Dịch thuật: Vịnh sử: Quốc công tẩy Thượng tướng




國公洗上相
國俊洗光啟
上相何緣遇國公
性相反處志相同
艱難圖濟無窮事
融入尋常一洗中
               阮輝濡

QUỐC CÔNG TẨY THƯỢNG TƯỚNG (1)
QUỐC TUẤN TẨY QUANG KHẢI 
Thượng tướng hà duyên ngộ Quốc công
Tính tương phản xứ chí tương đồng
Gian nan đồ tế vô cùng sự
Dung nhập tầm thường nhất tẩy trung
                                                 NGUYỄN HUY NHU (2)

Dịch nghĩa
QUỐC CÔNG TẮM THƯỢNG TƯỚNG
QUỐC TUẤN TẮM QUANG KHẢI
Thượng tướng có duyên gì mà lại gặp được Quốc công
Hai người tính tình tuy có chỗ khác nhau nhưng chí hướng lại giống nhau
Trong lúc gian nan cả hai đều hết lòng mưu đồ giúp nước
Hết giận, hoà hợp lại với nhau trong lần tắm bình thường này.

Dịch thơ
QUỐC CÔNG TẮM THƯỢNG TƯỚNG
QUỐC TUẤN TẮM QUANG KHẢI
Thượng tướng duyên may gặp Quốc công
Tuy rằng tính khác, chí luôn cùng
Trong cơn hoạn nạn lo việc nước
Hết giận, hoà vui lại hoá thân.

Chú của người dịch
(1)- Quốc Công: tức Trần Quốc Tuấn, thường được gọi là Trần Hưng Đạo, cũng còn được gọi là Hưng Đạo Vương, không rõ năm sinh. Có thuyết cho rằng ông sinh năm 1228, có thuyết cho là năm 1230 hoặc 1232. Ông là nhà quân sự, nhà chính trị và là nhà văn, người ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định, được phong ấp ở hương Vạn Kiếp, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang.
          Trần Quốc Tuấn là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú. Trần Quốc Tuấn có công lớn trong việc chông quân xâm lược Nguyên Mông. Khi mất được phong tặng là Thái sư thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
          Cha ông vốn có hiềm khích với Thái Tông, ông đã gạt bỏ hiềm khích riêng, không nghe theo lời dặn của cha là phải cướp ngôi nhà Trần, trái lại, ông đã phấn đấu xây dựng cơ nghiệp cho nhà Trần.
          Trần Quốc Tuấn mất năm 1300.
Thượng tướng: tức Trần Quang Khải, con thứ 3 của Trần Thái Tông, em Trần Thánh Tông, được phong tước Chiêu Minh Đại Vương. Ông sinh năm 1241, có thuyết cho rằng ông sinh năm 1240. Năm 1274 dưới triều Trần Thánh Tông, ông giữ chức Tướng quốc Thái uý. Năm 1282 dưới triều Trần Nhân Tông, ông giữ chức Thượng tướng Thái sư. Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên (năm 1285 và năm 1287 - 1288), Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn là hai nhân vật chủ yếu góp công lớn vào thắng lợi.
          Trần Quang Khải mất năm 1294.

Đại Việt sử kí toàn thư bản chữ Hán, quyển 6 tờ 2 a – b chép rằng:
Nhất nhật Quốc Tuấn tự Vạn Kiếp lai, Quang Khải há thuyền bác hí, cánh nhật nãi hồi. Hựu Quang Khải tính đạn mộc dục, Quốc Tuấn hiếu huân dục, thường hí Quang Khải thân thể ô cấu, thỉnh dục chi. Nãi giải Quang Khải y, dĩ thanh thuỷ hương táo tẩy viết: Kim nhật đắc tẩy Thượng tướng. Quang Khải diệc viết: Kim nhật đắc Quốc công tẩy dục. Tự thử, giao hoan tình hảo dũ đốc, thân vi Tướng Tướng, giáp phụ vương thất, nhị công vi xưng thủ.
     一日國峻自萬劫來,光啟下船博戲,竟日乃回.又光啟性憚沐浴,國峻好薰浴,嘗戲光啟身體污垢,請浴之.乃解光啟衣,以清水香澡洗曰:今日得洗上相.光啟亦曰:今日得國公洗浴. 自此,交歡情好愈篤,身為相將,夾輔王室,二公為稱首.
     Một ngày nọ, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi cờ, suốt cả ngày mới về. Quang Khải tính vốn sợ tắm, còn Quốc Tuấn thì thích tắm nước thơm, từng đùa Quang Khải là thân thể cáu bẩn, xin được tắm cho. Bèn cởi áo Quang Khải, dùng nước thơm tắm cho và nói: Hôm nay được tắm cho Thượng tướng. Quang Khải cũng bảo rằng: Hôm nay được Quốc công tắm cho. Từ đó, tình nghĩa giữa hai người càng thêm đậm đà, thân là tướng văn tướng võ, cùng phụ giúp cho vương thất, hai ông được khen là hàng đầu.
                                               (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998)
          Trong Đại Việt sử kí toàn thư bản chữ Hán, chữ “Tuấn” khắc với bộ “sơn”, tức chữ ; còn trong nguyên tác, chữ “Tuấn” viết với bộ “nhân” tức chữ .

(2)- Nguyễn Huy Nhu 阮輝濡 (1887 – 1962): còn gọi là Nghè Nhu, là một danh sĩ Nho học và nhà giáo dục Việt Nam đầu thế kỉ 20. Ông là người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) tỉnh Nghệ An. Nguyên quán ông ở xã Bột Thái, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tổ tiên dời vào Nghệ An.
          Ông đỗ Cử nhân khoa Kỉ Dậu 1909, sau đó được sung chức Giáo thụ phủ Quảng Ninh, Huấn đạo hạng nhất. Năm 1916, ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, dưới triều vua Khải Định khi mới 30 tuổi.
          Bia Văn miếu Huế chép ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 5 trong số 7 Tiến sĩ của khoa này. Về sau ông làm quan đến Hàn lâm viện tu soạn, Đốc học Quảng Ninh.
          Khi Viện đại học Huế thành lập năm 1957, ông được mời làm giáo sư môn Hán văn.
          Ông qua đời năm 1962.
          Ở trang đầu trong nguyên tác ghi là:
Lư Phong Nguyễn Huy Nhu Bính Thìn Tam giáp Tiến sĩ Lễ bộ tá lí.
山盧(*)峯阮輝濡丙辰三甲進士礼步佐理
    (Chữ “Lư” này gồm bộ bên trái và chữ bên phải)
          Bài Quốc công tẩy Thượng tướng là bài thứ 7 trong 11 bài Vịnh sử 咏史 ở tập Bí viên thi thảo 賁園詩草 của Lư Phong Nguyễn Huy Nhu.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 10/4/2013
Previous Post Next Post