Dịch thuật: Điều điều Khiên Ngưu tinh



古詩十九首 . 迢迢牽牛星
迢迢牽牛星, 皎皎河漢女.
纖纖擢素手, 札札弄機杼.
終日不成章, 泣涕零如雨
河漢清且淺, 相去複幾許?
盈盈一水間, 脈脈不得語.

CỔ THI THẬP CỬU THỦ . ĐIỀU ĐIỀU KHIÊN NGƯU TINH
Điều điều Khiên Ngưu tinh, kiểu kiểu Hà Hán nữ.
Tiêm tiêm trạc tố thủ, trát trát lộng cơ trữ.
Chung nhật bất thành chương, khấp thế linh như vũ.
Hà Hán thanh thả thiển, tương khứ phúc kỉ hử?
Doanh doanh nhất thuỷ gián, mạch mạch bất đắc ngữ.

Sao Khiên Ngưu xa xa
Sao Chức Nữ lấp lánh
Cử động đôi tay thon trắng
Miễn cưỡng đưa thoi dệt vải
Cả ngày mà dệt chẳng xong
Nước mắt rơi như mưa xuống
Sông Ngân trong và cạn
Cách nhau bao xa?
Chỉ cách một dòng sông
Ngóng trông nhau, không nói cùng nhau được.


          Nhạc phủ 樂府 vốn là cơ quan nắm giữ về âm nhạc bắt đầu được thiết lập vào thời Hán Vũ Đế, ngoài việc đem những bài thơ ca tụng công đức của các văn nhân phối cùng âm nhạc để diễn xướng ra, nhạc phủ còn có nhiệm vụ thu thập dân ca. Những nhạc chương, ca từ này về sau gọi chung là “nhạc phủ thi” hoặc “nhạc phủ”. Đến nay hiện tồn chỉ hơn 40 bài dân ca trong nhạc phủ đời Hán, những bài này đa phần đều xuất phát từ quần chúng nhân dân, phản ánh một số mâu thuẫn xã hội lúc bấy giờ, có giá trị nhận thức tương đối cao. Đồng thời, phong cách của những bài này chất phác, không trau chuốt đẽo gọt, có ý vị thẩm mĩ riêng biệt.

Phân tích và thưởng thức
          Khiên Ngưu và Chức Nữ vốn là danh xưng của hai vì sao. Khiên Ngưu tức “Hà Cổ Nhị” 河鼓二, ở phía đông Ngân hà. Chức Nữ còn gọi là “Thiên Tôn” 天孫, đối diện với Khiên Ngưu. Những câu chuyện dân gian liên quan đến Khiên Ngưu và Chức Nữ có từ rất lâu. Bài “Điều điều Khiên Ngưu tinh” này nói về sự xa cách của đôi vợ chồng Khiên Ngưu Chức Nữ. Bài thơ miêu tả đôi vợ chồng Khiên Ngưu Chức Nữ trên trời, với cặp mắt của người thứ ba quan sát nhìn thấy nỗi đau khổ li biệt của họ. Hai câu mở đầu lần lượt là Khiên Ngưu “điều điều”, còn Chức Nữ thì “kiểu kiểu”. Hai sao cách xa nhau, nhưng lại sáng. Nhưng “điều điều” thuộc về Khiên Ngưu, rất dễ dàng khiến người đọc liên tưởng đến chàng du tử nơi tha hương xa xôi, còn “kiểu kiểu” thuộc về Chức Nữ khiến người đọc liên tưởng đến cái đẹp nữ tính. Gọi Chức Nữ là “Hà Hán nữ” là để có được 3 âm tiết, tránh dùng 3 chữ “Chức Nữ tinh”. Câu trên đã dùng “Khiên Ngưu tinh”, câu dưới lại nói “Chức Nữ tinh” vừa áp vận lại vừa đơn điệu. Ý nghĩa của “Hà Hán nữ” là cô gái bên Ngân hà, cách nói này dễ khiến người đọc liên tưởng đến một cô gái chân thực, mà không để ý đó vốn là một vì sao.
          Bốn câu dưới viết riêng về Chức Nữ. Chức Nữ tuy cả ngày dệt vải nhưng dệt không thành, bởi trong lòng đau buồn khôn xiết. Tuy đưa đôi tay dệt, nhưng lòng hửng hờ với khung cửi, nước mắt rơi như mưa.
          Bốn câu cuối cùng thi nhân cảm thán:
Hà Hán thanh thả thiển, tương khứ phúc kỉ hử?
Doanh doanh nhất thuỷ gián, mạch mạch bất đắc ngữ.
          Ngân hà ngăn cách Khiên Ngưu và Chức Nữ vừa trong lại vừa cạn, Khiên Ngưu và Chức Nữ cách nhau không xa, tuy chỉ là một dòng nước, cùng nhìn thấy nhau nhưng nói với nhau không được. “Doanh doanh” nếu giải thích là hình dung sông trong và cạn, e không thoả đáng. “Doanh doanh” không phải hình dung dòng sông, “doanh doanh” và “mạch mạch” ở câu dưới đều hình dung Chức nữ. “Mạch mạch bất đắc ngữ” là nói Hà Hán tuy trong và cạn, nhưng Chức Nữ và Khiên Ngưu chỉ có thể ngóng trông mà không thể cùng nhau trò chuyện.
          Bài thơ tổng cộng 10 câu, trong đó 6 câu dùng từ trùng điệp, tức “điều điều”, “kiểu kiểu”, “tiêm tiêm”, “trát trát”, “doanh doanh”, “mạch mạch”. Những  từ trùng điệp này làm cho bài thơ trở nên chất phác, thanh lệ, thú vị tràn đầy. Đặc biệt là 2 câu cuối, hình tượng thiếu phụ ôm mối li sầu hiện ra trên giấy, ý vị thâm trầm, phong cách hồn hậu chất phác, là giai cú khó mà có được. 

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 21/8/2015


Previous Post Next Post