Dịch thuật: Tường đỏ ngói vàng trong Tử cấm thành


TƯỜNG ĐỎ NGÓI VÀNG TRONG TỬ CẤM THÀNH

          Ở Trung Quốc, màu đỏ luôn được xem là chính sắc biểu thị niềm vui, ngụ ý trang nghiêm, hạnh phúc, cát tường. Những văn vật phát hiện được, chứng minh người Sơn Đính động 山顶洞 của mười mấy vạn năm về trước đã thích dùng màu đỏ để trang sức nơi ở của mình.  Những ghi chép trong sách vở cho biết, kiến trúc cung điện đời Chu đời Hán sử dụng màu đỏ càng phổ biến. Tử cấm thành 紫禁城 noi theo quy chế cung điện của các đời trước, cung tường, thiềm tường đều dùng màu đỏ, mà lại là màu đỏ tươi. Theo quy định, trừ hoàng cung ra, chỉ có phủ thân vương và những đàn miếu quan trọng mới có thể dùng màu đỏ. Màu đỏ cho người ta một cảm giác trang nghiêm kính cẩn hoa lệ.
          Trong học thuyết ngũ hành, màu vàng đại biểu cho phương vị trung ương, trung ương thuộc thổ, thổ có sắc vàng, gốc của vạn vật, cho nên xưa nay màu vàng được giới thống trị xem là màu tôn quý nhất, đa số mái của các cung điện đều lợp ngói hoàng lưu li.
          Kiến trúc hoàng cung mái dùng ngói hoàng lưu li, chí ít được bắt đầu từ thời nhà Tống. Hai triều Minh Thanh dần từng bước quy định: chỉ có hoàng cung, lăng tẩm cùng những đàn miếu được xây dựng theo lệnh của hoàng đế mới dùng ngói hoàng lưu li, ngoài ra các nơi khác đều không được.
          Lâu đài điện các trong Tử cấm thành đa số đều tường đỏ ngói vàng, màu sắc rực rỡ, tăng hiệu quả hài hoà đẹp mắt, hình thành một chỉnh thể mang khí tượng hùng vĩ nghiêm trang, vừa biểu hiện được sự đàng hoàng phú lệ của hoàng gia, lại phản ánh được “thiên thượng quyền uy” 天上权威 và “thiên tử chí tôn” 天子至尊 của hoàng đế.
          Ngoài ra, trong Tử cấm thành còn có một số ít kiến trúc dùng ngói xanh hoặc ngói đen, những kiến trúc này không phải là nơi ở và hoạt động của hoàng đế, cho nên quy cách hơi thấp. Trong ngũ hành, thanh là màu xanh, là màu của lá cây, tượng trưng cho mùa xuân ấm áp, phương vị thuộc về đông, cho nên giống như điện Văn Hoa 文华 trong cửa Đông Hoa 东华 nguyên là nơi thái tử đọc sách, vì thế đã dùng ngói thanh lưu li. Đến đời Gia Tĩnh 嘉靖 triều Minh mới đổi lại dùng màu vàng, trở thành nơi hoàng đế triệu kiến Hàn lâm học sĩ, cử hành lễ kinh diên giảng học. Ba nơi ở phía nam là nơi ở của hoàng tử, nên dùng tường đỏ ngói xanh. Năm Càn Long 乾隆 thứ 39 trở thành nơi chứa Tứ khố toàn thư 四库全书. Khi tu sửa tàng thư lâu Văn Uyên các 文渊阁 trong hoàng cung, để tránh hoả hoạn, tường dùng màu xanh lục, ngói dùng hắc lưu li viền xanh. Màu đen là màu đại biểu cho thuỷ, ý là để trấn hoả. Hai bên đông tây trong cửa Thần Vũ 神武 nguyên là nơi trực ban của Chương kinh hộ quân, vị trí ở phương bắc thuộc thuỷ nên đã dùng ngói đen.
          Trong xã hội phong kiến, việc vận dụng màu sắc trong kiến trúc theo một chế độ đẳng cấp nghiêm nhặt. Với màu sắc, màu vàng là chí tôn, tiếp đó là màu đỏ, màu lục, màu lam, màu đen và màu xám tro. Cung điện dùng màu vàng, màu vàng kim,  màu đỏ phối hợp nhau. Phủ đệ của vương công đại thần dùng ngói
 xanh, nhà của dân chỉ có thể dùng màu đen, màu xám tro, màu trắng để quét tường và lợp mái. Quần thể kiến trúc màu vàng với một diện tích rộng lớn trong Tử cấm thành đã có tác dụng mạnh mẽ, phảng phất khí thế tráng lệ, khiến hiệu quả tổng thể càng tăng thêm, nó vô cùng sáng tươi hùng vĩ nổi bật trong sắc màu ảm đạm của thành Bắc Kinh cổ xưa.
                                                    
                                           Huỳnh Chương Hưng
                                           Quy Nhơn 26/11/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỬ CẤM THÀNH ĐÍCH HỒNG TƯỜNG HOÀNG NGOÃ
紫禁城的红墙黄瓦
Tác giả: Lâm Kinh 林京
Trong quyển
TỬ CẤM CHI ĐIÊN LƯỢC ẢNH
紫禁之巅掠影
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Quốc Văn sử xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post