Dịch thuật: Hội nghị Bạch Hổ Quan

HỘI NGHỊ BẠCH HỔ QUAN

          Sau khi Kim văn kinh học 今文经学và Cổ văn kinh học古文经学 tranh độc tôn Nho thuật, đối với Kim văn kinh học (kinh điển Nho gia dùng văn tự đương thời để viết gọi là Kim văn kinh học, còn kinh điển Nho gia dùng văn tự cổ để viết được lần lượt phát hiện gọi là Cổ văn kinh học) sự giải thích đã phát sinh nhiều ý kiến bất đồng. Tuyên Đế nhà Tây Hán (tại vị từ năm 73 – năm 49 trước công nguyên) đã từng triệu tập các Nho gia nổi danh lúc bấy giờ tại Thạch Cừ các 石渠阁 để thảo luận những vấn đề trong Nho học. Lần tranh luận đó, bộ Xuân Thu Cốc Lương truyện 春秋谷梁传 chiếm thế thượng phong, triều đình thiết lập học quan chuyên môn nghiên cứu và truyền thụ Xuân Thu Cốc Lương truyện.
          Đầu thời Đông Hán, quan điểm riêng của các môn phái ngày càng thêm sâu, nội bộ các phái nhân vì truyền thừa khác nhau nên đối với kinh điển Nho gia có sự giải thích bất nhất, chương cú cũng khác nhau. Năm Trung Nguyên 中元 nguyên niên đời Quang Vũ Đế Lưu Tú 光武帝刘秀 nhà Đông Hán (năm 56) “tuyên bố đồ sấm vu thiên hạ”, đem cái học sấm vĩ chính thức xác lập làm tư tưởng thống trị quan phương (sấm vĩ 谶纬 là vật kết hợp giữa kinh học và thần học. Sấm là dùng những ẩn ngữ, dự ngôn bí hiểm làm những khải thị của thần, đem những phù lục đồ thư hưóng đến con người báo những cát hung hoạ phúc, trị loạn hưng suy. Do bởi luôn có đồ (hình ảnh) và văn, nên cũng gọi là “đồ thư” 图书 hoặc “đồ sấm” 图谶, cũng còn gọi là “phù mệnh” 符命 hoặc “phù lục”符籙. Vĩ là dùng quan điểm thần học tôn giáo để giải thích kinh điển Nho gia. Kinh văn không thể tuỳ ý sửa đổi, vĩ thư giả thác ý của thần để giải thích kinh điển, nói đó là sự khải thị của thần).
          Sau đó, cái học sấm vĩ ngày càng hưng thịnh, sinh đồ Nho học đều học sấm vĩ, đối sách khảo thí cũng dẫn dụng sấm vĩ. Nhưng phái Cổ văn kinh học bất mãn với việc tuỳ tiện phát huy đối với kinh điển Nho gia của phái Kim văn kinh học, họ xem kinh điển Nho gia là tài liệu lịch sử cổ đại, dựa vào tự nghĩa để giải thích kinh văn, huấn hỗ giản minh, không bịa đặt, không dùng phương pháp thiên nhân cảm ứng, âm dương ngũ hành, thiên biến tai dị, mà từ học thuật xiển minh đạo lí Nho gia, đề xướng đạo đức Nho gia. Phương thức trị học khác nhau của hai phái đã phát sinh sự xung đột kịch liệt. Để tăng cường tư tưởng thống trị, củng cố địa vị thống trị của học phái Nho gia, cần phải có nhiều tiến hành luận chứng, chỉnh lí lại từ nghĩa lí và triết học đối với học thuật sấm vĩ, để xác định tư tưởng thống trị quan phương, đề cao địa vị học thuật của cái học sấm vĩ, khiến sấm vĩ kinh học hoá, kinh học sấm vĩ hoá.
          Năm Kiến Sơ 建初 đời Chương Đế 章帝 (năm 79), theo tấu nghị của Nghị lang Dương Chung 杨终, phỏng theo phương pháp của hội nghị tại Thạch Cừ các thời Tây Hán, triệu tập Nho sinh nổi tiếng các nơi về Bạch Hổ Quan 白虎观, thảo luận chỗ dị đồng của ngũ kinh, đây chính là hội nghị Bạch Hổ Quan nổi tiếng trong lịch sử. Sau đó, Ban Cố 班固 đem kết quả thảo luận biên tập thành quyển Bạch Hổ thông đức luận 白虎通德论, cũng gọi là Bạch Hổ thông nghĩa 白虎通义, được xem là kinh điển khâm định quan phương, cho san khắc lưu hành. Bạch Hổ thông nghĩa là văn kiện mang tính cương lĩnh của Nho học đời Hán.
     Lần hội nghị này do Chương Đế đích thân chủ trì, tham gia có Nguỵ Ứng 魏应, Thuần Vu Cung 淳于恭, Giả Quỳ 贾逵, Ban Cố 班固, Dương Chung 杨终 … Hội nghị do Ngũ quan Trung lang tướng Nguỵ Ứng thừa ý chỉ của hoàng đế phát vấn, Thị trung Thuần Vu Cung đại diện các Nho gia đáp lời, Chương Đế đích thân làm trọng tài. Như vậy khảo sát tường tận chỗ giống và khác nhau, cả tháng mới xong. Hội nghị đã thảo luận vấn đề thiên nhân hợp nhất, vấn đề tai dị, vấn đề âm dương ngũ hành, vấn đề bản tính của con người, tính chất của vật tự nhiên cùng lễ nghi về hôn nhân và tang chế, khẳng định “tam cương lục kỉ” 三纲六纪 (tam cương là quân thần 君臣, phụ tử 父子, phu phụ 夫妇; lục kỉ là chư phụ 诸父, huynh đệ 兄弟, tộc nhân 族人, chư cữu 诸舅, sư trưởng 师长, bằng hữu 朋友), đem “quân vi thần cương” đặt lên hàng đầu trong tam cương, khiến luân lí cương thường phong kiến hệ thống hoá, tuyệt đối hoá, đồng thời đem cái học sấm vĩ lưu hành lúc bấy giờ với kinh điển Nho gia hợp làm một, khiến tư tưởng Nho gia tiến thêm một bước thần học hoá.
          Sau khi hội nghị tại Bạch Hổ Quan dùng tôn chỉ  “cộng chính kinh nghĩa” 共正经义 thống nhất tư tưởng thống trị của kinh học, đối với Kim Cổ kinh văn học, triều đình đã áp dụng phương châm “kiêm thu bác tồn” 兼收博存, ý nghĩa đối lập về chính trị của Kim Cổ văn kinh phái biến mất, dần đi đến chỗ dung hợp. Không ít học giả sau đó đều kiêm trị Kim Cổ văn kinh, trong đó Trịnh Huyền 郑玄 là tập đại thành. Ông lấy Cổ văn kinh thuyết làm chủ, kiêm cả Kim văn kinh thuyết, về học thuật đối với kinh học đời Hán đã có sự tổng kết toàn diện.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 27/5/2015

Nguyên tác Trung văn
BẠCH HỔ QUAN HỘI NGHỊ
白虎观会议
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006. 
Previous Post Next Post