Dịch thuật: Tại sao gọi hổ là "đại trùng"?


TẠI SAO GỌI HỔ LÀ “ĐẠI TRÙNG”

          Ở hồi thứ 23 trong truyện Thuỷ Hử 水浒 (1) : Hoành Hải quận Sài Tiến lưu tân, Cảnh Dương cang Võ Tòng đả hổ 横海郡柴进留宾, 景阳冈武松打虎 viết rằng:  Lúc Võ Tòng say nằm trên một tảng đá lớn ở núi Cảnh Dương, “chỉ nghe tiếng gầm sau bụi cây, một con “đại trùng” trán trắng nhảy ra”. Và giữa người với hổ xảy ra một trận ác đấu.
Hổ được gọi là “đại trùng” 大虫 thấy sớm nhất trong những ghi chép là ở Sưu thần kí 搜神记 của Can Bảo 干宝 đời Tấn. Tại sao lại gọi hổ là “đại trùng”? “Đại trùng” có nghĩa gì?
Người xưa dùng chữ “trùng” phiếm chỉ tất cả các loài động vật, họ chia trùng ra làm 5 loại:
          - Cầm là vũ trùng 羽虫
          - Thú là mao trùng 毛虫
          - Quy là giáp trùng 甲虫
          - Ngư là lân trùng 鳞虫
          - Nhân là khoả trùng 倮虫.
          “Đại” có nghĩa là lớn, là đứng đầu, như nói “đại nhân” 大人, “đại phu” 大夫, “đại vương” 大王 đều là nghĩa này. Hổ thuộc mao trùng, là vua của các loài thú. Người xưa đem thủ lĩnh của “ngũ trùng” phối hợp với phương vị ngũ hành, thần phương Tây là Bạch hổ 白虎. “Đại trùng” cũng chính là thủ lĩnh của loài mao trùng, mang ý nghĩa là vua của các loài thú. Cũng giống như thần long của phương Đông đứng đầu loài lân trùng, thần phụng của phương Nam đứng đầu loài vũ trùng nên được gọi là “Long vương” 龙王, “Phụng hoàng” 凤凰 (chữ  này đến thời Nam Bắc triều mới sản sinh).
          Do bởi hổ tính hung dữ, đứng đầu bách thú, nên thường mượn “đại trùng” để gọi người có tính cách giống như vậy. Trong truyện Thuỷ hử có xước hiệu (2)  “Mẫu đại trùng” 母大虫, “Bệnh đại trùng” 病大虫 (3). Biện Cổn 卞衮 (4) người thời Tống tính tình hung dữ, khi giữ chức Diêm thiết phó sứ hay dùng roi đánh thuộc hạ, mọi người gọi ông là “đại trùng”.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo Thuỷ hử truyện 水浒传 , bản Trung văn do Hương Cảng Quảng Ích thư cục xuất bản, và Thuỷ hử bản tiếng Việt của nhà xuất bản Văn học, ở đây là hồi thứ 22.
(2)- XƯỚC HIỆU 绰号: còn gọi là “ngoại hiệu” 外号, “ngộn hiệu” 诨号, từ thời cổ đã có. Xước hiệu có thể do mình tự đặt hoặc cũng có thể do người khác đặt cho. Xước hiệu được thấy sớm nhất là ở vào thời Hán. Có nhiều cách đặt xước hiệu:
- Từ phương diện ngoại hình: Giả Quỳ 贾逵 thời Hán nhân vì thân cao, đầu dài nên được gọi là “Giả trường đầu” 贾长头, Ôn Đình Quân 温庭筠 thời Đường do bởi tướng mạo xấu xí nên bị gọi là “Ôn Chung Quỳ thượng” 温钟馗上.
          - Từ phương diện cử chỉ: Chân Phong 甄丰 thời Hán thích nghị bàn vào ban đêm nên mọi người gọi ông là “Dạ bán khách” 夜半客.
          - Từ phương diện hành vi: Thôi Liệt 崔烈 thời Đông Hán dùng 500 vạn tiền mua chức quan nên có xước hiệu là “Đồng xú” 铜臭.
          - Từ phương diện sở thích: Thiên tử Hoằng Quang 弘光 triều Nam Minh thích dùng con nhái làm thuốc, Thừa tướng Mã Thượng Anh 马上英 thích đấu dế nên có xước hiệu là “Cáp mô Thiên tử” 蛤蟆天子, “Tất suất tướng công” 蟋蟀相公.
          - Từ phương diện trứ tác: Dương Quýnh 杨炯 thời Đường được mọi người gọi là “Điểm quỷ bạ” 点鬼簿 là do bởi ông thích dùng họ tên của người xưa. Lạc Tân Vương 骆宾王 được gọi là “Toán bác sĩ” 算博士 do bởi trong thơ của ông dùng nhiều chữ số.
          - Từ phương diện học thức: Trình Tế 程济 thời Minh nhân học rộng nên có nhã hiệu là “Lưỡng cước thư trù” 两脚书橱.
          - Từ phương diện ăn nói: Đậu Củng 窦巩 thời Đường do bởi nói năng chậm chạp, không giỏi về ngôn từ nên người đời chọc gọi ông là “Nhiếp nhu ông” 嗫嚅翁, Triệu Bái 赵霈 thời Nam Tống đảm nhiệm chức Gián nghị đại phu có bàn đến việc cấm giết ngỗng vịt, bị người đời đặt cho xước hiệu là “Nga áp Gián nghị” 鹅鸭谏议.
          Trích nguồn http://baike.baidu.com/view/49657.htm
(3)- MẪU ĐẠI TRÙNG 母大虫: tức Cố đại tẩu 顾大嫂
BỆNH ĐẠI TRÙNG 病大虫: tức Tiết Vĩnh 薛永
(4)- BIỆN CỔN 卞衮: đại thần thời Bắc Tống, tự Thuỳ Tượng 垂象, người Thành Đô 城都, Ích Châu 益州, đậu Tiến sĩ năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 22/02/2013

Nguyên tác Trung văn
VI THẬP MA XƯNG LÃO HỔ VI “ĐẠI TRÙNG”?
为什么称老虎为大虫”?
Trong quyển
VĂN NGÔN VĂN TOÀN GIẢI
文言文全解
(Sơ trung bản)
Chủ biên: Thẩm Diễm Xuân (沈艳春),
            Đô Hưng Đông (都兴冬),
            Hà Thục Quyên (何淑娟)
Trường Xuân: Cát Lâm đại học xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post