Dịch thuật: Diều và sự sùng bái động vật

DIỀU VÀ SỰ SÙNG BÁI ĐỘNG VẬT

          Diều là một trong những dân tục vui chơi. Từ hình dáng của nó chúng ta có thể thấy được một mặt của văn hoá dân tục. Đối với diều, văn hoá dân tục có ảnh hưởng to lớn. Văn hoá dân tục là văn hoá truyền thừa, là một bộ phận tổ thành trọng yếu của cả văn hoá, là một hiện tượng xã hội của dân tục. Diều được xem là một hiện tượng dân tục, sự hình thành và phát triển của nó không thể độc lập, mà là có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời với nhiều sự vật hiện tượng dân tục, chịu ảnh hưởng to lớn của văn hoá dân tục. Điều này vừa biểu hiện ở phương diện đề tài và hội hoạ của diều, vừa biểu hiện ở phương diện phóng thả.
          Động vật là phương diện trọng yếu của đề tài diều, loài bay trên trời, loài chạy dưới đất, loài bơi trong nước, không gì là không có. Như: diều rồng, diều phụng, diều hạc tiên, diều chim công, diều chim ưng, diều chim yến, diều uyên ương, diều bướm, diều kì lân, diều sư tử, diều 12 con giáp, diều cá v.v… Sự xuất hiện một số lượng lớn diều với những đề tài động vật này, có thể nói rằng nó không thể tách rời sự sùng bái động vật.
          Ví dụ: sự xuất hiện của diều rồng và diều phụng, nói một cách xác thực là, nó thể hiện cụ thể sự sùng bái của con người đối với “long” và “phụng”. Rồng là loài động vật do con người tưởng tượng ra, một trong tứ linh trong truyền thuyết, là vị thần quản về mưa. Trong Sơn hải kinh 山海经 có những câu như:
Ứng long súc thuỷ
应龙畜水
(Ứng long tích nước)
Khứ nam phương xứ chi, cố nam phương đa vũ
去南方处之, 故南方多雨
(Phương nam là nơi ở của nó, cho nên phương nam nhiều mưa)
          Rồng mang lại điềm tốt lành cho con người, có thần lực biến hoá. Trong thần thoại thời thượng cổ, mọi người đem hình tượng Hoàng Đế 黄帝 liên hệ với rồng. Trong Tả truyện – Chiêu Công thập thất niên 左传 - 昭公十七年 có ghi:
Thái Hạo thị (Phục Hi)  dĩ long kỉ, cố dĩ Long sư nhi quan danh
太昊氏 (伏羲) 以龙纪, 故以龙师而官名
(Thái Hạo (Phục Hi) lấy rồng để ghi chép, nên dùng Long sư để gọi tên chức quan)
Trong Bổ Tam Hoàng bản kỉ 补三皇本纪 chép rằng:
Viêm Đế Thần Nông thị, Khương tính, mẫu viết Nữ Đăng, vi Thiếu Điển phi, cảm thần long nhi sinh Viêm Đế.
炎帝神农氏, 姜姓, 母曰女登, 为少典妃, 感神龙而生炎帝
(Viêm Đế Thần Nông, tính Khương, mẹ là Nữ Đăng, phi của Thiếu Điển, nhân cảm thần long mà sinh ra Viêm Đế)
Trong Khuyết lí chí – Cổ trủng 阙里志 - 古冢 có câu:
Hoàng Đế sinh Thọ Khâu
黄帝生寿丘
(Hoàng Đế sinh ra ở Thọ Khâu)
Con cháu Viêm Hoàng bèn tự cho mình là tộc rồng, là hậu đại của rồng, truyền nhân của rồng.  Dân tộc thiểu số Ai Lao ở Vân Nam lấy “long” làm tiêu chí totem, đời đời tương truyền, đều vẽ rồng trên người, áo thêm đuôi để thể hiện là hậu nhân của rồng. Rồng còn là tượng trương cho hoàng quyền trong xã hội phong kiến. Ngày nay mọi người vẫn lấy “long” làm tượng trưng cho dân tộc Hoa Hạ. Đối với sự sùng bái rồng đã sản sinh ra “văn hoá rồng”, nên có diều rồng lấy rồng làm đề tài.
          Đối với việc sản sinh ra diều rồng, có người cho rằng nó có liên quan đến hoàn cảnh địa lí nào đó, điều này còn đợi sự khảo chứng. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân sản sinh ra diều rồng, đầu tiên phải là sự sùng bái của con người đối với rồng và ảnh hưởng “văn hoá rồng”, nếu không, thì sao nhiều địa phương đều xuất hiện diều rồng, mặc dù về tạo hình có sự khác biệt, giải thích như thế nào đây?
          Phụng còn gọi là “phụng hoàng” 凤凰, con trống là phụng, con mái là hoàng, vốn có thuyết “phụng cầu hoàng” 凤求凰. Phụng cũng là loài động vật trong trí tưởng tượng, một trong tứ linh, được cho là vua của trăm loài chim. Truyền thuyết kể rằng, phụng hoàng xuất hiện thì sấm sét không nổ ra, mưa thuận gió hoà, thiên hạ an ninh. Phụng giỏi múa, tính cao khiết, không phải ngô đồng thì không đậu lại, không phải hạt trúc thì không ăn, có thể đem lại cát tường hạnh phúc cho con người. Nhân đó, phụng hoàng trở thành động vật cát tường chốn nhân gian, lấy phụng hoàng làm đề tài chế tạo ra diều là lí đương nhiên, đến nay người ta vẫn lấy hình phụng hoàng để làm đồ trang sức.
          Ngoài ra khi tính tuổi, mọi người vẫn đem 12 chi phối cùng danh xưng của 12 động vật tương ứng, điều này không thể không nói là một hiện tượng sùng bái động vật, 12 con giáp liên quan đến động vật, tự nhiên trở thành đề tài cho diều. Một số danh xưng động vật có liên quan đến cát lợi, giống như “biển bức” 蝙蝠 (con dơi) hài âm với chữ “phúc” ; “lộc” 鹿 con nai hài âm với chữ “lộc” , con nai còn là một trong tứ linh trong truyền thuyết, người ta lấy đề tài con dơi và con nai làm diều, tượng trưng cho có phúc, tài vận hanh thông. “Kê” (con gà)  hài âm với chữ “cát” , “ngư” (con cá) hài âm với chữ “dư” , người ta lấy đề tài con gà con cá để làm diều, trượng trưng cho vạn sự cát lợi, năm năm đều có dư. Những giải thích được xem là hiện tượng sùng bái động vật, có lẽ cũng không là phụ hoạ khiên cưỡng.
          Sùng bái động vật là một bộ phận tổ thành của dân tục tín ngưỡng. Đối với sự sùng bái động vật, đại thể chia làm 2 loại:
          - Một loại là tín ngưỡng totem nguyên thuỷ
          - Một loại là sự sùng bái tinh linh động vật.
          Về nguồn gốc của sự sùng bái động vật, sự sùng bái động vật có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển tự thân của con người. Dục vọng chi phối của con người đối với động vật, như Engels từng nói qua:
          Con người trong quá trình phát triển của mình có được sự ủng hộ của các thực thể khác, nhưng những thực thể này không phải là thực thể cao cấp, không phải là thiên sứ, mà là động vật cấp thấp. Do đó đã sản sinh ra sự sùng bái động vật.
          Feuerbach cũng từng chỉ ra rằng:
          Động vật là loại mà con người không thể thiếu được, một thứ tất yếu; con người sở dĩ là con người cần phải dựa vào động vật; đối với con người mà nói, thứ mà sinh mệnh và sự tồn tại của con người dựa vào chính là thần.
          Ông còn nói rằng:
          Con người yêu động vật và sùng bái động vật chỉ là vì mình, con người sùng bái động vật, chí ít là khi sùng bái động vật là một hiện tượng văn hoá, chỉ
là do bởi động vật phục vụ thay thế cho con người.
          Những luận thuật này rất có ý nghĩa đối với việc chúng ta trong việc lí giải sự xuất hiện diều với đề tài động vật.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 10/4/2015

Nguyên tác Trung văn
PHONG TRANH DỮ ĐỘNG VẬT SÙNG BÁI
风筝与动物崇拜
Trong quyển
PHONG TRANH
風箏
Tác giả: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post