Dịch thuật: Kính nghiệp và lạc nghiệp (tiếp theo)

KÍNH NGHIỆP VÀ LẠC NGHIỆP
(tiếp theo)

          Thứ hai phải “lạc nghiệp”.
          “Làm việc khổ quá!” Câu than này bất luận là người nào cũng thường thốt ra. Nhưng nếu tôi hỏi:
Làm việc khổ, như vậy lẽ nào không làm việc là không khổ?
Hôm nay nóng bức, tôi đang ở đây giảng thuyết đến nỗi cổ họng đau rát, các vị  đang lắng tai nghe, một số người nhìn chúng ta thấy khổ; nhưng ngược lại, nếu chúng ta đi đánh bạc, đi uống rượu, há chẳng phải không phí tinh thần, hao sức lực sao? Lẽ nào lại không khổ? Cần phải biết rằng, “lạc” hoàn toàn do tâm chủ quan, không phải ở sự việc khách quan. Đời người từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt, trừ lúc ngủ ra, những lúc khác không thể gác tứ chi ngũ quan sang một bên không dùng đến. Chỉ cần một khi dùng đến, nếu không phải là phí tinh thần thì cũng hao sức lực, không tránh được lao khổ. Người biết tính toán, chỉ cần từ trong lao khổ tìm ra khoái lạc. Tôi cho rằng loại người khổ thứ nhất trong thiên hạ không ai khổ bằng những người không nghề nghiệp, suốt ngày rong chơi, không biết đem thân mình, tâm mình đặt vào đâu, những ngày tháng của họ quả thật là buồn bã. Loại người khổ thứ hai đó là những người chán ghét nghề nghiệp của mình. Công việc không thể không làm, thế mà không bằng lòng làm. Không bằng lòng làm thì có thể tránh được nó không? Rốt cuộc là không thể, kết quả phải chau mày nhăn trán, than khóc mà làm. Đó chẳng phải là tự mình đùa với mình sao?
          Tôi thật lòng nói với các vị một câu:
          Phàm mọi nghề nghiệp đều có thú vui của nó, chỉ cần anh ra sức tiếp tục làm, thú vị tự nhiên sẽ phát sinh.
Tại sao vậy?
- Thứ 1: nhân vì phàm một nghề nghiệp luôn có nhiều tầng lớp, khúc chiết, nếu có thể thâm nhập vào nó, nhìn trạng thái biến hoá tiến triển của nó thì sẽ có ý vị thân thiết.
- Thứ 2: nhân vì thành tựu của mỗi nghề nghiệp đều không thể xa rời phấn đấu, từng bước từng bước phấn đấu tiến lên, khoái lạc sẽ tăng dần từ trong cái khổ.
- Thứ 3: tính chất của nghề nghiệp, thường cùng tiến với đồng nghiệp, giống như một trận đấu, có tranh phần thắng mới có khoái cảm.
- Thứ 4: khi chuyên tâm với một nghề nghiệp, nên vứt bỏ những vọng tưởng, những ý nghĩ lông bông, giảm đi những phiền muộn.
          Khổng Tử bảo rằng:
Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả (1).
知之者不如好之者, 好之者不如樂之者.
Đời người có thể từ trong nghề nghiệp của mình mà lĩnh hội thú vị thì cuộc sống mới có giá trị. Khổng Tử đã tự thuật cuộc sống, nói rằng:
Kì vi nhân dã, phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí vân nhĩ (2).
其為人也, 發憤忘食, 樂以忘憂, 不知老之將至云爾.
Cuộc sống như thế quả đúng là một cuộc sống lí tưởng của nhân loại.
          Tôi sinh bình dùng hai câu: một là “trách nhiệm tâm” 責任心, hai là “thú vị” 趣味. Tôi thường cố gắng thực hiện và điều hoà hai câu đó, cũng thường không ngại luôn đem hai câu đó hỏi bạn bè (cưỡng quát bất xả 強聒 不舍 (3).)
          Những điều giảng hôm nay, kính nghiệp tức là “trách nhiệm tâm”, lạc nghiệp tức là “thú vị”. Tôi tin cuộc sống hợp lí của nhân loại cần phải như thế, và hi vọng các vị và tôi cùng thụ hưởng.
  
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)-      Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả.
知之者不如好之者, 好之者不如樂之者.
          Người biết được đạo lí không theo kịp người ưa thích đạo lí coi trọng thực hành; người ưa thích đạo lí coi trọng thực hành lại không theo kịp người coi trọng vui sướng trong đạo lí.
 Câu này ở thiên Ung dã 雍也 trong Luận ngữ 論語
(2)-  Kì vi nhân dã, phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí vân nhĩ.
其為人也, 發憤忘食, 樂以忘憂, 不知老之將至云爾.
Khi phát phẫn nghiên cứu học vấn, ngay cả cơm cũng quên ăn; đến khi nghiên cứu rõ rồi, vui sướng đến lại quên cả những âu lo, không biết sắp già rồi.
“Vân nhĩ” 云爾 là trợ từ cuối câu.
Câu này ở thiên Học nhi 學而 trong Luận ngữ 論語 ( câu này ở thiên Thuật nhi 述而, nguyên tác in nhầm là Học nhi – ND)
(3)- CƯỠNG QUÁT BẤT XẢ 強聒 不舍: không sợ phiền phức, cứ nói đi nói lại. “Quát” là những tiếng nói nghe om sòm rát tai. “Xả” đồng với chữ có nghĩa là dừng lại, đình chỉ. Thiên Thiên hạ 天下trong Trang Tử 莊子  có câu:
Thượng thuyết hạ giáo, tuy thiên hạ bất thủ, cưỡng quát bất xả giả dã.
上說下教, 雖天下不取, 強聒不舍者也.
        Trên thì thuyết, dưới thì dạy, tuy thiên hạ không nhận lấy, những vẫn cố gắng không bỏ cuộc

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 02/11/2013

Nguyên tác Trung văn
KÍNH NGHIỆP DỮ LẠC NGHIỆP
敬業與樂業
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Previous Post Next Post