Dịch thuật: Thể Nhân các và Hoằng Nghĩa các

THỂ NHÂN CÁC VÀ HOẰNG NGHĨA CÁC

          Hai bên quảng trường Thái Hoà điện 太和 殿, sừng sững hai toà kiến trúc cao lớn hùng vĩ có kết cấu hoàn chỉnh, đó là Thể Nhân các 体仁阁 và Hoằng Nghĩa các 弘义阁.
          Thể Nhân các và Hoằng Nghĩa các được xây dựng vào đời Minh, đầu đời Minh gọi là “Văn lâu” 文楼 và “Võ lâu” 武楼. Năm Gia Tĩnh 嘉靖 thứ 41 nhà Minh đổi gọi là “Văn Chiêu các” 文昭阁 và “Võ Thành các” 武成阁. Năm Thuận Trị 顺治 thứ 2 nhà Thanh lại đổi là Thể Nhân các và Hoằng Nghĩa các, và tên gọi này được dùng cho đến hiện nay. Trong Nhật hạ cựu văn khảo 日下旧闻考 chép rằng:
          Bên trong cửa Thái Hoà, hai vu ở hai bên đông tây mỗi bên có 32 gian, chính giữa đông vu là Thể Nhân các, chính giữa tây vu là Hoằng Nghĩa các.
          Thể Nhân các và Hoằng Nghĩa các là kiến trúc phụ của Thái Hoà điện, hai toà các này làm nền, đã tôn thêm vẻ hùng vĩ tráng lệ cho Thái Hoà điện.
          Hoằng Nghĩa các được xây trên một nền vuông, bề mặt dài 9 gian, bề sâu 3 gian, chia làm 2 tầng trên dưới. Đời Thanh, Hoằng Nghĩa các là ngân khố của hoàng gia, vàng bạc châu báu, trân ngoạn mĩ khí hết thảy đều được cất giữ ở đây. Nói một cách đơn giản, Hoằng Nghĩa các là quốc khố của nhà Thanh.
          Quốc khố, là nguồn mạch kinh tế của đất nước, không giống với những chỗ vui chơi. Quốc khố đời Thanh do bộ Hộ nắm giữ, có cơ cấu và chế độ hoàn bị. Mỗi khi thu nhập hoặc chi ra đều phải ghi chép vào sổ bộ, cuối năm tổng kết, sau đó báo cáo lên Hoàng đế, để hiểu rõ toàn diện tình hình tài chính của một năm, nhằm đưa ra dự toán tài chính cho năm tới.
          Trong Hoằng Nghĩa các, vàng bạc chất thành đống, kì trân dị bảo nhiều vô kể, điều này đối với nhân viên quản lí ngân khố mà nói, đó là sự cám dỗ to lớn, nếu gặp phải kẻ tham lam, thì quả là thuận lợi. Cho nên, các Hoàng đế nhà Thanh vô cùng thận trọng khi tuyển dụng quan viên ngân khố. Chuyện kể rằng: vị đại thần Tôn Gia Cam 孙嘉淦 thời Ung Chính 雍正 cương trực không xu nịnh, liêm khiết công tâm. Có một lần, Tôn Gia Cam tiến cử một người cho Ung Chính, Ung Chính không dùng, Tôn Gia Cam ra sức thuyết phục, Ung Chính giận, quăng bút xuống đất, bảo Tôn Gia Cam viết tờ bảo đảm. Tôn Gia Cam không hề sợ hãi, nhặt bút lên định bước đi. Lúc bấy giờ một viên quan cất lời: Ông dám dùng bút ngự dụng! Tôn Gia Cam như bừng tỉnh, vội đem bút dâng trở lại. Ung Chính càng giận, sai giam Tôn Gia Cam vào ngục, chờ ngày chém. Nhưng sau đó không lâu, Ung Chính chuyển giận thành vui,  nói với các đại thần: Tôn Gia Cam rất thực thà chất phác, không ham tiền, có thể để Tôn Gia Cam giữ chức trưởng quan của ngân khố. Tôn Gia Cam nhận mệnh, công minh chấp pháp, dưới sự quản lí của ông, ngân khố ngày càng nề nếp trật tự, thay đổi được cục diện hỗn loạn trước đó.
          Thể Nhân các toạ lại tại phía đông Hoằng Nghĩa các, hình thức kiến trúc hoàn toàn giống Hoằng Nghĩa các. Đời Thanh có chế độ về điện các, đầu tiên là Trung Hoà 中和, thứ đến là Bảo Hoà 保和, tiếp đó là Văn Hoa 文华, rồi đến Vũ Anh 武英, sau nữa là Văn Uyên 文渊 và Đông các 东阁, tức tứ điện nhị các, đặt Đại học sĩ. Năm Càn Long 乾隆 thứ 13, Càn Long giảm Trung Hoà điện Đại học sĩ, tăng Thể Nhân các Đại học sĩ, gọi là tam điện tam các.
          Vào thời Khang Hi 康熙, chiến tranh đại quy mô nối nhau kết thúc, đất nước ngày càng ổn định. Nhưng phần tử tri thức Hán tộc chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng Mạnh, luôn đóng khung quan niệm truyền thống “Hoa Di chi biện” 华夷之辨, cho rằng triều Thanh vào làm chủ trung nguyên là đại nghịch bất đạo, nên có lập trường bất hợp tác. Sau khi Khang Hi lên ngôi, để lung lạc phần tử tri thức Hán tộc, nhằm đạt được mục đích sử dụng, ngoài khoa cử ra, còn đặt ra khoa Bác học hồng từ 博学鸿词, lệnh cho các quan viên tam phẩm trở lên cùng quan Khoa đạo tại kinh, Đốc phủ cùng Bố chính sứ, Án sát sứ ở các tỉnh tiến cử những người học hành giỏi giang, văn từ trác việt, nhập kinh khảo thí, sau đó bổ chức quan,địa điểm khảo thí là tại Thể Nhân các.
          Tháng 3 năm Khang Hi thứ 18, tại Thể Nhân các cử hành khảo thí lần đầu tiên khoa Bác học hồng từ. Ngày mồng 1 tháng 3, 143 người ứng thí tề tựu trước Thể Nhân các, Khang Hi ngự giá thân lâm. Trước khi khảo thí, tổ chức yến tiệc khoản đãi sĩ tử, tổng cộng có 50 bàn tiệc, mỗi bàn 4 ghế, lệnh các quan nhị phẩm, tam phẩm bồi yến. Mỗi bàn có 12 món ngon đẩy đủ cả hương lẫn sắc. Trước khi ăn còn được ban trà, trái cây. Trước khi vào tiệc, Quan Hồng lô tự 鸿胪寺tuyên đọc chỉ dụ:
         Các sĩ tử đều là những người đọc sách hiểu biết chuyện xưa, là những bậc hiền tài đời nay. Nay trẫm long trọng lệnh Quang Lộc tự ban cho yến, ngõ hầu để các sĩ tử biết kính lễ chí thành.
          Tiệc xong, mọi người vào trường thi, đề thi là 1 thiên “Tuyền cơ ngọc hành phú” 璿玑玉衡赋 cùng 1 bài “Tỉnh canh thi” 省耕诗. Ai làm xong trước có thể rời khỏi trường thi, ai làm chưa xong lệnh ban cho đuốc, đến trời tối mới chấm dứt. Quy mô của khoa Bác học hồng từ lần này rất lớn, danh sĩ học giả đương thời đua nhau đến tham dự. Chu Di Tôn 朱彝尊, Lí Nhân Đốc 李因笃, Phùng Úc 冯勖, Phan Lỗi 潘耒, 4 người xuất thân áo vải dự thi đã đạt được mĩ danh “Tứ đại bố y” 四大布衣. Đồng thời Khang Hi đã có những ưu đãi đặc biệt đối với một số danh nho, như Cao Sĩ Kì 高士奇, Lệ Đỗ Nột 励杜讷 nhân vì đến không kịp, Khang Hi sai hai người mỗi người làm 1 bài phú 1 bài thơ, sau đó bổ dụng, ban cho chức Nội các trung thư.
          Ngoài khoa Bác học hồng từ ra, triều khảo cũng cử hành tại Thể Nhân các. Mỗi năm sau kì điện thí, tân khoa Tiến sĩ đệ nhất giáp đệ nhất danh thụ chức Hàn lâm viện tu soạn; đệ nhị danh, đệ tam danh thụ chức Hàn lâm viện biên tu, tục gọi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
          Có một dạo Thể Nhân các đặt các bức hoạ Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤, Hoàng Thái Cực 皇太极, Thuận Trị 顺治 để các Hoàng đế đời sau đến chiêm bái, sau khi Thọ Hoàng điện 寿皇殿 tu sữa xong mới cho dời, chỉ còn lưu giữ khôi giáp của Hoàng Thái Cực, ngọc sách, ngọc bảo của Hiếu Trang Văn Hoàng hậu.
          Ngày nay, trong quá trình tham quan Cố cung, mọi người thường chú trọng tam điện, tam cung mà bỏ sót Hoằng Nghĩa các và Thể Nhân các vốn có một địa vị trọng yếu trong hoàng cung. Mọi người đâu biết vào đời Thanh, Hoằng Nghĩa các và Thể Nhân các là hai trung tâm dự trữ “tài” cho đất nước, Hoằng Nghĩa các dự trữ tiền tài, còn Thể Nhân các đào tạo nhân tài.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 31/8/2013

Nguyên tác Trung văn
THỂ NHÂN CÁC DỮ HOẰNG NGHĨA CÁC
体仁阁与弘义阁
Tác giả: Tào Liên Minh 曹连明
Trong quyển
TỬ CẤM CHI ĐIÊN LƯỢC ẢNH
紫禁之巅掠影
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Hoa văn sử xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post