Dịch thuật: Xã hội đời Nguyên và văn hoá đời Nguyên (tiếp theo)

XÃ HỘI ĐỜI NGUYÊN VÀ VĂN HOÁ ĐỜI NGUYÊN
(tiếp theo)

          Người Mông Cổ vốn theo Tát Mãn giáo 萨满教, đây là tín ngưỡng vạn vật hữu linh nguyên thuỷ. Sau khi Thành Cát Tư Hãn 成吉思汗 lập nước phát triển  hướng ra bên ngoài, đã tiếp xúc với các tôn giáo khác. Các Hãn của nước Đại Mông Cổ nhận thức được tôn giáo có lợi cho việc củng cố sự thống trị, đối với
các tôn giáo mà có thể “cáo thiên chúc thọ” 告天祝寿 cho mình, về nguyên tắc đều được sự ủng hộ và bảo hộ, đương nhiên có lúc cũng căn cứ vào nhu cầu và sự yêu thích mà có sự phân biệt khinh trọng. Sau khi Hốt Tất Liệt 忽必烈 lên ngôi, tiếp tục chính sách ủng hộ và bảo hộ các tôn giáo, nhưng giữa Phật và Đạo tranh nhau, rõ ràng nghiêng về Phật giáo, đặc biệt tôn phụng Phật giáo Tạng truyền. Các đế triều Nguyên về sau, thái độ đối với tôn giáo đều theo chính sách của Hốt Tất Liệt, không có sự thay đổi gì to lớn.
          Được xem là tôn giáo của hình thái ý thức, nó là một bộ phận tổ thành trọng yếu của văn hoá. Đời Nguyên, trong cuộc sống tinh thần của các giai tầng xã hội, tôn giáo chiếm địa vị trọng yếu. Các tôn giáo cùng tồn tại, chùa miếu mọc lên như rừng, những hoạt động tôn giáo đa dạng liên niên bất tuyệt, thanh thế dần hưng thạnh mà các đời trước chưa có, trở thành một đại cảnh quan trong cuộc sống văn hoá của thời này. Vào thời này, đối với các lĩnh vực khác của văn hoá, tôn giáo cũng có ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là triết học, thi ca, tản văn, hí khúc, hội hoạ là rõ nét nhất.
          Thời kì Tống Kim đối kháng nhau, văn hoá phương nam so với phương bắc rõ ràng có thành tựu lớn hơn. Sau khi triều Nguyên thống nhất, kinh tế hai miền nam bắc có sự khác biệt rất lớn. Các tỉnh Giang Triết lấy Triết tây (nay là phía nam Giang Tô và phía bắc Triết Giang) làm trung tâm, là khu vực giàu có nhất của cả nước. Sự khác nhau về truyền thống văn hoá vốn có, cộng thêm sự sai biệt về cuộc sống kinh tế, khiến văn hoá nam bắc đời Nguyên có sự khu biệt rất lớn, nét đặc biệt của phương nam là lấy Triết tây làm trung tâm của khu vực Giang Triết, là nơi văn nhân tụ hội, các loại hình thức văn hoá đều có sự phát triển. Còn phương bắc trừ Đại đô 大都 ra, nhìn chung tương đối đình trệ. Sự phát triển văn hoá của hai miền nam bắc của triều Nguyên không đồng đều, đối với văn hoá Trung Quốc sau này có ảnh hưởng sâu sắc.
          Trong văn hoá đời Nguyên còn có một đặc điểm nữa, đó là sự phát đạt của tục văn hoá. Tục văn hoá là đối với nhã văn hoá mà nói. Sự phân biệt tục và nhã chủ yếu ở chỗ sự khác nhau về ngôn ngữ văn tự và sự khác nhau về đối tượng mà nó hướng tới. Tục văn hoá chủ yếu sử dụng bạch thoại văn hoặc ngữ thể văn, nó hướng đến hạ tầng đại chúng, cùng với người Mông Cổ, người Sắc mục không hiểu lắm về truyền thống văn hoá trung nguyên. Nhã văn hoá thì sử dụng thể văn ngôn truyền thống, chủ yếu nó hướng đến sĩ nhân các tộc. Sự xuất hiện của tục văn hoá có thể truy ngược đến thời Đường, triều Tống đã có ảnh hưởng, biểu hiện của nó là tiểu thuyết thoại bản, nghệ thuật diễn xướng dân gian. Đến triều Nguyên, tục văn hoá đã phát triển thành một trào lưu, không chỉ tiểu thuyết thoại bản, nghệ thuật diễn xướng dân gian phát triển, mà tạp kịch, nam hí và tản khúc, một số hoàn toàn có thể quy về phàm trù tục văn hoá, một số thì ở ranh giới giữa nhã và tục. Ngoài ra, còn xuất hiện sử thư thông tục dùng bạch thoại văn hoặc ngữ thể văn để viết. Trong lịch sử phát triển văn hoá cổ đại Trung Quốc, sự hưng thịnh của tục văn hoá đời Nguyên là một hiện tượng mang ý nghĩa quan trọng. Có 2 nguyên nhân chủ yếu:
          - Một là từ đời Tống trở đi, sự phát triển kinh tế thành thị, thương nhân thành thị và những người làm nghề thủ công có nhu cầu đối với văn hoá.
          - Hai là người Mông Cổ, người Sắc mục vào sống ở trung nguyên mong muốn hiểu được văn hoá truyền thống của trung nguyên, nhã văn hoá khiến họ chỉ nhìn đã sợ, tục văn hoá dễ lí giải, phù hợp với nhu cầu của họ.
Cũng chính là nói, sự hưng thịnh của tục văn hoá ở đời Nguyên cũng có bối cảnh xã hội sâu sắc của nó.
          Văn hoá là kiến trúc thượng tầng của xã hội. Những đặc điểm này của xã hội đời Nguyên, về văn hoá đương nhiên có biểu hiện. Những biểu hiện này trên thực tế cũng chính là chỗ khác nhau giữa văn hoá đời Nguyên với các đời trước.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 08/02/2015

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN ĐẠI XÃ HỘI HOÀ NGUYÊN ĐẠI VĂN HOÁ
元代社会和元代文化
Trong quyển
TỐNG NGUYÊN VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
宋元文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ Nhân dân xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post