Dịch thuật: Diễn biến quan xưng Tể tướng ... (kì 5)


DIỄN BIẾN QUAN XƯNG TỂ TƯỚNG
 QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

 TUỲ, ĐƯỜNG, NGŨ ĐẠI THẬP QUỐC

TRIỀU TUỲ
          Sau khi nhà Tuỳ thống nhất Trung Quốc đã thiết lập Nội sử sảnh 内史省, Môn hạ sảnh 门下省, Thượng thư sảnh 尚书省 làm cơ cấu trung ương của triều đình. Nội thư sảnh quản việc văn thư của Hoàng đế, Môn hạ sảnh phụ trách thẩm tra, Thượng thư sảnh phụ trách chấp hành. Dưới Thượng thư sảnh đặt ra lục bộ, đây là hình thức cơ cấu trung ương “tam sảnh lục bộ chế” 三省六部制, các triều đại về sau đều theo đó.
          Triều Tuỳ lấy trưởng quan của tam sảnh là Nội sử lệnh 内史令, Nạp ngôn 纳言, Thượng thư lệnh 尚书令 cùng làm Tể tướng. Có lúc lấy chức quan khác gia thêm hàm “Tham chưởng chính sự” 参掌政事, “Tham chưởng triều chính” 参掌朝政 để hành sử chức quyền của Tể tướng, cũng có thể được xem là Tể tướng.
          Triều Tuỳ vẫn lập Tam sư (Thái sư 太师, Thái phó 太傅, Thái bảo 太保) và Tam công (Thái uý 太尉, Tư đồ 司徒, Tư không 司空), vừa không có thực quyền lại không có thuộc quan, chỉ thuần tuý là quan chức danh dự cho các lão thần.
TRIỀU ĐƯỜNG
          Sau khi Đường Cao Tổ lập quốc đã theo chế độ triều Tuỳ, lấy trưởng quan  Nội sử lệnh 内史令 (Trung thư lệnh 中书令), Nạp ngôn 纳言 (sau đổi gọi là Thị trung 侍中), Thượng thư lệnh 尚书令của Nội sử sảnh 内书省 (sau đổi là Trung thư sảnh 中书省), Môn hạ sảnh 门下省, Thượng thư sảnh 尚书省 làm Tể tướng.
          Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, nhân vì bản thân từng đảm nhậm qua chức Thượng thư lệnh thời Đường Cao Tổ, để tị huý đã bỏ chức Thượng thư lệnh, lập chức mới Thượng thư Tả Hữu bộc xạ 尚书左右仆射 làm trưởng quan  của Thượng thư sảnh, cùng với Trung thư lệnh, Thị trung cùng giữ chức Tể tướng.
     Thời Cao Tông, lấy Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự 同中书门下平章事 ( ý là cùng với trưởng quan của Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh đồng xử lí chính vụ), Đồng Trung thư Môn hạ tam phẩm 同中书门下三品 (ý là cùng ngang cấp với trưởng quan của Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh) làm Tể tướng.
          Thời Trung Tông, Duệ Tông, Võ Tắc Thiên, có dạo đem Trung thư sảnh đổi gọi là Phụng các 凤阁, Môn hạ sảnh đổi gọi là Loan đài 鸾台, Thượng thư sảnh đổi gọi là Văn Xương đài 文昌台, lấy Đồng Phụng các Loan đài bình chương sự 同凤阁鸾台平章事, Tả tướng 左相, Hữu tướng 右相 (tức nguyên là Thượng thư sảnh Tả, Hữu bộc xạ) làm Tể tướng.
          Sau khi Trung Tông lên ngôi trở lại, lại lấy Trung thư lệnh, Thị trung, Thượng thư Tả Hữu bộc xạ, Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự, Đồng Trung thư Môn hạ tam phẩm làm Tể tướng.
          Sau khi Huyền Tông lên ngôi, đem Trung thư sảnh đổi gọi là Tử vi sảnh 紫微省, Môn hạ sảnh đổi gọi là Hoàng môn sảnh 黄门省, Thượng thư sảnh đổi gọi là Văn Xương đài文昌台, đặt Tử vi lệnh 紫微令, Hoàng môn lệnh 黄门令, Tả Hữu Thừa tướng 左右丞相 (nguyên là Thượng thư sảnh Tả Hữu bộc xạ) làm Tể tướng. Chẳng bao lâu lại khôi phục quan xưng thời Trung Tông lên ngôi trở lại, và dùng cho đến khi triều Đường diệt vong.
NGŨ ĐẠI THẬP QUỐC
          Năm 907, Chu Ôn 朱温 diệt nhà Đường, kiến lập nhà Hậu Lương. Từ đó về sau hơn 50 năm, 5 triều đại là Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu thay nhau thống trị ở lưu vực Hoàng hà, sử gọi là Ngũ đại. Đồng thời tại phương nam và khu vực Sơn Tây của phương bắc, trước sau xuất hiện 10 chính quyền cát cứ là Ngô , Nam Đường 南唐, Ngô Việt 吴越, Sở , Mân , Nam Hán 南汉, Tiền Thục 前蜀, Hậu Thục 后蜀, Kinh Bình 荆平(Nam Bình 南平), Bắc Hán 北汉, sử gọi là Thập quốc. Lịch sử đem thời kì phân liệt này hợp xưng là Ngũ đại thập quốc.
          Chế độ Tể tướng thời Ngũ đại vẫn theo chế độ triều Đường, lấy Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự làm Tể tướng.
          Trong 10 nước, trừ Nam Bình là nhược tiểu nhất chưa xưng đế và thiết lập Tể tướng ra, 9 nước còn lại đều lập qua chức Tể tướng, nhưng với các nước không phải mỗi vị đế vương đều thiết lập Tể tướng (như nước Sở chỉ có thời Vũ Mục Vương Mã Ân 武穆王 马殷 là lập ra, còn tại nước Mân thời Thái tổ Vương Thẩm Tri 王审知 và tự vương Vương Diên Hàn 王延翰 là không lập).Chức xưng Tể tướng ở các nước đa phần theo triều Đường, gọi Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự là Tể tướng; cũng có lúc gọi trưởng quan của Tam sảnh (Trung thư Thị lang, Môn hạ Thị lang, Thượng thư Thị lang) là Tể tướng; có khi lấy Tham tri chính sự 参知政事 (Tham chính sự, Tri chính sự) làm Tể tướng; Ngô Việt và Sở thì gọi là Tả thừa tướng, Hữu thừa tướng.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 20/02/2013

Nguyên tác Trung văn
LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG QUAN XƯNG ĐÍCH DIỄN BIẾN
历代宰相官称的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post