Dịch thuật: Mối quan hệ giữa tộc Việt cổ với sự sùng bái rắn

MỐI QUAN HỆ GIỮA TỘC VIỆT CỔ VỚI SỰ SÙNG BÁI RẮN

          Nhà nhân loại học Phương Hoài Ngã 方怀我 đối với tác phẩm Xà lang quân cố sự 蛇郎君故事 ở vùng đông nam đã tiến hành điều tra, câu chuyện này có thể khái quát như sau:
          Thời xưa có một nông phu khi ra ngoài gặp phải rắn. Rắn quấn chặt lấy, yêu cầu phải gã con gái cho rắn. Nông phu hỏi ý kiến 2 người con gái, người con lớn kiên quyết không chịu; riêng người con út vì để cứu cha nên khảng khái nhận lời. Vì thế rắn đã cắp lấy cô gái bay đi. Đến một cung điện, ác xà quẫy thân hoá thành một chàng thanh niên tuấn tú, thành hôn cùng cô gái, hai người sống một cuộc sống vô cùng hạnh phúc.
          Câu chuyện này lưu truyền vùng Phúc Kiến 福建, Quảng Đông 广东, Triết Giang 浙江, Quảng Tây 广西. Bốn tỉnh này chính là khu vực của tộc Việt cổ đại cư trú. Từ đó, kết luận một cách tự nhiên rằng: Xà lang quân cố sự蛇郎君故事 là câu chuyện còn sót lại của văn hoá Việt thời viễn cổ, người Việt lúc bấy giờ sùng bái rắn. Kết luận này từng bước được văn tự mới cùng những phát hiện khảo cổ chứng minh. Trong những đồ vật thời đại đồ đá mới của mấy tỉnh đông nam nói trên, người ta từng phát hiện nhiều hoa văn hình kỉ hà , ví dụ như hình tam giác, hình củ ấu, hình răng cưa v.v… Người thời cổ từ đâu mà có được gợi ý về những hoa văn này? Gần đây, trong quyển Kỉ hà ấn văn đào dữ cổ Việt tộc đích xà đồ đằng sùng bái 几何印纹陶与古越族的蛇图腾崇拜 (1), Trần Văn Hoa 陈文华 đã đề xuất: Những hoa văn này đều tương tự hoa văn ở da rắn, người xưa đã vẽ những hoa văn này trên những đồ vật thường dùng, thể hiện tín ngưỡng totem của họ - sùng bái rắn! Ý nghĩa của phát biểu này rất lớn, hoa văn trên những đồ vật trước đây mà người ta không thể hiểu được, cuối cùng đã có được sự giải thích văn hoá một cách hợp lí. Sự tồn tại rộng rãi của nó chứng thực tính rộng rãi ở việc sùng bái rắn của người Việt cổ. Trên thực tế, đối với tập tục sùng bái rắn của người Việt cổ rất rõ ràng trong lòng. Trong Ngô Việt Xuân Thu – Hạp Lư nội truyện 吴越春秋 - 阖闾内传 có nhắc đến tại cửa nam thành Cô Tô 姑苏 kinh đô của nước Ngô có trang trí hình rắn:
          Việt tại Tị vị, kì vị xà dã. Cố nam đại môn thượng hữu mộc xà, bắc hướng thủ nội, thị Việt thuộc Ngô dã.
          越在巳位, 其位蛇也. 故南大门上有木蛇, 北向首内, 示越属吴也.
          (Việt tại phương vị Tị, phương vị này thuộc xà. Cho nên trên cửa lớn phía nam có tạc con rắn gỗ, hướng về bắc nhưng đầu quay vào bên trong, ý nói Việt thuộc Ngô.)
          Trong các vùng Việt thì Mân Việt 闽越 là sùng bái rắn nhất. Hứa Thận 许慎 thời Đông Hán trong Thuyết văn giải tự 说文解字 khi giải thích chữ “mân” đã trực tiếp nói rằng:
Mân, đông nam Việt, xà chủng.
, 东南越, 蛇种.
(Mân là người Việt ở phía đông nam Trung Quốc, lấy rắn làm totem)
          Vùng đất Việt thời cổ ẩm ướt, oi bức, là thiên đường cho loài rắn. Lấy khu vực núi Vũ Di 武夷 Phúc Kiến 福建 làm ví dụ, các nhà Sinh vật học phát hiện: Nơi đây vùng Á nhiệt đới, mưa và rừng bao phủ sơn cốc, mỗi kilomet vuông, mật độ rắn đạt từ 10000 con trở lên. Đến nay nông dân vung Mân bắc khi đi đường núi phải mang theo bên mình gậy trúc, thỉnh thoảng đánh vào những bụi cỏ để rắn kinh sợ tránh bị cắn. Khi chúng tôi đến vùng nông thôn Mân bắc, chuyện mà thường nghe nhất là những chuyện có liên quan tới rắn. Sống trong môi trường tràn đầy không khí văn hoá rắn, chúng ta cảm nhận được tâm lí kính sợ rắn của người dân vùng Mân bắc. Thời cổ, môi trường người Việt cổ sinh sống so với hiện tại đương nhiên nghiêm khắc hơn, thế thì đối với rắn, họ sản sinh tâm lí sợ hãi, thậm chí sùng bái vô hạn, điều đó không phải không có cách lí giải. Trong Sử kí 史记, Hán thư 汉书 có nói đến tập tục cắt tóc xăm mình của người Việt, và giải thích rằng:
          Thường tại thuỷ trung, cố đoạn kì phát, văn kì thân, dĩ tượng long tử, cố bất kiến kì thương hại dã.
          常在水中, 故断其发, 纹其身, 以像龙子, 故不见其伤害也.
          (Thường ngâm mình trong nước, cho nên cắt tóc, xăm mình, để giống rồng, cho nên không bị làm hại)
          “Long tử” 龙子, tức nhã xưng về rắn. Trên thân người Việt vẽ những hoa văn giống da rắn, không nghi ngờ gì tập tục này cho thấy rõ totem của họ - sự sùng bái đối với rắn.
          Đất Việt thời cổ cũng bao gồm cả đảo Đài Loan 台湾. Từ thời Chiến Quốc  đã có cách nói “nội Việt” 内越 và “ngoại Việt” 外越. Thế thì “nội Việt” và “ngoại Việt” rốt cuộc là ở đâu? Theo nghiên cứu của học giả nổi tiếng Mông Văn Thông 蒙文通, nội Việt chỉ đất Việt của 4 tỉnh ở đại lục, còn ngoại Việt chỉ di dân Việt ở đảo Đài Loan. Đại khái là trước thời Chiến Quốc, Sở Vương công diệt nước Việt, đất Việt bị nước Sở thôn tính, tộc Việt phân tán ra xuống các nơi ở phương nam, hình thành “ngoại Việt” và “nội Việt”. Trong đó, đến các tỉnh Mân , Cán, Việt , Quế là “nội Việt”, còn di cư đến đảo Đài Loan được gọi là “ngoại Việt”. Cách nói này có thể được sử sách chứng minh. Theo Đài Loan thông sử 台湾通史, tại Đài Loan cũng có di tích giống “Việt Vương đài” 越王台mà thường thấy ở đại lục. Công trình điều tra của các nhà Dân tục học cũng chứng minh: tại Đài Loan có một bộ phận văn hoá của người bản địa giống người Việt cổ. Lấy tập tục sùng bái rắn mà nói, người Bài Loan 排湾, người Thái Nhã 泰雅, người Lỗ Khải 鲁凯, người Bố Y 布衣ở khu vực Cao Sơn 高山 Đài Loan đều lưu hành tập tục này. Trong Tuỳ thư – Đông di truyện 隋书 - 东夷传 nói rằng:
          Lưu Cầu quốc cư hải đảo chi trung, ….. phụ nhân dĩ mặc kình thủ vi trùng xà chi văn.
          琉球国居海岛之中, ….. 妇人以墨黥手为虫蛇之文.
          (Nước Lưu Cầu ở trong hải đảo, ….. phụ nữ dùng mực xăm vào tay hoa văn trùng xà).
          Tập tục này đến nay vẫn còn bảo lưu ở người Thái Nhã, người Bài Loan tại Đài Loan. Người Thái Nhã thừa nhận: hoa văn của họ được gợi ý từ hoa văn ở rắn. Còn người Bài Loan thì nói rằng, những hình cong, hình răng cưa, hình gạch chéo, hình lưới trong đồ án hoa văn xăm trên thân của họ là từ hoa văn hình tam giác trên thân bách bộ xà 百步蛇 biến hoá mà ra. Thứ nữa, người Bài Loan truyền nhau rằng: ông tổ của họ là một loại linh xà. Linh xà hoá thân thành hai xà thần – một nam một nữ, sinh ra người Bài Loan. Vì thế trong tông miếu của người Bài Loan và người Lỗ Khải có tượng khắc tổ tiên với rắn, có tượng người và rắn hợp thành nhất thể, biểu thị người và rắn không thể phân chia; có tượng người bên trên có khắc hình rắn, biểu thị lấy uy linh của tổ tiên để tăng thêm thân phận của mình. Thực tế, trên những đồ dùng thường ngày của người Bài Loan, như bình phong, gối kê đầu bằng gỗ, va li gỗ, thùng gỗ, ống điếu, khiên gỗ, cán dao, bao kiếm, bình sứ đa phần không thể thiếu trang sức hình rắn. Có thể thấy, dân bản địa Đài Loan đối với việc bảo lưu văn hoá Việt cổ đã vượt qua cả đại lục. Hơn nữa, trong tộc người Hán ở Đài Loan, cũng lưu truyền câu chuyện Xà lang quân. Tóm lại, văn hoá rắn ở Đài Loan cũng là di tích việc sùng bái totem rắn của người Việt cổ.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 12/12/2014

Nguyên tác Trung văn
CỔ ĐẠI VIỆT TỘC DỮ XÀ SÙNG BÁI ĐÍCH QUAN HỆ
古大越族与蛇崇拜的关系
Trong quyển
MA TỔ ĐÍCH TỬ DÂN
妈祖的子民
Tác giả: Từ Hiểu Vọng 徐晓望
Thượng Hải - Học Lâm xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post