Dịch thuật: Trúc lâm thất hiền



竹林七贤
    陈留的阮籍, 谯国的嵇康, 河内的山涛,三人年皆相比,康年少亚之.预此契者:沛国刘伶,陈留阮咸,河内向秀,琅邪王戎.七人常集于竹林之下,肆意酣畅,故世谓竹林七贤”.
                                                           (世说新语 - 任诞)

TRÚC LÂM THẤT HIỀN
          Trần Lưu đích Nguyễn Tịch, Tiều quốc đích Kê Khang, Hà Nội đích Sơn Đào tam nhân niên giai tương tỉ, Khang niên thiểu á chí. Dự thử khế giả: Bái quốc Lưu Linh, Trần Lưu Nguyễn Hàm, Hà Nội Hướng Tú, Lang Nha Vương Nhung. Thất nhân thường tập vu trúc lâm chi hạ, tứ ý hàm sướng, cố thế vị “Trúc lâm thất hiền”
                                                                      (Thế thuyết tân ngữ - Nhậm đản)

TRÚC LÂM THẤT HIỀN
          Nguyễn Tịch ở Trần Lưu, Kê Khang ở Tiều quốc, Sơn Đào ở Hà Nội, ba người này tuổi xấp xỉ nhau, trong đó Kê Khang tuổi nhỏ hơn. Về sau tham gia tụ họp cùng với họ còn có: Lưu Linh ở Bái quốc, Nguyễn Hàm ở Trần Lưu, Hướng Tú ở Hà Nội, Vương Nhung ở Lang Nha. Bảy người thường tụ tập nơi rừng trúc, uống rượu thoả thích, nên người đời gọi họ là “Trúc lâm thất hiền”.

Chú của người dịch
Thế thuyết tân ngữ 世说新语 : bộ bút kí tiểu thuyết thuật lại những huyền học ngôn đàm dật sự của sĩ đại phu thời Nguỵ Tấn. Trong đó có thể nhìn thấy ngôn đàm về huyền học thời Nguỵ Tấn đã trở thành phong thượng, mà huyền học chính là lấy tư tưởng Lão Trang làm gốc. Tư tưởng của Đạo gia đối với phương thức tư duy và trạng thái sinh hoạt của sĩ đại phu thời Nguỵ Tấn, thậm chí phong khí của cả xã hội đều sản sinh ảnh hưởng quan trọng. Tác phẩm này do Lâm Xuyên Vương Lưu Nghĩa Khánh 临川王刘义庆, thuộc dòng dõi tông thất nhà Lưu Tống thời Nam Bắc triều đã tập hợp một số văn nhân biên soạn, Lưu Tuấn 刘峻 đời Lương viết lời chú. Toàn sách nguyên có 8 quyển, bản chú của Lưu Tuấn phân làm 10 quyển. Các bản hiện nay đều là 3 quyển phân làm 36 môn như: đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn học, phương chính, nhã lượng v.v… Toàn sách tổng cộng hơn 1000 tắc, kí thuật những dật văn dật sự của danh sĩ quý tộc từ cuối đời Hán đến thời Lưu Tống, chủ yếu là những câu chuyện có liên quan đến việc bình luận, thanh đàm huyền ngôn và ứng đối cơ trí của các nhân vật.
          Lưu Nghĩa Khánh 刘义庆 (năm 403 – khoảng năm 444): người Bành Thành 彭城 (nay là Từ Châu 徐州 Giang Tô 江苏), văn học gia thời Nam triều, thuộc dòng dõi tông thất nhà Lưu Tống, được tập phong Lâm Xuyên Vương 临川王, nhậm chức Thứ sử Kinh Châu 荆州. Ông giữ chức được 8 năm, chính tích rất tốt. Sau nhậm chức Thứ sử Giang Châu 江州, được một năm, nhân vì đồng tình với một viên quan bị biếm là Vương Nghĩa Khang 王义康 đã xúc nộ Văn Đế, bị điều về kinh đổi làm Thứ sử Nam Kinh Châu 南京州, Đô đốc gia khai phủ nghi đồng tam ti. Chẳng bao lâu vì bệnh ông từ chức.
Lưu Nghĩa Khánh mất năm Nguyên Gia 元嘉 thứ 21 ở Kiến Khang 建康 (nay là Nam Kinh)
          Lưu Nghĩa Khánh từ nhỏ đã tài hoa xuất chúng, yêu thích văn học. Ngoài Thế thuyết tân ngữ 世说新语  ra, ông còn có tiểu thuyết chí quái U minh lục 幽明录.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/39662.htm
          Tắc  Trúc lâm thất hiền竹林七贤  thuộc môn Nhậm đản 任诞

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 11/01/2015

Nguồn
THẾ THUYẾT TÂN NGỮ
世说新语
Tác giả: Lưu Nghĩa Khánh 刘义庆
Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post