Dịch thuật: Truyền thuyết phụng hoàng

TRUYỀN THUYẾT PHỤNG HOÀNG

          Ngày xưa, trăm loài chim cùng sống trong một khu rừng lớn. Hàng ngày, chúng ăn no rồi vui đùa, con thì hát, con thì múa, lại có những con rượt đuổi nhau giỡn chơi thoả thích, chúng trải qua những ngày tháng không buồn lo.
          Trong số trăm loài chim đó, có một con ăn mặc rất đơn sơ, nhìn không giống với những loài chim nhỏ, tên gọi là “phụng hoàng” 凤凰. Không như những loài chim khác chỉ biết ăn no rồi vui đùa, nó từ sáng đến tối đi gom nhặt những trái cây, không lúc nào ngơi nghỉ, gom về sơn động từng trái từng trái mà những chim khác bỏ đi . …
          Một năm nọ xảy ra một trận hạn hán nghiêm trọng, cỏ trên núi khô héo, lá cây cũng bị úa tàn. Trăm loài chim tìm không được thức ăn, có con đói đến mức váng đầu hoa mắt, có con đói đến mức thở không ra. Cả khu rừng đầy tiếng khóc, tiếng than. Một ngày kia, phụng hoàng từ xa gom trái cây trở về nhìn thấy tình cảnh ấy, liền vội mở sơn động, đem trái cây và cỏ tích góp bấy lâu nay phân phát cho trăm loài chim, khiến chúng vượt qua được cơn đại nạn.
          Để cảm ơn cứu mạng của phụng hoàng, mỗi con chim chọn một chiếc lông đẹp nhất trên thân mình, tập trung lại kết thành chiếc “bách điểu y” 百鸟衣 màu sắc sáng tươi rực rỡ tặng cho phụng hoàng. Từ đó, phụng hoàng trở thành loài chim đẹp nhất, được trăm loài chim nhất trí tôn làm “điểu vương”. Hàng năm cứ đến sinh nhật của phụng hoàng, trăm loài chim đều bay đến chúc mừng, đây chính là “Bách điểu triều phụng” 百鸟朝凤 (1).

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- TRẦN CẦN KIẾN 陈勤建: Hoa điểu trùng ngư đích truyền thuyết 花鸟虫鱼的传说, Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 1984.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 11/3/2014

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Uyển xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post