Dịch thuật: Những ngày lễ tiết trong năm

NHỮNG NGÀY LỄ TIẾT TRONG NĂM

          Do bởi mối quan hệ phong tục tập quán, trong năm có một số ngày lễ tiết như sau:
Nguyên đán 元旦: đây là ngày một 1 tháng Giêng.
Nhân nhật 人日: là ngày mồng 7 tháng Giêng. Theo truyền thuyết, mồng 1 tháng Giêng là “kê nhật” 雞日, mồng 2 là “cẩu nhật” 狗日, mồng 3 là “trư nhật” 猪日, mồng 4 là “dương nhật” 羊日, mồng 5 là “ngưu nhật” 牛日, mồng 6 là “mã nhật” 馬日.
          Trong bài Nhân nhật kí Đỗ Nhị Thập Di 人日寄杜二十遺 của Cao Thích 高適 có câu:
Nhân nhật đề thi kí thảo đường
人日題詩寄草堂
(Nhân nhật đề thơ gởi đến thảo đường)
Thượng nguyên 上元 (nguyên tiêu 元宵): ngày 15 tháng Giêng. Tục xưa đêm rằm tháng Giêng thắp đèn vui chơi nên còn gọi là “đăng tiết” 燈節.
          Trong bài từ theo điệu Sinh tra tử 生查子 của Chu Thục Trinh 朱淑貞 có câu:
Khứ niên nguyên dạ thời
Hoa thị đăng như trú
去年元夜時
花市燈如晝
(Nguyên tiêu năm ngoái
Phố hoa đèn rực sáng như ban ngày)
Xã nhật 社日: ngày nhà nông tế Xã cầu được mùa, ngày Mậu thứ 5 sau Lập Xuân (trước sau Xuân phân).
          Trong bài Tao Điền Phu nệ ẩm mĩ Nghiêm Trung thừa 遭田夫泥飲美嚴中丞, Đỗ Phủ 杜甫 viết:
Điền ông bức Xã nhật
Yêu ngã thường xuân tửu
田翁逼社日
邀我嘗春酒
(Điền ông nói rằng sắp tới ngày xuân Xã
Mời tôi đến nhà ông thưởng thức rượu xuân)
          Bài Xã nhật thi 社日詩 của Vương Giá 王駕 có câu:
Tang chá ảnh tà Xuân Xã tán
Gia gia phù đắc tuý nhân quy
桑柘影斜春社散
家家扶得醉人歸
(Bóng cây dâu cây chá dần dài ra, bữa tiệc Xuân Xã đã tan
Những người uống say được người nhà dìu về nhà)
          Đó là Xuân Xã 春社. Ngoài ra ngày Mậu thứ 5 sau Lập Thu là Thu Xã 秋社, trước và sau Thu phân.
Hàn thực 寒食: trước Thanh minh 清明 2 ngày. Trong Kinh Sở tuế thời kí 荊楚歲時記 có nói: sau Đông Chí 冬至 105 ngày là Hàn thực, cấm lửa 3 ngày. Nhân đó có người lấy “nhất bách ngũ” 一百五 gọi thay Hàn thực. Bài Hàn thực tiết nhật kí Sở Vọng 寒食節日寄楚望 của Ôn Đình Quân 溫庭筠 có ghi:
Thời đương nhất bách ngũ
時當一百五
(Lúc này đương là ngày “nhất bách ngũ”)
          Theo cách tính cũ, trước Thanh minh 2 ngày không nhất định là 105 ngày, có lúc là 106 ngày. Cho nên Nguyên Chẩn 元稹 trong bài Liên Xương cung từ 連昌宮詞  đã viết:
Sơ qua Hàn thực nhất bách lục
Điếm xá vô yên cung thụ lục
初過寒食一百六
店舍無煙宮樹綠
(Đến tiết Hàn thực một trăm lẻ sáu ngày
Quán xá không khói, cây trong cung mướt xanh)
Thanh minh 清明: chính là tiết Thanh minh. Người xưa thường đem Thanh minh và Hàn thực hợp lại. Bài Thanh minh 清明 của Đỗ Mục 杜牧 có câu:
Thanh minh thời tiết vũ phân phân
清明時節雨紛紛
(Thời tiết ngày Thanh minh mưa bay lất phất)
Hoa triêu 花朝: ngày 12 tháng 2 là Hoa triêu, còn gọi là “bách hoa sinh nhật”
Thượng Tị 上巳: vốn được ấn định vào ngày Tị của thượng tuần tháng 3 (nên
gọi là Thượng Tị). Tục cũ vào ngày này đi đến bờ nước rũ bỏ những điều bất tường, gọi là “tu hễ” 修禊. Nhưng từ thời Tào Nguỵ về sau, ấn định cố định vào ngày mồng 3 tháng 3. Sau này biến thành ngày ra ngoại thành chơi xuân yến ẩm bên bờ nước. Bài Lệ nhân hành 麗人行 của Đỗ Phủ 杜甫 có câu:
Tam nguyệt tam nhật thiên khí tân
Trường An thuỷ biên đa lệ nhân
三月三日天气新
長安水邊多麗人
(Ngày mồng 3 tháng 3 khí trời tươi mới
Bên bờ nước ở Trường An có nhiều người đẹp)
Dục Phật tiết 浴佛節: truyền thuyết cho rằng ngày mồng 8 tháng 4 là ngày sinh của Thích Ca Mâu Ni 釋迦牟尼. Trong Kinh Sở tuế thời kí 荊楚歲時記 có nói, vùng Kinh Sở vào ngày mồng 8 tháng 4 các chùa lấy nước thơm tắm Phật, cùng tổ chức hội Long Hoa 龍華. Trong Lạc Dương già lam kí – Pháp Vân tự 洛陽伽藍記 - 法雲寺 có ghi:
Tứ nguyệt sơ bát nhật, kinh sư sĩ nữ đa chí Hà Gian tự
四月初八日, 京師士女多至河間寺
(Vào ngày mồng 8 tháng tư, nhiều nam nữ ở kinh sư đến chùa Hà Gian)
Đoan Ngọ 端午 (Đoan dương 端陽): ngày mồng 5 tháng 5. Trong Kinh Sở tuế thời kí 荊楚歲時記 có nói, ngày mồng 5 tháng 5 Khuất Nguyên 屈原 nhảy xuống sông tự tận, vào ngày này mọi người đua nhau qua sông, biểu thị ý cứu Khuất Nguyên (về sau làm thuyền thành hình rồng, gọi là đua “long chu” 龍舟.) Rất nhiều truyền thuyết liên quan đến Đoan Ngọ. Từ thời Đường về sau, tiết Đoan Ngọ được quy định là đại tiết, thường có ban thưởng. Đỗ Phủ trong bài Đoan Ngọ nhật tứ y 端午日賜衣 đã viết:
Đoan Ngọ bị ân vinh
端午被恩榮
(Ngày Đoan Ngọ được vua ân sủng)
                                                                                (còn tiếp)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 21/5/2014

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post