Dịch thuật: Chỉ hươu nói ngựa

CHỈ HƯƠU NÓI NGỰA

          Triệu Cao 赵高 sau khi lập kế hại Lí Tư 李斯 lên làm Thừa tướng, dã tâm của ông ta càng lớn, muốn làm hoàng đế. Triệu Cao sợ các đại thần phản đối nên đã nghĩ ra một cách để trắc nghiệm họ. Một ngày nọ, Triệu Cao dắt đến một con hươu dâng lên cho Tần nhị thế, nói rằng:
          Thần kính tặng bệ hạ một con ngựa.
          Tần nhị thế cười nói rằng:
          Thừa tướng, ông nhầm rồi, hươu mà nói là ngựa.
          Triệu Cao hỏi các đại thần:
          Các ông nói thử, đây là hươu hay là ngựa?
          Có người không dám lên tiếng, có người bảo là hươu, còn những kẻ dua nịnh theo Triệu Cao thì bảo đó là ngựa. Về sau, Triệu Cao kiếm cớ thực hành biện pháp với những ai không theo mình nói là ngựa.
          Đối với Nhị thế, Triệu Cao để mặc vui chơi hưởng lạc, không hề khuyên can. Như có một lần, Nhị thế nói với Triệu Cao rằng:
          Người sinh ra trên đời, giống như cưỡi xe đóng 6 con tuấn mã vượt qua khe cửa nhanh biết bao. Hiện tại ta đã nắm thiên hạ, cần phải theo những gì mà mắt tai mình ưa thích, ra sức hưởng lạc, cứ như thế mà hưởng hết tuổi đời, khanh xem có được không?
          Triệu Cao nói rằng:
          Đó chính là những điều mà những quân chủ hiền minh thích làm, còn những quân chủ ngu xuẩn lại phản đối.
          Như thế, Triệu Cao vừa được lòng Nhị thế, lại khiến Nhị thế bỏ bê chính sự, mọi việc đều do Triệu Cao xử lí. Dưới sự hướng dẫn của Triệu Cao, Nhị Thế không những kế thừa mọi chính sách bạo ngược của Tần Thuỷ Hoàng, mà còn tăng thêm sự bạo ngược vô đạo. Như tu sửa cung A Bàng 阿房 (1), thuế khoá nặng nề, lính thú dao dịch không lúc nào ngừng, làm hao tổn tài lực vật lực của thiên hạ.
          Triệu Cao tự biết mình giết quá nhiều người, tích oán khắp trong triều ngoài nội, sợ quần thần đàn hặc. Để không ai nghị luận, Triệu Cao đã không cho Nhị thế tiếp xúc quần thần. Để tiện bề thao túng, Triệu Cao thao túng Nhị thế trong tay mình, lại lừa dối Nhị thế:
          Thiên tử sở dĩ tôn quý đó là do ở nơi thâm cung, chỉ để bề tôi nghe được tiếng, chứ không để họ thấy được mặt. Trước đây tiên hoàng tại vị trong một thời gian dài,  quần thần không ai không kính sợ, cho nên dù mỗi ngày diện kiến với quần thần, họ cũng không dám làm càn, dâng những tà thuyết. Hiện tại bệ hạ còn trẻ, lại vừa mới lên ngôi, các sự việc chưa hẳn đã tinh thông. Như thế, nếu tại triều xử lí chính sự, lỡ có sai lầm, xử trí không thoả đáng, trước mặt quần thần bộc lộ nhược điểm, há không tổn hại đến sự thánh minh của bệ hạ sao? Thiên tử xưng “trẫm”, “trẫm” là hữu thanh vô hình, mọi người có thể ngóng từ xa chứ không thể đến gần, cho nên, hi vọng bệ hạ từ nay trở đi không cần phải lâm triều diện kiến quần thần, chỉ cần ở nơi cung cấm, nếu có việc gì sẽ do thần và quan Thị trung xử lí là được. Như vậy các đại thần không dám dùng những việc khó để thử bệ hạ, thiên hạ cũng xưng tụng bệ hạ là thánh chúa.
          Tần nhị thế không có chủ kiến, đắm chìm trong dâm lạc, ghét sự việc quấn lấy bên thân. Từ đó, Nhị thế rất ít khi lâm triều, cả ngày vui chơi cùng cung thiếp và hoạn quan. Mọi việc trong ngoài đều do Triệu Cao xử lí. Nhị thế trở thành một vị hoàng đế bù nhìn.
         
Chú của người dịch
(1)- Về chữ :
Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm:
Phòng: cái buồng …
Bàng: A Bàng tên cung điện nhà Tần.
(trang 223, nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993)

Trong Khang Hi tự điển 康熙字典cũng có 2 âm:
          - Âm Bắc Kinh hiện đại thứ nhất là fang (thanh 2)
          Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều phiên thiết là phù phương 符方. Âm (phòng)
          - Âm Bắc Kinh hiện đại thứ hai là pang (thanh 2)
          Quảng vận 廣韻 phiên thiết là bộ quang 步光
          Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻  phiên thiết là bồ quang 蒲光, đều âm là (bàng).
          Ở Quảng vận 廣韻 ghi rằng:
A Bàng, Tần cung danh
阿房,秦宮名
(A Bàng là tên một cung đời Tần)
(trang 362, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)

          Bài 阿房宮賦 của Đỗ Mục 杜牧trong Đường Ngũ đại tản văn 唐五代散文 do Hồ Sĩ Minh 胡士明 và Từ Thụ Nghi 徐树仪 biên soạn, Thượng Hải thư điếm xuất bản, ở lời chú số 2 có chú âm Bắc Kinh hiện đại của 2 chữ 阿房 là e pang (thanh 1 và thanh 2).  (trang 48, Thế kỉ xuất bản tập đoàn, 200)
          Tôi chọn âm “bàng”, như vậy tên cung là “A Bàng

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 30/11/2014

Nguyên tác Trung văn
CHỈ LỘC VI MÃ
指鹿为马
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post