Dịch thuật: Diễn biến quan xưng Tể tướng ... (kì cuối)


DIỄN BIẾN QUAN XƯNG TỂ TƯỚNG
 QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

 TRIỀU THANH

          Năm 1616, khi Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤kiến lập chính quyền Hậu Kim, quan chế rất đơn giản, chỉ lập 5 đại thần phụ tá cho mình.
          Năm Thiên Thông 天聪 thứ 10 (năm 1636) đời Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực 皇太极, triều Thanh lại thiết lập Nội bí thư viện 内秘书院, Nội quốc sử viện 内国史院, Nội hoằng văn viện 内弘文院 gọi chung là Nội tam viện (sau đổi gọi là Nội tam quán), phân biệt nắm giữ việc khởi thảo văn thư, sắc dụ, thu lục tấu sớ, cố vấn ứng đối, trở thành cơ quan giúp Hoàng đế xử lí chính sự. Trong Nội tam viện, mỗi viện lấy Đại học sĩ làm trưởng quan của viện mình (1 người Mãn 1 người Hán), là tiền thân của Tể tướng triều Thanh.
          Sau khi quân Thanh vào trung nguyên kiến lập chính quyền toàn quốc, vào năm Thuận Trị 顺治 thứ 15 (năm 1658), mô phỏng theo chế độ nhà Minh, đem Nội tam viện đổi gọi là Nội các 内阁, đặt Nội các Đại học sĩ, Hiệp biện Đại học sĩ làm chính, phó trưởng quan. Năm Ung Chính 雍正 thứ 7 (năm 1729), Nội các chính thức trở thành cơ cấu trung ương của triều đình, Đại học sĩ và Hiệp biện Đại học sĩ cũng chính thức trở thành chính, phó Tể tướng.
          Năm sau, Ung Chính lại lập Quân cơ phòng 军机房. 3 năm sau, đổi gọi là Biện lí Quân cơ xứ 办理军机处, sau gọi tắt là Quân cơ xứ, giúp Hoàng đế xử lí những công việc trọng yếu, nắm giữ quân quốc đại kế. Quân cơ xứ đặt Quân cơ đại thần (thường gọi là Đại quân cơ) làm Tể tướng. Khi Quân cơ đại thần nhận lãnh chức vụ, dựa vào sự kinh lịch của mỗi người mà phân ra là Quân cơ xứ hành tẩu 军机处行走, Đại thần thượng hành tẩu 大臣上行走, Đại thần thượng học tập hành tẩu大臣上学习行走… Số người thì không nhất định, lúc ban đầu lập 3 người, sau tăng lên từ 4 đến 8 người, lúc nhiều nhất là 11 người, do Hoàng Đế đích thân tuyển chọn từ Thân vương, Đại học sĩ, Thượng thư, Thị lang cùng Tổng đốc, Tuần phủ. Sau khi vào Quân cơ xứ vẫn bảo lưu chức vụ ở bộ viện hoặc đốc phủ trước đó, thường có sự thăng chuyển điều động. Trong Quân cơ đại thần, lập 1 người lãnh ban, do đại thần người Mãn đảm nhiệm, nắm giữ quân chính, là người đứng đầu Quân cơ đại thần, tức Thủ phụ 首辅. Từ đó, Quân cơ đại thần trở thành Tể tướng trên thực tế, Đại học sĩ chỉ là Tể tướng trên danh nghĩa; nhưng Quân cơ đại thần thường đeo luôn danh hàm Đại học sĩ.
          Năm cuối cùng niên hiệu Tuyên Thống 宣统 (năm 1911), Quân cơ xứ bị triệt tiêu, trước sau thành lập qua Hoàng tộc nội các và Trách nhiệm nội các, đặt Nội các tổng lí đại thần, tức Tể tướng.
          Tháng 2 năm sau, Tuyên Thống tuyên bố thoái vị, nhà Thanh diệt vong, đế chế bị lật đổ, chức Tể tướng của vương triều phong kiến từ đó cũng cáo chung.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 16/4/2013

Nguyên tác Trung văn
LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG QUAN XƯNG ĐÍCH DIỄN BIẾN
历代宰相官称的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post