại hạ, Đại học Trung ương Nam Kinh. Mùa xuân năm này, ông cùng Hồ Thích trù biện lập Tân Nguyệt thư xã, cùng với Hồ Thích, Lương Thực Thu 梁实秋 sáng lập nguyệt san “Tân Nguyệt” 新月, ông giữ chức biên tập. Lợi dụng “Tân nguyệt”, ông với Lỗ Tấn 鲁迅 tiến hành bút chiến, phê bình phong trào văn học cách mạng giai cấp vô sản. Năm 1928, một lần nữa ông đến Khang Kiều 康桥 (7), viết bài Tái biệt Khang Kiều 再别康桥 rất nổi tiếng, bài thơ này ý cảnh đều đẹp, mới lạ thoát tục, âm tiết hài hoà, rất được nhiều người truyền tụng.
          Trong sự nghiệp văn học 10 năm ngắn ngủi, Từ Chí Ma đã sáng tác một số lượng lớn thi ca, tản văn. Tác phẩm của ông, tình cảm chân thành, thanh lệ khoáng đạt, tạo một phong cách riêng, là một tác gia trọng yếu của phong trào “ngũ tứ” 五四 (8).

Chú của người dịch
1- Học viện Tẩm Tín hội 浸信会: cũng gọi là Tẩm Tín Tông 浸信宗, tức Học viện Baptists.
2- Đại học Khắc Lạp Khắc 克拉克: tức Đại học Clark
3- Đại học Ca Luân Tỉ Á 哥伦比亚: tức Đại học Columbia.
4- Đại học Kiếm Kiều 剑桥: tức Đại học Cambridge.
5- Ngày 5 tháng 12 năm 1915, dưới sự sắp đặt của cha mẹ, Từ Chí Ma kết hôn với Trương Ấu Nghi 张幼仪.
6- Thái Qua Nhĩ 泰戈尔: tức Rabindranath Tagore.
7- Khang Kiều康桥: tên một thành phố của nước Anh. Khang Kiều là cách dịch cũ, nay thông dịch là Kiếm Kiều 剑桥. Đây cũng là nơi có Đại học Kiếm Kiều. “Khang Kiều” trong Tái biệt Khang Kiều再别康桥  chỉ Đại học Kiếm Kiều.
8- Phong trào “ngũ tứ”(Ngũ tứ vận động - 五四运动):
          Đây là phong trào yêu nước của thanh niên học sinh cùng quảng đại quần chúng gồm thị dân, công nhân, thương nhân, văn sĩ…nổ ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 tại Bắc Kinh. Phong trào được tiến hành dưới nhiều hình thức như biểu tình thị uy, đòi yêu sách, bãi công, bãi thị, bãi khoá mà nguyên nhân là từ “Vấn đề Sơn Đông”. Tại hoà hội Versailles (Paris) được tổ chức sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nước xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đem quyền lợi của Đức ở Sơn Đông chuyển giao cho Nhật. Chính phủ Bắc Dương của Trung Quốc lúc bấy giờ tỏ ra bạc nhược không bảo vệ được lợi ích của quốc gia, khiến người Trung Quốc vô cùng phẫn nộ. Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ là “Ngoại kháng cường quyền, nội trừ quốc tặc” (外抗强权内除国贼). Phong trào đã có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội Trung Quốc.
          Theo https://zh.wikipedia.org/wiki

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 17/12/2015

Nguyên tác Trung văn
TỪ CHÍ MA TIỂU TRUYỆN
徐志摩小传
trong quyển
TỪ CHÍ MA
徐志摩
Hoa Hạ xuất bản xã, 1997
Previous Post Next Post