Dịch thuật: Bí ẩn về giáp cốt văn ở Ân khư

BÍ ẨN VỀ GIÁP CỐT VĂN Ở ÂN KHƯ

          Khoảng thời Quang Tự 光绪 nhà Thanh, nông dân thôn Tiểu Đồn 小屯 thành phố An Dương 安阳 tỉnh Hà Nam 河南 ở phía nam sông Viên đang cày ruộng, bỗng phát hiện một số mảnh xương, họ nhặt lên xem , xương đã hoá thạch, có mảnh bên trên còn lưu lại vết khắc hoạ. Mấy nông dân chất phác này không ngờ rằng, xương mà trong tay họ cầm là cổ vật đã có cách nay hơn 3000 năm, vết khắc hoạ bên trên chính là văn tự lúc bấy giờ. Họ chỉ cảm thấy những mảnh xương này có niên đại tương đối lâu, có thể đem bán cho các tiệm thuốc để kiếm ít tiền. Vì thế, có người lựa những mảnh xương  tương đối lớn đem đến hiệu thuốc, quả nhiên hiệu thuốc cho đó là “long cốt” liền thu mua.
          Cuối đời nhà Thanh, trong hiệu thuốc tại một số địa phương Trung Quốc, có một vị thuốc tên là “long cốt”, vị thuốc này thường được dùng để trị vết thương, tục gọi là “đao tiêm dược” 刀尖药. Khi sử dụng, đem long cốt nghiền thành bột, bôi lên vết thương, có thể cầm máu, giúp vết thương mau lành. Ngoài ra, còn có thể dùng để trị các bệnh của trẻ con, của phụ nữ, và cả chứng thận hư của đàn ông. Vì thế, nông dân thôn Tiểu Đồn một khi rảnh là đi khắp nơi đào tìm long cốt. Cứ như vậy, một số lượng lớn xương cho là long cốt được bán cho tiệm thuốc, còn có người nghiền thành bột đem bán tại hội miếu vùng An Dương vào hai mùa Xuân Thu. Hình trạng của mảnh xương này, lớn có, nhỏ có, có mảnh không có chữ, có mảnh có chữ. Ở những mảnh có chữ, chữ còn được bôi chu sa hoặc mực. Do bởi tiệm thuốc không dùng long cốt có chữ, cho nên người ta đã mài nhẵn văn tự, rửa sạch màu bên trên, như vậy, những bảo vật vô giá vô tình bị huỷ hoại. Trong làng còn có người chuyên thu mua long cốt, nhờ đó mà phát tài. Một thời gian, một số lượng long cốt được tiêu thụ đến tận những nơi xa như  Bắc Kinh, Hà Bắc … Những văn vật trân quý này được đưa vào thuốc để dùng, một chén, một nồi, không biết đã mất đi bao nhiêu.
          Long cốt thần kì này đương nhiên không phải xương của rồng, mà chỉ là xương của động vật được chôn dưới đất lâu năm và đã hoá thạch. Thế thì, rốt cuộc là xương của loài động vật nào? được chôn ở đâu? chỗ thần kì của nó có phải là trị được bệnh không? Kì thực, bên trong còn ẩn chứa một bí ẩn văn hoá lịch sử to lớn.
          Những mảnh xương được mọi người cho là long cốt này rốt cuộc là cổ vật quý giá như thế nào? Giải được bí ẩn này có liên quan đến một nhân vật vô cùng quan trọng, đó chính là Vương Ý Vinh 王懿荣, người Phúc Sơn 福山 Sơn Đông 山东, nhậm chức Đoàn luyện đại thần 团练大臣 tại Bắc Kinh lúc bấy giờ. Vương Ý Vinh rất ham thích cổ vật, là nhà Kim thạch học, ông rất giỏi về minh văn 铭文của các loại đồ đồng, cũng có thể giám định được thực giả của một số cổ vật. Năm Quang tự thứ 25 (năm 1899), Vương Ý Vinh  mắc bệnh sốt rét, thầy thuốc kê cho ông toa thuốc, trong đó có vị long cốt. Khi mang thuốc về, Vương Ý Vinh mở ra xem, đột nhiên giật mình, mảnh long cốt bên trong bên trên có khắc văn tự. Dựa vào kinh nghiệm lâu năm của mình, ông ý thức được đây là một loại văn tự rất cổ xưa. Ngay lập tức ông sai người đến tiệm thuốc thu mua những mảnh xương còn lại. Ông không tiếc tiền bạc, cứ mỗi chữ mua với giá cao là 2 lượng bạc.
          Về sau, Lưu Ngạc 刘鹗, người viết bộ Lão tàn du kí 老残游记 cũng bắt đầu thu mua. Tháng 10 năm 1903, trong lời tựa bộ Thiết Vân tàng quy 铁云藏龟, Lưu Ngạc lần đầu tiên xác định những văn tự này chính là “Ân đại nhân đích đao bút văn tự” 殷代人的刀笔文字(văn tự bút dao của người đời Ân), nhân đó đã vén được bí ẩn điều mà gọi là “long cốt”. Từ đó mọi người cũng không gọi chúng là “long cốt” nữa, điều này không thể không quy công cho sự phát hiện ngẫu nhiên của Vương Ý Vinh, ông tuy chưa chỉ rõ đó là giáp cốt văn đời Thương, nhưng chính do bởi ông không tiếc tiền bạc để thu mua nên đã dẫn đến sự chú ý của mọi người. Từ đó, việc nghiên cứu giáp cốt văn đã phát triển.
          Đúng như Lưu Ngạc đã nói, những mảnh xương gọi là “long cốt” này chính là di vật cuối thời nhà Thương. Mọi người lúc bấy giờ mê tín chiêm bốc, phàm mọi việc đều bói, như vậy đã sản sinh vị Bốc quan 卜官 chuyên lo việc chiêm bốc. Họ đem những gì đã trải qua và kết quả chiêm bốc khắc lên mai rùa hoặc xương bò, hình thành giáp cốt văn được phát hiện sau này.
          Tuy thôn Tiểu Đông không ngừng đào được giáp cốt, nhưng một số người thu thập, nghiên cứu lại không hề biết giáp cốt có từ chỗ nào. Lúc bấy giờ, người buôn bán giáp cốt có 2 phái là Bắc Kinh và Sơn Đông. Trong phái Sơn Đông có một người tên là Phạm Duy Khanh 范维卿, ông là người đến thôn Tiểu Đồn thu mua giáp cốt sớm nhất. Để lũng đoạn hàng, ông đã giấu mọi người tình hình chân thực, chỉ đông nói tây, nói rằng giáp cốt xuất hiện ở huyện Thang Âm 汤阴Nam 河南, khiến cho những người nghiên cứu ở thời kì đầu tin đó là thực. Ngoài ra còn có người cho rằng giáp cốt xuất hiện ở huyện Vệ Huy 卫辉Nam 河南.
          Trải qua gần 10 năm điều tra, cuối cùng vào năm 1908 La Chấn Ngọc 罗振玉 đã tìm được địa điểm chính xác xuất hiện giáp cốt, đó là thôn Tiểu Đồn. Việc xác định được thôn Tiểu Đồn có ý nghĩa cực kì quan trọng, đầu tiên giảm đi những tổn thất về tư liệu giáp cốt. Sau khi xác minh được địa điểm, những nhà nghiên cứu trực tiếp khảo sát thực địa, có thể có được những tư liệu tương đối hoàn chỉnh và chuẩn xác.
          Trong số những người thu thập giáp cốt, còn có nhiều người nước ngoài, trong số họ, có người trực tiếp đến thôn Tiểu Đồn thu mua, khiến một số lượng lớn giáp cốt ra nước ngoài. Như giáo sĩ truyền giáo nước Mĩ là Phương Pháp Liễm 方法敛 trú tại huyện Duy Sơn Đông 山东 từ năm 1903 đến năm 1908 đã chở đi hơn 2700 mảnh giáp cốt; giáo sĩ truyền giáo Canada Minh Nghĩa Sĩ 明义士 bắt đầu từ năm 1914 đã nhiều lần đến thôn Tiểu Đồn, đến năm 1926, ông đã sưu tập tại Trung Quốc được 3, 4 vạn mảnh giáp cốt; Lâm Thái Phụ 林泰辅 người Nhật chuyên đến Trung Quốc mua giáp cốt. Hiện tại giáp cốt văn của Trung Quốc được lưu giữ tại 11 nước: Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Mĩ, Canada, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó Canada và Nhật Bản là nhiều nhất. Sau khi xác minh địa điểm xuất hiện giáp cốt, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch khai quật, ở một trình độ nhất định đã ngăn chận triệt để việc giáp cốt bị đưa ra nước ngoài. Cuối cùng, việc xác định thôn Tiểu Đồn, còn có một ý nghĩa trọng yếu khác, đó là theo đó mà mọi người cũng xác minh được nơi đây chính là “Ân khư” 殷墟 mà trong các sách vở cổ nói đến. Sau khi thôn Tiểu Đồn được xác định là nơi xuất hiện giáp cốt, tháng 10 năm 1928, Sở nghiên cứu ngôn ngữ lịch sử thuộc Viện nghiên cứu trung ương vừa mới được thành lập sau nhiều lần điều tra đã quyết định tiến hành khai quật khoa học toàn diện tại thôn Tiểu Đồn.  (còn tiếp)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 24/3/2014

Nguyên tác Trung văn
ÂN KHƯ GIÁP CỐT VĂN CHI MÊ
殷墟甲骨文之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post