Dịch thuật: Thuyết khởi nguyên từ điển Trung Quốc (tiếp theo)


THUYẾT KHỞI NGUYÊN TỪ ĐIỂN TRUNG QUỐC
(tiếp theo)

          Quan điểm khác cho rằng tự thư cổ đại là từ điển sớm nhất của Trung Quốc. Trong Chu lễ - Địa quan – Tư đồ 周礼 - 地官 - 司徒 có ghi:
          Bảo thị chưởng gián vương ác, nhi dưỡng quốc tử dĩ đạo, nãi giáo chi lục nghệ: nhất viết ngũ lễ, nhị viết lục nhạc, tam viết ngũ xạ, tứ viết ngũ ngự, ngũ viết lục thư, lục viết cửu số.
          保氏掌谏王恶, 而养国子以道, 乃教之六艺: 一曰五礼, 二曰六乐, 三曰五射, 四曰五驭, 五曰六书, 六曰九数.
          (Quan Bảo thị phụ trách việc can ngăn những lỗi lầm của vương, lấy nghề dạy cho con em quý tộc, dạy lục nghệ: một là ngũ lễ, hai là lục nhạc, ba là ngũ xạ, bốn là ngũ ngự, năm là lục thư, sáu là cửu số)
          Hứa Thận 许慎 trong Thuyết văn giải tự tự 说文解字序 đã viết:
Chu lễ, bát tuế nhập tiểu học, Bảo thị giáo quốc tử, tiên dĩ lục thư.
周礼, 八岁入小学, 保氏教国子, 先以六书
          (Chu lễ quy định, con em quý tộc lên 8 tuổi vào học nơi nhà Tiểu học, do vị học quan là Bảo thị dạy dỗ, trước tiên là dạy lục thư)
          Có thể thấy, chí ít là vào đầu thời Chu, việc dạy văn tự đã trở thành một môn học chính thức. Để thoả mãn nhu cầu này, người xưa đem chữ Hán không ngừng phát triển thu thập lại thành sách, dạy cho con em quý tộc.
          Nổi tiếng nhất đó là quyển Sử Trứu thiên 史籀篇 do Thái sử Trứu 太史籀 thời Chu Tuyên Vương (năm 827 – năm 782 trước công nguyên) dùng để dạy cho trẻ em nhận biết mặt chữ. Vì vậy có học giả cho rằng: “Vào thời Xuân Thu Chiến quốc, tự thư đã xuất hiện”. Sử Trứu thiên nguyên có tổng cộng 15 thiên, nhưng sớm đã bị mất. Sử thiên 史篇 hiện còn mà trong Thuyết văn giải tự có dẫn và Trứu văn 籀文 được ghi chép,  tổng cộng có 223 chữ.
          Thời Chiến quốc, 7 nước phân lập, văn tự dị thể. Sau khi nhà Tần diệt 6 nước, Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thu nạp kiến nghị của Lí Tư 李斯, tiến hành công việc cải cách văn tự “thư đồng văn”, “loại bỏ những chữ không hợp với văn tự triều Tần” (Thuyết văn giải tự -  tự). Để loại văn tự mới là Tiểu triện được thực hiện phổ biến trong đại đế quốc thống nhất, Lí Tư đã biên soạn Thương Hiệt thiên 仓颉篇 gồm 7 chương. Ngoài ra còn có Viên lịch thiên 爰历篇 gồm 6 chương do Trung xa phủ lệnh Triệu Cao 赵高 biên soạn; Bác học thiên 博学篇 gồm 7 chương do Thái sử lệnh Hồ Mẫu Kính 胡母敬 biên soạn. Đầu thời Hán, có người đem 3 thiên này hợp lại thành sách, cứ 60 chữ thành một chương, tổng cộng có 55 chương, vẫn gọi là Thương Hiệt thiên 仓颉篇. Sách này đã thất truyền trong chiến loạn cuối thời Đường, nhưng học giả đời Thanh đã thu thập lại một số lượng lớn.
          Những đoạn văn Thương Hiệt thiên bị mất được thu thập lại một số trong Ngọc Hàm Sơn Phòng tập dật thư 玉函山房辑佚书 của Mã Quốc Hàn 马国翰 và trong Tiểu học câu trầm 小学钩沉 của Nhậm Đại Thung 任大椿. Trong Tục tiểu học câu trầm 续小学钩沉 của Cố Chấn Phúc 顾震福 cũng có thu thập không ít. Như trong Tiểu học câu trầm 小学钩沉  có câu:
Nhĩ thính viết linh; nhiệt, thiêu dã, nhiên dã; Tề quận vị lại bệnh viết khái.
耳听曰聆; , 烧也, 燃也; 齐郡谓癞病曰欬.
          (Tai nghe gọi là ‘linh’; ‘nhiệt’ có nghĩa là thiêu, là đốt; Tề quận gọi bệnh hủi là ‘khái’)
          Trong Tục tiểu học câu trầm 续小学钩沉  cũng có câu:
          Xâm, vũ dã, phạm dã; Hoàng Hiệt, cổ tạo thư nhân dã; niên (nhiên), tha thằng dã.
, 侮也, 犯也; 皇颉, 古造书人也; , 搓绳也
        (‘Xâm’ là lấn áp, lấn chiếm; ‘Hoàng Hiệt’ là người tạo ra chữ thời cổ; ‘niên’ (nhiên) xe dây lại)
          Có người căn cứ vào đó đưa ra kết luận, mặc dù thể lệ biên soạn không được chặt chẽ, nhưng Thương Hiệt thiên bao hàm sự giải thích đối với đơn tự, phức từ, lộ rõ nguyên hình là tự điển lúc bấy giờ.
          Thương Hiệt thiên vốn là sách dùng để dạy trẻ em nhận biết mặt chữ, khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất văn tự lại thành sách mẫu thể chữ Tiểu triện. Thương Hiệt thiên 4 chữ thành 1 câu, có vần, đọc lên rất thuận miệng. Viên lịch thiên cũng 4 chữ thành 1 câu. Những sách dạy học này nguyên lúc ban đầu không có chú giải đối với tự với từ, những giải thích và chú âm cho đơn tự, phức từ, phương ngôn trong Thiên Hiệt thiên , quyển được sưu tập lại, đều là của người đời sau thêm vào.
          Trong Hán thư – Nghệ văn chí 汉书 - 艺文志 ghi rằng:
          “Thương Hiệt” đa cổ tự, tục sư thất kì độc, Tuyên Đế thời trưng Tề nhân năng chính độc âm giả, Trương Sưởng tùng thụ chi, truyền chí ngoại tôn chi tử Đỗ Lâm vi tác huấn cố, tịnh liệt yên.
          “仓颉多古字, 俗师失其读, 宣帝时征齐人能正读音, 者张敞从受之, 传至外孙之子杜林为作训故, 并列焉.
          (Trong “Thương Hiệt” nhiều từ cổ, các thầy dạy không biết âm đọc của chúng. Thời Tuyên Đế cho mời một người nước Tề có thể đọc được. Trương Sưởng theo học, rồi truyền lại cho Đỗ Lâm, con của người cháu ngoại viết ra những lời giải thích)
          Có thể thấy, các đại sư đời Thanh đã nhầm, xem những chú giải của Đỗ Lâm là chính văn, từ đó dẫn đến những phán đoán sai lệch đối với Thương Hiệt thiên.
          Bất luận là Sử Trứu thiên hoặc Thương Hiệt thiên, những sách này đều không có đủ đặc điểm của loại từ điển hiện đại, không nên quy chúng vào tự điển, mà  chỉ có thể xem chúng là sách giáo khoa. Nhưng điều không thể dễ dàng phủ nhận là, sự xuất hiện của chúng đã đặt nền móng cơ sở ngữ liệu và văn tự tương đối tốt cho việc biên soạn từ điển của người đời sau.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 13/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TRUNG QUỐC TỪ ĐIỂN KHỞI NGUYÊN THUYẾT
中国辞典起源说
Trong quyển
TRUNG QUỐC TỪ ĐIỂN SỬ LUẬN
中国辞典史论
Tác giả: Ung Hoà Minh 雍和明
             La Chấn Dược 罗振跃
                      Trương Tương Minh 张相明
          Trung Hoa thư cục, 2006.
Previous Post Next Post