Dịch thuật: Thư Thánh Vương Hi Chi

THƯ THÁNH VƯƠNG HI CHI

          Vương Hi Chi 王羲之 là đại thư pháp gia nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã có những cống hiến kiệt xuất đối với sự phát triển nghệ thuật thư pháp Trung Quốc, nhân đó mọi người tôn xưng ông là “Thư Thánh”.
          Vương Hi Chi, tự Dật Thiếu 逸少, người Lâm Nghi 临沂, Lang Nha 琅邪 thời Đông Tấn. Ông xuất thân sĩ tộc, ban đầu nhậm chức Bí thư lang 秘书郎, sau thăng Ninh Viễn Tướng quân 宁远将军, Giang châu Thứ sử 江州刺史. Công khanh triều đình ái mộ tài năng của ông, nhiều lần mời ông đảm nhậm chức Thị trung 侍中, Lại bộ Thượng thư 吏部尚书 nhưng ông đều khước từ. Triều đình lại trao ông chức Hộ quân Tướng quân 护军将军, nhưng ông vẫn từ chối, sau qua nhiều người khuyên bảo, ông mới đáp ứng. Cuối cùng ông làm đến chức Hữu quân Tướng quân 右军将军, Cối Kê Nội sử 会稽内史, cho nên mọi người lại gọi ông là “Vương Hữu Quân” 王右军. Nhân vì Vương Hi Chi bất hoà với đại quan Vương Thuật 王述 nên đã từ quan. Sau định cư ở Sơn Âm 山阴, Cối Kê 会稽. Vương Hi Chi bệnh và qua đời lúc 59 tuổi.
          Con người Vương Hi Chi thẳng thắn, không câu nệ lễ tiết. Thái Uý Si Giám 郗鉴 phái môn sinh đến nhà Vương Đạo 王导, bá phụ của Vương Hi Chi, để chọn rể. Vương Đạo gọi khách đến chái nhà phía đông quan sát. Môn sinh ra về nói với Si Giám rằng:
          Thiếu niên của Vương gia đều tốt, nhưng nghe nói có người đến chọn rể nên đã mất tự nhiên. Chỉ có một người ở giường phía đông, phanh ngực nằm ăn, xem như chẳng có chuyện gì.
          Si Giám bảo rằng:
          Đó chính là rể của ta đấy!
          Về sau hỏi ra, hoá ra vị thiếu niên ấy chính là Vương Hi Chi, Si Giám liền gã con gái cho.
          Vương Hi Chi từ nhỏ đã thích viết chữ, từng học thư pháp với thư pháp gia nổi tiếng là Vệ phu nhân 卫夫人. Sau, ông đổi lối học ban đầu, học thảo thư với Trương Chi 张芝, học chính thư với Chung Diêu 锺繇, tiếp thu sở trường của các thư pháp gia thời Nguỵ Tấn, sáng lập một phong cách riêng. Khải thư ông viết, tiến một bước thoát khỏi hình bóng lệ thư, mở ra một cảnh giới mới lạ. Hành thư và thảo thư của ông cũng rất đẹp, mọi người khen tặng chữ của ông là:
Phiêu nhược phù vân, kiểu nhược kinh long
飘若浮云, 矫若惊龙
(Nhẹ như mây nổi, mạnh như rồng)

Long khiêu thiên môn, hổ ngoạ phong các
龙跳天门, 虎卧风阁
(Rồng vượt cổng trời, hổ nằm gác gió)
Dùng những câu như thế để hình dung chữ viết của ông, điều đó nói rõ chữ của ông già dặn và nhiều biến hoá.
          Đương thời mọi người vô cùng yêu thích chữ của ông, xem là trân bảo. Có một câu chuyện như sau:
          Tại Sơn Âm 山阴 có một vị đạo sĩ rất muốn Vương Hi Chi viết bản “Đạo đức kinh” 道德经, nhưng Vương Hi Chi không chịu viết cho người khác một cách tuỳ tiện. Vị đạo sĩ nghe nói Vương Hi Chi rất thích ngỗng, bèn nuôi một bầy ngỗng đẹp. Vương Hi Chi sau khi biết được liền đến xem, và rất thích bầy ngỗng này, muốn đạo sĩ bán cho mình. Đạo sĩ bảo rằng:
          Chỉ cần giúp tôi sao lại bộ “Đạo đức kinh”, tôi sẽ tặng toàn bộ bầy ngỗng này.
          Vương Hi Chi lập tức viết cho đạo sĩ, viết xong liền vui mừng đưa bầy ngỗng về. Đây chính là câu chuyện “Thư thành hoán bạch nga” 书成换白鹅 mà người đời sau xưng tụng.
          Về phương diện thư pháp, Vương Hi Chi đều tinh thông các thể chữ, đặc biệt là sở trường chính thư và hành thư. Khắc bản có chữ viết của ông rất nhiều, thấy tản mác trong những bộ thiếp khắc từ đời Tống trở đi. Hành thư được bảo tồn trong Thánh giáo tự 圣教字 của Hoài Nhân Tập 怀仁集 đời Đường là nhiều nhất. Thảo thư có Thập thất thiếp 十七帖. Bút tích chữ viết của Vương Hi Chi không còn lưu tồn, duy chỉ có các thiếp song câu khuếch điền 双钩廓填 (1) theo thể hành thư của người thời Đường là Phụng quất 奉橘, Tang loạn 丧乱, Di mẫu 姨母, Khổng Thị trung 孔侍中 cùng thể thảo thư Sơ nguyệt 初月. Thư pháp của ông được học giả các đời sùng thượng, có ảnh hưởng vô cùng lớn.
          Thơ văn của Vương Hi Chi cũng tương đối xuất sắc. Khi làm quan ở quận Cối Kê, Vương Hi Chi từng cùng một nhóm văn nhân tổ chức yến tiệc tại Lan đình 兰亭 ở Sơn Âm.
          Lúc bấy giờ mọi người làm rất nhiều thơ, Vương Hi Chi đã viết thiên thi tự là Lan đình tập tự 兰亭集序. Văn từ của thiên này ưu mĩ, luôn được mọi người thích thú. Bút tích bài văn này của Vương Hi Chi xưa nay được đánh giá là “thiên hạ đệ nhất hành thư”. Đáng tiếc là sau khi Đường Thái Tông qua đời, đã đem bút tích này chôn theo, hiện tại chỉ là bản sao truyền lại.

Chú của người dịch
1- Song câu khuếch điền 双钩廓填: là tên gọi kĩ pháp thư hoạ của Trung Quốc, lợi dụng đường nét vẽ đường viền chung quanh của vật, thông xưng là “câu lặc” 钩勒. Theo bút tích hai bên của chữ, dùng mực viền chung quanh, gọi là “song câu” 双钩. Sau khi song câu, dùng mực điền vào khoảng trống. Cách đó gọi là “song câu khuếch điền”.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 08/7/2015

Nguyên tác Trung văn
THƯ THÁNH VƯƠNG HI CHI
书圣王羲之
Trong quyển
BÁCH GIA TÍNH
百家姓
Biên soạn: Triệu Dương 赵阳
Cát Lâm Đại học xuất bản xã, 2005
Previous Post Next Post