Dịch thuật: Trương Khiên đi sứ Tây vực

TRƯƠNG KHIÊN ĐI SỨ TÂY VỰC

          Trương Khiên 张骞 người Hán Trung 汉中 (nay thuộc Thiểm Tây 陕西), thời Hán Vũ Đế 汉武帝 giữ chức “Lang” thị tùng Hán Vũ Đế. Lúc bấy giờ Hung Nô 匈奴đánh bại nước Nguyệt Chi 月氏, giết Nguyệt Chi vương. Nguyệt Chi muốn liên hợp với nước khác để báo thù. Hán Vũ Đế công khai chiêu mộ dũng sĩ dám đi đến nước Nguyệt chi. Với thân phận là “Lang”, Trương Khiên đảm nhiệm sứ tiết đi đến nước Nguyệt Chi.
          Trương Khiên tuyển dụng một người Hung Nô tên Cam Phụ 甘父 của nhà họ Đường Ấp 堂邑 làm trợ thủ, dẫn theo đội ngũ hơn 100 người và mang theo một số lớn lễ vật từ Thiểm Tây xuất phát (nay thuộc Cam Túc 甘肃), đi thẳng về hướng tây. Khi đi qua địa bàn Hung Nô, chẳng may bị kị binh Hung Nô phát hiện bắt giữ lại, lập tức được đưa đến gặp quốc vương Hung Nô là “Thiền Vu” 单于.
          Thiền Vu bảo rằng:
          Nước Nguyệt Chi ở phía bắc nước ta, triều Hán dựa vào đâu mà phái sứ giả đến nước Nguyệt Chi, lại đi qua nước ta?
          Thế là cưỡng bức giữ lại đám người của Trương Khiên.
          Để chiêu hàng Trương Khiên, Thiền Vu đem một cô gái Hung Nô gã cho Trương Khiên, về sau họ sinh được một đứa con. Tuy bị khấu lưu mười mấy năm, Trương Khiên không hề quên thân phận và nhiệm vụ của mình, trước sau bảo tồn bằng chứng mật sứ mà Hán Vũ Đế giao cho.
          Để đề phòng Trương Khiên đào thoát về lại Hán, Thiền Vu an trí Trương Khiên phía tây Hung Nô. Một ngày nọ, nhân cơ hội người Hung Nô sơ ý, Trương Khiên dẫn bộ hạ chạy thoát đến nước Nguyệt Chi. Vất vả lắm mới vào được địa phận Nguyệt Chi, nhưng quốc vương Nguyệt Chi đã bị Hung Nô giết chết từ lâu, thần dân nước Nguyệt chi lập phu nhân của quốc vương làm vương. Vua tôi nước Nguyệt Chi chạy đến nước Đại Hạ 大夏, chinh phục được Đại Hạ. Đất đai Đại Hạ phì nhiêu, lại không có đạo tặc gây loạn, người nước Nguyệt Chi đã sống một cuộc sống an lạc ở nơi đó. Họ cho rằng Hán cách Đại Hạ rất xa, nếu kết thành minh quốc, không thể giúp đỡ lẫn nhau, nên không muốn kiến lập mối quan hệ thân cận với triều Hán. Đồng thời, lúc ban sơ cũng không nghĩ việc hướng đến Hung Nô đòi nợ máu. Nhân đó, Trương Khiên không thể thuyết phục Nguyệt Chi kết minh với Hán.
          Nhóm Trương Khiên ở lại Đại Hạ hơn một năm, thấy không đạt được mục đích đành về triều phục mệnh. Họ thuận theo Nam sơn 南山, định vòng qua Hung Nô về lại Hán, ai ngờ lại bị Hung Nô bắt được. Hơn một năm sau, Thiền Vu Hung Nô qua đời, trong nước phát sinh nội loạn, Trương Khiên thừa cơ trốn về lại Hán.
          Trương Khiên đi sứ nước Nguyệt Chi lần này, đi về tổng cộng 13 năm, khi đi hơn 100 người, khi về chỉ còn lại ông và Cam Phụ.
          Những nước mà Trương Khiên đi qua, có Đại Uyển 大宛, Nguyệt Chi 月氏, Đại Hạ 大夏, Khương Cư 康居 … Ông từng nghe người ở một số nước này nói qua, bên cạnh Đại Uyển còn có 5,6 nước lớn khác. Sau khi về lại Hán, Trương Khiên đem hình thế, sản vật của những nước này báo cáo tường tận với Hán Vũ Đế.
          Sau đó Hán Vũ Đế ban cho Trương Khiên chức quan cao cấp – Trung lang tướng 中郎将, dẫn 300 nhân viên tuỳ hành, 2 con lạc đà, hàng ngàn bò dê cùng hàng vạn châu báu có giá trị làm lễ vật đi sứ nước Ô Tôn 乌孙.
          Sau khi đến nước Ô Tôn, đầu tiên Trương Khiên dâng lên lễ vật, sau đó chuyển đạt ý của Hán Vũ Đế muốn Hán Ô hai nước kết thành liên minh huynh đệ. Không ngờ vua tôi Ô Tôn thảo luận mãi mà không đưa ra được quyết định thống nhất. Trương Khiên liền sai các vị phó sứ chia nhau ra đi sứ các nước Đại Uyển, Khương Cư, Đại Hạ. Sau khi Trương Khiên từ biệt quốc vương nước Ô Tôn, quốc vương Ô Tôn sai phiên dịch tiễn Trương Khiên về nước, đồng thời phái hơn 10 sứ giả Ô Tôn mang theo 10 con tuấn mã, theo Trương Khiên đến Hán đáp tạ Hán Vũ Đế. Đồng thời quốc vương Ô Tôn muốn sứ giả quan sát nước Hán, hiểu rõ cương vực và tình hình nước Hán.
          Trương Khiên về lại Hán, được Hán Vũ Đế giao giữ chức “Đại hành” 大行 chủ quản việc tiếp đãi tân khách. Hơn một năm sau, Trương Khiên qua đời. Lại qua hơn một năm sau nữa, các phó sứ mà Trương Khiên phái đến các nước như Đại Hạ … lần lượt dẫn những người của nước đó trở về Hán. Từ đó, các nước Tây Bắc mới bắt đầu thông sứ tiết với triều Hán, kiến lập mối quan hệ. Về sau, nước Ô Tôn còn tiếp nhận kiến nghị của Trương Khiên, cưới công chúa triều Hán, đồng thời kết minh với Hán.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 07/5/2015
  
Nguyên tác Trung văn
TRƯƠNG KHIÊN XUẤT SỨ TÂY VỰC
张骞出使西域
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post