Dịch thuật: Tại sao gọi đất nước là "giang sơn xã tắc"?

TẠI SAO GỌI ĐẤT NƯỚC LÀ “GIANG SƠN XÃ TẮC”?

          Người xưa gọi đất nước là “giang sơn xã tắc” 江山社稷. “Xã tắc” là hợp xưng của “xã” và “tắc”.
Xã là thần thổ địa thời cổ, theo phương vị của ngũ hành: phương đông là thanh thổ, phương nam là hồng thổ, phương tây là bạch thổ, phương bắc là hắc thổ, trung ương là hoàng thổ. Năm loại đất này trải lên bề mặt của đàn tế, gọi là “ngũ sắc thổ”, thực tế tượng trưng cho quốc thổ.
Tắc chỉ thần ngũ cốc, có lúc chỉ thần ở vùng đất thấp và bằng phẳng – thần thổ địa có thể sinh sản ngũ cốc, đó là thần nông nghiệp.
Theo truyền thuyết, người phát minh ra “xã” là Câu Long 句龙 con của Cung Công 共工, thị tộc Cung Công là quan Thuỷ Chính 水正. Lúc xảy ra nạn hồng thuỷ, Câu Long bảo mọi người lên gò đất cao để tránh, nếu không có thì đào đất đắp gò, quy mô của gò đất là mỗi gò có thể chứa 25 hộ, gọi là “xã”. Sau khi Câu Long mất được tôn làm Thổ thần, cũng gọi là Xã thần. Để kỉ niệm ông, người đời sau đã kiến tạo phòng ốc tế tự, gọi là “Hậu thổ” 后土. Con của Liệt Sơn thị 烈山氏 là Trụ làm Tắc Chính 稷正 của nhà Hạ (chức quan chủ quản về nông nghiệp), sau khi ông ta mất, được tôn làm Nông thần, cũng gọi là Ngũ cốc thần. Đó là sự đối ứng giữa thần với nguyên hình của thần..
Phân tích từ giác độ từ nguyên, chữ “xã” trong giáp cốt văn giống với chữ “thổ” , được vẽ giống sinh thực khí của nữ, cũng chính là nói, xã khởi nguồn từ sự sùng bái sinh thực khí ở thời đại nguyên thuỷ. Thời Xuân Thu, còn có thể thấy những di lưu của sự sùng bái nguyên thuỷ. “Xã” và “thổ” vốn là một chữ, về sau thêm bộ (kì), thành danh xưng của Thổ địa thần. Đàn để tế Xã cũng gọi là “Xã”. Từ thiên tử đến chư hầu, phàm có đất đai đều có thể lập Xã, thậm chí dân làng cũng có thể lập Xã để thờ Thổ địa thần. Xã nhật trở thành ngày mọi người tụ họp, đồng thời còn có những hoạt động vui chơi, Xã hí 社戏, Xã hoả 社火 là những ví dụ.
Từ “xã hội” 社会 trong cuộc sống hiện đại cũng liên quan đến hoạt động Xã nhật. Tắc vốn là thuỷ tổ Hậu Tắc 后稷 của người Chu, thời Tây Chu bắt đầu được tôn đứng đầu ngũ cốc, cùng được tế với Xã, hợp xưng là “xã tắc”, cũng liên quan đến hoạt động Xã nhật.
          Văn minh Trung Hoa bắt đầu từ xã hội nông canh, do bởi mọi người sùng bái đất đai và thần linh sản sinh ngũ cốc, nên đã sinh ra khái niệm “xã tắc”, đồng thời hình thành hoạt động tế tự từ trung ương đến địa phương. “Xã” và “tắc” hai vị thần linh này tương cận, mọi người cùng một lượt tế cả hai, lâu dần hình thành khái niệm “xã tắc”.
          Theo Chu lễ - Khảo công kí 周礼 - 考工记:
          Xã tắc đàn thiết vu vương cung chi hữu, dữ thiết vu vương cung chi tả đích tông miếu tương đối, tiền giả đại biểu thổ địa, hậu giả đại biểu huyết duyên, đồng vi quốc gia đích tượng trưng.
          社稷坛设于王宫之右, 与设于王宫之左的宗庙相对, 前者代表土地, 后者代表血缘, 同为国家的象征.
          (Đàn Xã tắc được lập bên phải của vương cung, đối lập với tông miếu được lập bên trái của vương cung, đàn Xã tắc đại biểu cho đất đai, tông miếu đại biểu cho huyết thống, đều là tượng trưng cho đất nước.)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 05/12/2015

Nguyên tác Trung văn
VI THẬP MA BẢ QUỐC GIA XƯNG VI “GIANG SƠN XÃ TẮC”?
为什么把国家称为江山社稷”?
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post